Chuyên gia LHQ: Việt Nam chống COVID-19 rất hiệu quả

Ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam, đánh giá thành công của Việt Nam trong ứng phó với COVID-19 đến từ 3 yếu tố, gồm: truy vết, xét nghiệm có chiến lược và thông điệp rõ ràng.

Tờ Business Insider có trụ sở tại New York, Mỹ ngày 21/2 đăng tải bài viết, trong đó dẫn lời ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam, đánh giá Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công trong ứng phó dịch COVID-19 nhờ những hành động quyết liệt, kịp thời.

Ông Kamal Malhotra. Ảnh: UNDP

Ông Kamal Malhotra. Ảnh: UNDP

Hồi cuối tháng 1/2021, Viện nghiên cứu Lowy có trụ sở tại Australia đánh giá Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới về mức độ kiểm soát dịch hiệu quả, chỉ sau New Zealand. Tuy nhiên, theo ông Kamal Malhotra, Việt Nam đã ứng phó tốt hơn New Zealand.

"Thật không công bằng khi so sánh các nước với New Zealand", ông Malhotra nói. "Chúng tôi có nhiều thách thức hơn".

Vẫn theo ông Malhotra, thành công của Việt Nam trong xử lý COVID-19 đến từ 3 yếu tố, gồm: truy vết hiệu quả, xét nghiệm có chiến lược và thông điệp rõ ràng.

Thay vì xét nghiệm tất cả mọi người, Việt Nam đã xét nghiệm có chọn lọc những người mang nguy cơ cao, được xác định trong công tác truy vết. Bên cạnh đó, các đường biên giới của Việt Nam được kiểm soát nghiêm ngặt, bất cứ ai tới Việt Nam đều được cách ly miễn phí trong các cơ sở do chính phủ vận hành.

Việt Nam được đánh giá cao nhờ công tác truy vết hiệu quả, xét nghiệm có chiến lược và thông điệp rõ ràng. Ảnh: Getty Images

Ông Malhotra cũng khẳng định mọi dữ liệu về COVID-19 của Việt Nam đều được cập nhật đầy đủ, minh bạch. "Có những hoài nghi rằng chính phủ không chia sẻ dữ liệu, nhưng điều đó là không đúng sự thật. Dữ liệu (tại Việt Nam) được ghi nhận theo thời gian thực và chẳng có sự cưỡng ép nào ở đây cả", vị chuyên gia của LHQ nêu rõ.

Trong cùng bài đăng, Bussiness Insider đánh giá, Việt Nam rõ ràng có nguy cơ trở thành điểm nóng dịch bệnh do vị trí địa lý và quy mô dân số. Tuy nhiên, Việt Nam tránh được kịch bản đó nhờ mô hình ứng phó chi phí thấp và áp dụng hiệu quả các biện pháp phòng dịch cơ bản là rửa tay và đeo khẩu trang.

"Không có quốc gia nào với quy mô dân số tương tự lại có số (người nhiễm) virus như ở Việt Nam... Dù có chung đường biên giới với quốc gia, nơi dịch bùng phát, nhưng câu chuyện thành công của Việt Nam là rất đáng kể", Business Insider viết.

Phần lớn người dân Việt Nam chấp hành nghiêm quy định đeo khẩu trang để phòng nguy cơ lây bệnh. Ảnh: Getty Images

Theo tờ báo, thay vì đóng cửa, phong tỏa toàn bộ đất nước, Chính phủ Việt Nam thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc chỉ trong 2 tuần vào tháng 4/2020. Sau đó, phần lớn người dân tại Việt Nam đã có thể trở lại nhịp sống thường ngày.

"Người dân Việt Nam đang học cách sống trong cuộc sống bình thường mới, nhưng vẫn được khuyến khích giãn cách xã hội và đeo khẩu trang", tờ báo thông tin.

Bussiness Insider cũng dẫn ý kiến của bác sĩ Guy Thwaites, một trong những chuyên gia quốc tế đầu tiên có mặt tại các bệnh viện điều trị COVID-19 của Việt Nam, khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã phản ứng với COVID-19 "rất nhanh chóng và mạnh mẽ".

"Chính phủ đã áp dụng một cách tiếp cận không khoan nhượng để loại bỏ virus… Các biện pháp cơ bản đã được thực hiện, dù chúng chẳng dễ dàng. Khi người dân tin tưởng vào chính phủ, người dân sẽ làm theo những gì chính phủ hướng dẫn", ông Thwaites nói.

Thiện Nhân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/chuyen-gia-lhq-viet-nam-chong-covid-19-rat-hieu-qua-631604/