Chuyên gia lưu ý 7 điều để an toàn khi đi bơi ngày nắng nóng

Những ngày nóng nực cao điểm như hiện nay, các bể bơi ở Hà Nội luôn đông đúc, thậm chí quá tải. Tuy nhiên, các mẹ cần lưu ý 7 điều sau đây để đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng cho bé khi đi bơi.

Đến bể bơi, thỏa sức vùng vẫy dưới làn nước mát là việc ưu thích của nhiều người, đặc biệt là các bạn nhỏ trong ngày hè oi nóng. Dù vậy, khi đến bể bơi, cũng cần phải tuân thủ một số nguyên tắc để đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng cho bản thân.

Tuân thủ các nguyên tắc khi đi bơi giúp đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng cho bản thân. Ảnh minh họa

Tuân thủ các nguyên tắc khi đi bơi giúp đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng cho bản thân. Ảnh minh họa

Là một vận động viên thể thao, đồng thời là Giám đốc bể bơi bốn mùa Sense Aqua (Tầng 4, Trung tâm Phụ nữ & Phát triển, số 20 Thụy Khuê, Hà Nội), theo chị Đỗ Lan Hương có 7 nguyên tắc cơ bản khi đi bơi bạn cần lưu ý:

Tuyệt đối không được ăn no

Không được ăn no trước khi xuống bể là điều đầu tiên phụ huynh cần lưu ý, bởi ăn no dễ gây nôn ói khi ở dưới nước và trong trường hợp này nạn nhân dễ bị chết vì ngạt nước.

Dành thời gian nghỉ ngơi trước khi xuống bể

Vào những ngày hè, bạn cần phải di chuyển một quãng đường nắng nóng để đến bể bơi, cơ thể sẽ ra mồ hôi. Lúc này, nếu xuống bể bơi ngay, cơ thể dễ phản ứng với nhiệt độ dưới nước. Để đảm bảo an toàn, bạn nên nghỉ ngơi từ 5 đến 7 phút, đợi mồ hôi thật khô, uống một chút nước, sau đó mới xuống bể.

Tắm tráng để bảo đảm an toàn

Các bể bơi thường yêu cầu tắm tráng trước khi xuống bơi để đảm bảo vệ sinh cho bể. Điều này hoàn toàn đúng. Bên cạnh đó, từ góc độ của chuyên gia, theo chị Đỗ Lan Hương, tắm tráng là việc làm bắt buộc cần phải tuân thủ để thân nhiệt làm quen với nhiệt độ của nước, tránh bị sốc nhiệt khi xuống bể bơi.

Thời gian ở dưới bể bơi

Với mỗi lứa tuổi khác nhau, thời gian ở dưới bể cũng khác nhau, bạn nên biết, để tránh ngâm mình dưới bể quá lâu, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tùy theo từng lứa tuổi để xác định thời gian ở dưới bể bơi cho phù hợp

Cụ thể:

- Các bé dưới 3 tuổi, chỉ nên ở dưới bể bơi khoảng 30 phút.

- Các bé từ 3 – 10 tuổi, có thể ở dưới bể bơi khoảng 1h.

- Các bé trên 10 tuổi và người lớn, có thể ở dưới bể bơi trong thời gian lâu hơn.

Tuy nhiên, tùy theo tình hình sức khỏe của bản thân để điều chỉnh cho phù hợp.

Lưu ý khi ở dưới nước

Vào những ngày nóng, các bể bơi thường có rất đông người, khó quan sát, vì vậy, nếu đưa con đi bơi, các phụ huynh nên để ý đến con nhiều hơn. Thay vì đọc sách, sử dụng điện thoại, tám chuyện… bạn nên quan sát con khi con bơi. Nếu thấy sau 1, 2 phút con không ngoi lên mặt nước để thở, bạn cần phải kiểm tra và nhờ sự trợ giúp của nhân viên cứu hộ, vì rất có thể, bé đang bị chìm và không thể ngoi lên được.

Bể bơi thường rất đông, bạn nên quan sát cẩn thận khi các bé ở dưới nước

Đặc biệt, bạn cần nhắc các bé không nên làm những động tác quá đột ngột như nhảy bùm từ trên cao xuống, ngụp lặn, đùa nghịch quá nhiều sẽ nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.

Kiểm tra chất lượng nước bể bơi

Chất lượng nước trong bể bơi ảnh hưởng rất nhiều đến làn da, mái tóc, hệ hô hấp của người đi bơi, đặc biệt là các em nhỏ.

Trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, hầu hết các bể bơi đều đông người, quá tải, vì vậy, việc vệ sinh, dùng hóa chất để xử lý nước là bắt buộc.

Bạn có thể tự kiểm tra loại hóa chất bể bơi dùng có đảm bảo không bằng cách quan sát các dấu hiệu: nếu bể sử dụng clo khử trùng của Trung Quốc sẽ có mùi nồng nặc, đồng thời, sau khi bơi da sẽ bị đen, tóc cứng. Còn nếu bể bởi sử dụng clo khử mùi đạt tiêu chuẩn của Nhật Bản hay các nước châu Âu, bạn sẽ không bị đen, dù bơi thường xuyên trong thời gian dài.

Ngoài ra, các bể bơi đạt tiêu chuẩn thường có công đoạn vệ sinh bể, hút chất bẩn giữa các ca bơi, để nước trong bể bơi luôn đảm bảo tiêu chuẩn cho người sử dụng.

Một số “trợ thủ” khi đi bơi

Bể bơi là nơi có rất nhiều hóa chất, các chất thải, chất bẩn gây hại cho cơ thể. Vì thế, ngoài đồ bơi bạn cũng nên chuẩn bị một số “trợ thủ” bảo vệ sức khỏe khi đi bơi như:

- Kính bơi giúp bảo vệ mắt khỏi clo trong nước ở bể bơi giúp bạn tránh các bệnh về mắt.

Trang bị đầy đủ phụ kiện đi kèm như kính, mũ.... giúp bảo vệ sức khỏe khi đi bơi

- Mũ và nút tai giúp hạn chế nước và hóa chất độc hại xâm nhập vào tai và gây nhiễm trùng tai.

Sau khi đi bơi bạn nên vệ sinh tai sạch sẽ bằng cách lau khô và dùng bông tai thấm khô nước trong tai để hạn chế nguy cơ viêm nhiễm.

- Kem dưỡng ẩm: sử dụng sau khi tắm xong giúp ngăn ngừa khô da hiệu quả.

Vân Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/chuyen-gia-luu-y-7-dieu-de-an-toan-khi-di-boi-ngay-nang-nong-post60487.html