Chuyên gia khuyến nghị Canada giãn cách xen kẽ đến năm 2022

Các biện pháp giãn cách xã hội, được 'bật' và 'tắt' xen kẽ, có thể phải thực hiện cho đến năm 2022, kèm theo lo ngại về ảnh hưởng lên kinh tế, tâm lý của người dân.

Một mô phỏng của tiến sĩ dịch tễ Ashleigh Tuite và các cộng sự đăng trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada tuần trước, đã được bình duyệt, cho thấy Canada có thể sẽ cần một chiến lược giãn cách xã hội được “bật tắt nhiều đợt” kéo dài hai năm, trong đó tổng thời gian “kích hoạt” giãn cách lên tới 13 tháng trong thời gian hai năm đó.

Một số mô hình khác ở Anh và ở Mỹ cũng cho kết quả tương tự về thời hạn phải thực hiện giãn cách.

 Một người vẫy tay từ một viện dưỡng lão ở Montreal. Ảnh: Reuters.

Một người vẫy tay từ một viện dưỡng lão ở Montreal. Ảnh: Reuters.

Giãn cách nhiều đợt hiệu quả hơn giãn cách liên tục

Nghiên cứu trên đánh giá sức chứa của các khoa chăm sóc đặc biệt tại thành phố Ontario, Canada, và giả sử rằng các biện pháp giãn cách sẽ được “bật” khi số bệnh nhân liên quan đến Covid-19 chiếm 40% số giường ICU, rồi “tắt” khi tỷ lệ đó giảm dưới 40%.

Làm vậy “vừa có thể giữ ổn định cho hệ thống y tế, vừa cho phép người dân được ‘nghỉ ngơi’ về mặt kinh tế và tâm lý”, khiến các chiến lược giãn cách được bền vững hơn, nghiên cứu viết.

Nghiên cứu cho thấy chiến lược giãn cách “bật tắt” hiệu quả hơn so với giãn cách kéo dài liên tục, theo South China Morning Post.

Cụ thể, ngay cả khi giãn cách được tiến hành 12 tháng liền, thì sau hai năm, ước tính khoảng 20% dân số Ontario vẫn nhiễm virus. Nếu tiến hành 6 tháng liền giãn cách, thì sau hai năm, tỷ lệ dân số Ontario từng nhiễm virus là 50%, gần như không khá hơn bao nhiêu so với kịch bản can thiệp hết sức hạn chế, sẽ có tỷ lệ nhiễm là 56%, theo nghiên cứu.

Nhưng nếu giãn cách xã hội được “bật” rồi “tắt” xen kẽ, tổng thời gian phải giãn cách 13 tháng, thì tỷ lệ tử vong sẽ chỉ là 2%.

Trong nghiên cứu trên, giãn cách xã hội được định nghĩ là đóng cửa trường học, làm việc từ xa và hủy các hoạt động nhóm và sự kiện, để giảm tiếp xúc tới 60%.

Người đứng đợi bên ngoài siêu thị ở Medford, bang Massachusetts ngày 4/4, tuân thủ việc giữ khoảng cách. Ảnh: Reuters.

Nghiên cứu cũng khám phá khả năng áp dụng giãn cách xã hội bớt khắt khe hơn, đồng thời đi kèm với xét nghiệm rộng hơn và truy vết, theo dõi các ca nhiễm kỹ lưỡng hơn. Nhưng ngay cả vậy, để giữ cho tỷ lệ nhiễm ở mức chỉ 2% như trên, các biện pháp giãn cách “bật, tắt” vẫn sẽ phải tiến hành tổng cộng 16 tháng trong vòng hai năm.

Mốc thời gian hai năm để đánh giá kết quả cuối cùng của các chiến lược (tỷ lệ nhiễm trong dân số) không phải là ngẫu nhiên, mà là thời gian có thể có vắcxin.

“San phẳng đường cong chỉ là việc đầu tiên”

Tiến sĩ Tuite cho biết nghiên cứu được tiến hành cho Ontario nhưng kết quả có thể áp dụng ở các thành phố khác của Canada.

“Các nước sẽ khác nhau tùy vào xã hội của họ thế nào... không thể nói có công thức này kia được”, giáo sư trường Y tế Cộng đồng Dalla Lana cho biết.

Bà Tuite hiểu rằng kết luận trên là đáng lo ngại với người dân. “Tôi lo rằng mọi người sẽ làm sao sống qua được giai đoạn dài như vậy - về kinh tế, về tâm lý, về tinh thần”, bà nói.

“Mọi người chắc chắn không muốn nghe điều này, về mặt thực tiễn, rất khó để hình dung một tương lai trong đó không có điều gì là chắc chắn... nhưng đó là thực tế trong tương lai sắp tới”, bà Tuite nói.

Khách xếp hàng mua đồ ăn tại một trung tâm mua sắm ở British Columbia, Canada ngày 14/4. Ảnh: Tân Hoa xã.

Mặc dù toàn thế giới vẫn đang chú trọng vào mục tiêu ban đầu là san phẳng đường cong về số ca nhiễm mới, sao cho hệ thống bệnh viện không bị quá tải, các nhà dịch tễ học như bà Tuite đang tìm hiểu về tương lai.

Nhiều ước tính cho thấy để kiềm chế được virus cần liên tiếp thắt chặt rồi lại nới lỏng các biện pháp giãn cách, trong nhiều tháng.

Nghiên cứu của trường Imperial College tại Anh cũng đi đến kết luận tương tự. Nghiên cứu mô tả việc kiềm chế dịch bệnh bằng cách “bật” và “tắt” giãn cách xã hội, trong đó thời gian “bật” chiếm khoảng 2/3, tức 16 tháng trong hai năm.

Nghiên cứu được đưa ra từ ngày 16/3, nhưng đánh giá nêu trên không nhận được nhiều chú ý, so với những cảnh báo khác về số thương vong 510.000 sinh mạng ở Anh và 2,2 triệu ở Mỹ, nếu không có biện pháp kiềm chế.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Đại học Harvard công bố mô hình đăng trên tạp chí Science ngày 9/4 cho thấy các biện pháp giãn cách kéo dài và thành nhiều đợt như trên có thể cần thiết cho đến năm 2022. Theo đó, dựa vào sức chứa ICU hiện tại, 8 đợt giãn cách tổng cộng 17 tháng có thể là cần thiết cho đến tháng 7/2022 để giữ cho hệ thống y tế của Mỹ không bị quá tải.

Giới chức Canada sẽ công bố mô phỏng mới về Covid-19 ngày 17/4.

Tiến sĩ Tuite nói thông điệp chính từ nghiên cứu của bà là dù có san phẳng đỉnh dịch, “căn bệnh sẽ không biến mất”.

“Từ góc nhìn của công chúng, quan niệm ban đầu dường như là ‘ồ, chúng ta chỉ làm thế này ba tuần cho đến một tháng, rồi xong’. Nhưng điểm mấu chốt là căn bệnh này vẫn sẽ lan truyền”.

Bà nói “san phẳng đường cong chỉ là phần đầu tiên của việc ứng phó. Làm được điều đó, chúng ta vẫn sẽ đứng trước một khoảng thời gian dài khi cuộc sống vẫn chưa bình thường trở lại”.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gia-khuyen-nghi-canada-gian-cach-xen-ke-den-nam-2022-post1074009.html