Chuyên gia lý giải chuyện tiêm vaccine vẫn nhiễm COVID-19

Nhiễm COVID-19 sau khi tiêm vaccine do nhiều yếu tố khách quan nhưng việc tiêm vẫn rất cần thiết để phòng dịch, kết hợp các biện pháp phòng ngừa khác.

Theo hãng thông tấn Yonhap, ngày 18-6, giới chức y tế Hàn Quốc phát hiện 29 trường hợp nhiễm COVID-19 dù đã được tiêm vaccine phòng ngừa từ trước. 28 người trong số này được tiêm ở Hàn Quốc còn một người tiêm ở nước ngoài. Tên loại vaccine sử dụng không được tiết lộ nhưng Hàn Quốc hiện đang lưu hành loại vaccine hai liều của hãng dược AstraZeneca (Anh), Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức) và loại một liều của Janssen (công ty con của hãng dược Mỹ Johnson & Johnson).

Ngày 17-6, kênh Channel News Asia đưa tin về nhiều trường hợp tương tự xảy ra ở Indonesia. Hơn 350 nhân viên y tế một bệnh viện tại huyện Kudus thuộc tỉnh Central Java dương tính với virus SARS-CoV-2 dù đã tiêm đủ hai liều vaccine của AstraZeneca. Trưởng cơ quan y tế huyện Kudus - ông Badai Ismoyo chia sẻ hầu hết nhân viên y tế này không có triệu chứng và đang tự cách ly ở nhà. Song đã có hàng chục người phải nhập viện với các triệu chứng như sốt cao và giảm nồng độ ôxy trong máu.

Nhân viên y tế tại BV Long Beach tiêm chủng cho người dân ở bang California (Mỹ) hồi tháng 5. Ảnh: AFP

Nhân viên y tế tại BV Long Beach tiêm chủng cho người dân ở bang California (Mỹ) hồi tháng 5. Ảnh: AFP

Chuyên gia nói gì?

Trả lời phỏng vấn đài CBC về tình trạng vẫn nhiễm COVID-19 dù đã tiêm vaccine, chuyên gia dịch tễ học Derik Flerlage thuộc Sở Y tế bang Kansas (Mỹ) lưu ý rằng không có loại vaccine nào cho khả năng bảo vệ hoàn toàn 100%, cả vaccine của Pfizer/BioNTech được đánh giá cao từ giới chuyên môn cũng chỉ đạt khoảng 90%-95%. Bên cạnh đó, phải tiêm đủ hai liều thì vaccine mới thật sự có thể phát huy hết tác dụng, chứ nếu chỉ tiêm một liều thì hiệu quả không cao.

“Vaccine hoạt động tốt nhất khi càng nhiều người tiêm càng tốt để tạo miễn dịch cộng đồng. Nếu chỉ vài người tiêm lẻ tẻ thì cũng không được vì khả năng lây virus từ những người không tiêm rất cao. Chưa kể vaccine dù có thể giúp người tiêm không nhiễm COVID-19 nhưng cơ thể người đó vẫn có khả năng mang mầm bệnh, tức vẫn có thể lây cho người khác, khiến dịch càng khó kiểm soát” - ông Flerlage cho biết.

Một lý do khác giải thích cho các trường hợp nhiễm COVID-19 sau khi tiêm là có một số người có hệ miễn dịch suy yếu từ trước do có bệnh nền hoặc đang sử dụng một số loại thuốc nhất định (các loại thuốc chống đào thải cho người ghép nội tạng thường làm ảnh hưởng tới hệ miễn dịch). Số liệu thống kê của kênh khoa học National Geographic cho biết chỉ khoảng 58% số người có hệ miễn dịch suy yếu có thể tạo ra kháng thể chống virus SARS-CoV-2 và lượng kháng thể khi đó vẫn thấp hơn người bình thường khi tiêm. Các trường hợp như vậy buộc phải tiêm tới liều thứ ba và tham khảo ý kiến của bác sĩ để theo dõi tình trạng sức khỏe trước và sau khi tiêm.

Cuối cùng, việc xuất hiện các biến thể mới của chủng gốc SARS-CoV-2 càng khiến công tác đẩy lùi dịch bệnh trở nên khó khăn hơn, theo tờ The Nikkei. Các biến thể Alpha (B1117) ở Anh, Beta (B1351) xuất hiện ở Nam Phi, Delta (B1617) ở Ấn Độ và Gamma (P1) ở Brazil có tốc độ lây lan nhanh hơn hẳn chủng gốc trong khi độc tố vẫn giữ nguyên hoặc tăng cao hơn.

Điểm chung của các biến thể mới là chúng mang trong mình đột biến E484K, được giới nghiên cứu cảnh báo là có khả năng kháng lại các loại vaccine ngừa COVID-19. Riêng biến thể B1617 ở Ấn Độ nguy hiểm hơn, có thêm hai đột biến nữa là E484Q và L452R, giúp virus tăng đáng kể khả năng lây nhiễm và kháng vaccine, đặt ra thách thức rất lớn cho nước nào bị biến thể này ảnh hưởng.

178,2

triệu người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được trang thống kê Worldometers ghi nhận đến ngày 18-6 (giờ Việt Nam), trong số này 3,8 triệu người đã chết.

Vaccine vẫn là giải pháp tốt nhất lúc này

Dù các thông tin trên cho thấy hiệu quả của vaccine có một số hạn chế nhất định, song giới chuyên gia vẫn khuyến nghị người dân tiếp tục tin tưởng vào liệu pháp này bởi vaccine vẫn là cách ngăn ngừa dịch tốt nhất hiện nay.

Cụ thể, hãng tin Bloomberg dẫn lời chuyên gia Robert Darnell thuộc ĐH Rockefeller (Mỹ) cho biết số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy tỉ lệ nhiễm COVID-19 ở những người không tiêm vaccine cao hơn mức trung bình toàn quốc tới 69%, còn tỉ lệ tử vong vẫn không đổi so với hai tháng trước dù tình hình dịch ở Mỹ đã giảm đi rất nhiều. CDC ghi nhận tỉ lệ nhiễm COVID-19 cực kỳ thấp ở bộ phận người đã tiêm, chỉ khoảng 0,01% (tức 1/10.000 người) tính đến cuối tháng 4. Ngay cả những người bị nhiễm thì tình trạng bệnh cũng chỉ ở mức nhẹ hoặc trung bình, rất ít có ca trở nặng.

Đối với các nhóm thường xuyên phải tiếp xúc với người bệnh thì vaccine vẫn chứng tỏ khả năng bảo vệ khá tốt. Một nghiên cứu của CDC theo dõi tình trạng sức khỏe của khoảng 8.000 người cao tuổi và 7.000 nhân viên y tế (tất cả đều được tiêm vaccine) tại 78 nhà dưỡng lão ở bang Kentucky cho thấy từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 3 năm nay, các cơ sở này có 600 ca nhiễm COVID-19 nhưng chỉ 22 ca trong số này là người đã tiêm vaccine. Các ca này tiếp tục được xét nghiệm và cho thấy nồng độ virus trong cơ thể thấp, không đủ lây lan sang người khác và khỏi bệnh nhanh.

“Các số liệu này chứng tỏ dù khả năng nhiễm COVID-19 sau khi tiêm vẫn hiện hữu nhưng chúng ta không nên quá lo lắng mà nên kết hợp với các biện pháp bảo vệ khác để tự bảo vệ sức khỏe bản thân. Cuối cùng, mục tiêu lớn nhất và quan trọng nhất của mọi quốc gia hiện này là cần phải đạt được miễn dịch cộng đồng, càng nhiều người được tiêm thì virus càng ít có cơ hội đột biến để tạo biến thể mới cũng như giảm thiểu tất cả rủi ro khác liên quan tới vaccine vì môi trường sống và lây lan của virus ngày càng bị thu hẹp” - ông Darnell nhấn mạnh.•

Thuốc đặc trị COVID-19 giúp giảm nguy cơ tử vong ở các ca nặng

Tờ The Wall Street Journal ngày 17-6 đưa tin hãng dược Regeneron (Mỹ) và phòng thí nghiệm Roche (Thụy Sĩ) vừa công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng từ tháng 9-2020 đến tháng 5-2021, một loại thuốc đặc trị có tên REGN-COV2 giúp giảm được tỉ lệ tử vong ở các ca COVID-19 nặng.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 9.800 bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện. 1/3 trong số này không thể sinh kháng thể chống virus. Sau khi sử dụng thuốc, kết quả cho thấy thuốc REGN-COV2 đã làm giảm 1/5 nguy cơ tử vong. 30% bệnh nhân nặng không dùng thuốc REGN-COV2 tử vong sau 28 ngày, trong khi con số này ở nhóm được dùng thuốc REGN-COV2 là 24%.

GS Martin Landray thuộc ĐH Oxford (Anh), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “Đây là lần đầu tiên có một loại thuốc kháng virus đã chứng tỏ cứu sống được bệnh nhân nặng phải nhập viện”.

Về cách thức hoạt động, thuốc sử dụng hai loại kháng thể tổng hợp nhằm dính vào mặt trên các protein gai của virus, ngăn chúng tác động đến các tế bào cơ thể người. Thuốc có thể sử dụng cho người có hệ miễn dịch bị tổn thương, không thể tự tạo đủ kháng thể cho bản thân dù họ đã được tiêm phòng hoặc đã từng nhiễm bệnh.

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/chuyen-gia-ly-giai%C2%A0-chuyen-tiem%C2%A0vaccine-van-nhiem-covid19-993914.html