Chuyên gia lo ngại dịch sởi bùng phát, bà bầu cần làm gì để phòng bệnh?

Với thai phụ mắc sởi, nguy cơ dễ sảy thai, đẻ non do sốt rất cao, dễ bội nhiễm do suy giảm miễn dịch hơn người khác. Do đó, bà bầu không nên chủ quan mà cần phòng ngừa sởi bằng cách tiêm vắc xin ngay từ thời điểm trước khi mang thai.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Bạch Mai thông tin với báo Infonet, từ những tháng cuối năm 2018 đến nay, khoa liên tục tiếp nhận các trường hợp mắc sởi đến khám, nhập viện. Chỉ riêng ngày hôm 9/1, khoa tiếp nhận 6 ca mắc sởi ở người lớn, và tiếp tục sáng 10/1, có thêm 2 người nhập viện.

Bác sĩ bệnh viện Bạch Mai điều trị cho bệnh nhân mắc sởi.

Lo ngại dịch sởi quay trở lại theo chu kỳ 5 năm (năm 2014 dịch sởi cũng bùng phát ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, trong đó tại khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai cũng phải điều trị cho 100 bệnh nhân là người lớn), tuy nhiên PGS. Cường cho hay “chỉ vài ba tháng trở lại đây, chúng tôi đã tiếp nhận tới 50 ca”.

PGS. TS Đỗ Duy Cường thông tin, điều kiện thời tiết đông – xuân như hiện nay rất dễ bùng phát virus sởi. Nếu vài tháng trước, trung bình mỗi tháng, khoa Truyền nhiễm có khoảng 10 trường hợp điều trị thì chỉ trong hai ngày gần đây (9-10/1), khoa đã có 8 ca. Một số ca trong tình trạng mắc sởi trên nền cơ địa đặc biệt là có thai, phổi mãn tính.

Bà bầu mắc sởi, nguy cơ sảy thai, đẻ non

Theo Vietnamnet, khi nhiễm sởi, bà bầu có thể bị bội nhiễm do hệ miễn dịch suy giảm và từ đó dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm đường tiết niệu... Đặc biệt, viêm phổi sẽ hết sức nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến việc hô hấp của cơ thể người mẹ, gián tiếp ảnh hưởng đến thai nhi.

Khi mắc sởi bà bầu thường có dấu hiệu đó là sốt cao, điều này sẽ ảnh hưởng tới thai nhi. Trong buồng tử cung nhiệt độ luôn ở mức cao hơn cơ thể người mẹ từ 1-1,5 độ C.

Bệnh sởi sẽ ảnh hưởng tới thai nhi tùy theo thời điểm mà người mẹ nhiễm sởi:

Trong ba tháng đầu bị sởi nguy cơ thai nhi dị dạng hoặc sảy thai rất cao, sinh con nhẹ cân hoặc thậm chí dị tật.

Trong ba tháng giữa nguy cơ dị dạng thai ít hơn, nhưng vẫn có thể gây thai lưu, sảy thai.

Ba tháng cuối nguy cơ gây dị dạng thai không cao nhưng có thể khiến mẹ bầu phải đẻ non hoặc thai chết lưu.

Bà bầu cần làm gì để phòng bệnh sởi?

Bác sĩ khuyến cáo bà bầu tiêm vắc xin sởi trước khi mang thai.

Trong thời gian mang bầu, sức đề kháng của cơ thể mẹ thấp nên rất dễ nhiễm vi khuẩn, virus, đặc biệt là khi có dịch sởi. Mà dịch sởi có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Chính vì vậy, mẹ không nên chủ quan mà cần phòng ngừa sởi ngay từ thời điểm trước khi mang thai. Việc phòng tránh sởi vô cùng đơn giản, trước tiên là bà mẹ nên tiêm phòng sởi trước khi mang thai. Vì vắc xin ngừa sởi được chế tạo từ những vi khuẩn sống nên mẹ bầu cần tiêm trước thời điểm dự định mang thai ít nhất là ba tháng. Điều đó sẽ giúp cho cơ thể mẹ tạo ra đầy đủ kháng thể chống virus sởi.

Bên cạnh đó, bà bầu cần giữ vệ sinh thân thể và phòng ốc giúp tăng khả năng phòng các loại bệnh truyền nhiễm; rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng có tác dụng diệt khuẩn để ngăn chặn sự xâm nhập của các loại virus; đeo khẩu trang y tế chuyên dụng khi đi ra khỏi nhà, đến chỗ đông người; luôn vệ sinh sát trùng mũi họng bằng nước muối sinh lý.

Những tư vấn hữu ích, khoa học và chính xác nhất cho mẹ bầu - nhất là những phụ nữ lần đầu làm mẹ sẽ được cập nhật liên tục trên báo điện tử Người Đưa Tin vào lúc 8h sáng hằng ngày, mời quý vị và các mẹ bầu cùng đón đọc.

Phong Linh (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chuyen-gia-lo-ngai-dich-soi-bung-phat-ba-bau-can-lam-gi-de-phong-benh-a418103.html