Chuyên gia khuyến cáo phòng ngừa bệnh rối loạn tâm thần

Rối loạn tâm thần là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến hiện nay. Và điều đáng lo ngại là người dân vẫn chưa hiểu đúng về sức khỏe tâm thần, nên thường chủ quan bỏ qua nhiều rối loạn tâm thần như trầm cảm, mất ngủ, lo âu, cáu gắt…

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các rối loạn tâm thần được chỉ ra là do con người làm việc suốt ngày đêm, bị áp lực công việc lớn kéo dài, căng thẳng… Ảnh: VGP/Hiền Minh

Người trẻ mắc các rối loạn tâm thần có xu hướng gia tăng

Tại buổi tọa đàm về chăm sóc sức khỏe tâm thần mới đây được tổ chức tại Hà Nội, BS Trần Quyết Thắng, Phó Giám đốc bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, hiện nay, số ca mắc bệnh lý tâm thần chung trong cộng đồng có số lượng đáng kể. Mỗi rối loạn khác nhau có tỷ lệ mắc khác nhau. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), người bị bệnh tâm thần phân liệt tỷ lệ là 0,3 - 0,7% dân số và khoảng 3 - 5% dân số trên thế giới có triệu chứng trầm cảm ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời.

TS Vũ Thy Cầm, Trưởng khoa điều trị tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, hiện mỗi ngày Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia tiếp nhận khoảng 270 bệnh nhân rối loạn tâm thần điều trị nội trú và khoảng 250 - 300 bệnh nhân đến khám ngoại trú. Đáng chú ý, những năm gần đây, bệnh nhân trẻ đến khám có xu hướng ngày càng gia tăng.

Theo TS Vũ Thy Cầm, thực trạng này xuất phát từ 3 nhóm nguyên nhân. Thứ nhất là do xu hướng phát triển của xã hội hiện đại - con người chịu nhiều áp lực của cuộc sống, vì vậy các rối loạn liên quan stress ngày càng gia tăng, giới trẻ bị ảnh hưởng nhiều. Thứ hai là sự gia tăng sử dụng rượu bia và chất gây nghiện ở một nhóm bệnh nhân trẻ có xu hướng ngày càng gia tăng. Thứ ba là nhóm các rối loạn tâm thần ở trẻ em ngày càng được gia đình quan tâm hơn nên, đến khám nhiều hơn.

Theo số liệu thống kê của của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, gần 15% dân số Việt Nam (tương đương gần 14 triệu người) có các bệnh lý về rối loạn tâm thần, trong đó khoảng 3 triệu người mắc rối loạn tâm thần nặng như tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ, chậm phát triển. Con số này vẫn không ngừng tăng. Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do con người làm việc suốt ngày đêm, bị áp lực công việc lớn kéo dài, căng thẳng, tiêu thụ rượu bia nhiều…

Các rối loạn tâm thần, ví dụ như trầm cảm, thường xảy ra ở những người bị stress sau khi gặp phải vấn đề khó khăn trong cuộc sống như thất nghiệp, mất người thân, đổ vỡ quan hệ, mâu thuẫn gia đình, thất bại trong học tập, khủng hoảng tinh thần… hoặc sau khi mắc một số bệnh, đặc biệt là các bệnh nặng, bệnh mạn tính như ung thư, đái tháo đường, tim mạch, đột quỵ...

Thống kê cũng chỉ ra rằng, các rối loạn tâm thần gây ra khoảng 14% gánh nặng bệnh tật toàn cầu, đồng thời gây ra tình trạng nghèo đói cho cá nhân và gia đình, cản trở đến sự phát triển kinh tế, xã hội của một quốc gia...

Báo cáo của tổ chức WHO công bố mới đây cũng đánh giá, trầm cảm – chứng rối loạn tâm thần phổ biến hiện nay đang là căn bệnh đe dọa sức khỏe của 350 triệu người, là nguyên nhân chủ yếu của gần một triệu vụ tự sát tử mỗi năm trên toàn cầu.

Số lượng người bị bệnh rối loạn tâm thần hiện nay được chữa trị còn rất thấp. Ảnh VGP/Thúy Hà

Rối loạn tâm thần có thể điều trị được!

Mặc dù bệnh rối loạn tâm thần có thể điều trị được, song cần phát hiện, điều trị sớm và phải tuân thủ điều trị. Hiện nay số lượng người bệnh rối loạn tâm thần được chữa trị còn rất thấp, cứ 10 người chỉ có 2-3 người được điều trị, trong đó điều trị bằng thuốc vẫn là chủ yếu, điều trị tâm lý và bằng thay đổi lối sống còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, số lượng bác sĩ chuyên khoa tâm thần còn rất ít, cả nước có khoảng gần 1000 bác sĩ nhưng chỉ tập trung tại tuyến Trung ương và các thành phố lớn.

Ngoài ra, do người dân vẫn chưa hiểu đúng về sức khỏe tâm thần, thường đánh đồng tất cả đều là “điên”; mà không biết có nhiều rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, mất ngủ, lo âu... dẫn đến tình trạng kì thị, phân biệt đối xử, gây khó khăn trong chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.

Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, để dự phòng và kiểm soát hiệu quả các rối loạn tâm thần thì cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó phải đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, làm cho người dân có nhận thức đúng về các rối loạn tâm thần, cách nhận biết, phát hiện sớm để đi khám, tư vấn và điều trị kịp thời; hỗ trợ, giúp đỡ, tạo môi trường để hòa nhập và không kỳ thị, phân biệt đối xử với người có rối loạn tâm thần.

Đồng thời, tiếp tục triển khai các chính sách, chương trình nâng cao sức khỏe tâm thần phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau thông qua các mô hình trường học nâng cao sức khỏe, tăng cường kỹ năng sống, câu lạc bộ sức khỏe người cao tuổi và tăng cường hoạt động thể lực cho người dân ở cộng đồng.

Đặc biệt, cần tăng cường năng lực hệ thống y tế tuyến cơ sở, đồng thời đầu tư phát triển các cơ sở chuyên khoa tâm thần, lồng ghép phù hợp công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần vào hoạt động của các cơ sở y tế đa khoa, chuyên khoa, chuyên ngành khác ở tất cả các tuyến để cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý, tư vấn, chăm sóc cùng với phát triển các dịch vụ tâm lý trị liệu, phục hồi chức năng và hỗ trợ xã hội cho người rối loạn tâm thần ở cộng đồng.

Được biết, Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 3756/QĐ-BYT về hướng dẫn hoạt động dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán điều trị và quản lý một số bệnh không lây nhiễm phổ biến cho tuyến y tế cơ sở, trong đó hướng dẫn phát hiện nghi ngờ bệnh tâm thần phân liệt, động kinh và một số rối loạn tâm thần khác thường gặp như: Bệnh tâm thần phân liệt có thể phát hiện nghi ngờ khi người bệnh có thay đổi khác lạ trong cách ăn nói sinh hoạt thường ngày, cảm thấy suy nghĩ của mình bị người khác biết trước hoặc bị áp đặt, đa nghi, kích động.

Đối với bệnh động kinh, dấu hiệu nghi ngờ như có cơn rối loạn về vận động, hành vi, cảm xúc, cơn thường xuất hiện đột ngột, diễn ra ngắn và có tính chất định hình (cơn trước giống cơn sau), các cơ co cứng đột ngột, mất ý thức, bị ngã, co giật toàn thân, tiểu tiện không tự chủ, thường xuyên bị đánh rơi bát đũa trong lúc ăn cơm hoặc rơi bút lúc đang viết…

Rối loạn trầm cảm khi khí sắc giảm, buồn rầu, chán nản, mất hoặc giảm rõ rệt những sở thích trước đây, mệt mỏi nhiều, giảm hoạt động, không muốn làm việc. Rối loạn lo âu là cảm thấy căng thẳng hoặc lo âu, lo lắng quá nhiều về mọi thứ.

Để giảm căng thẳng hay tránh stress dẫn đến những rối loạn tâm thần,dự phòng, giảm nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, mỗi người cần duy trì lối sống lành mạnh: Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia và các chất kích thích, tăng cường hoạt động thể lực, kết hợp cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi… Ngoài ra, cần biết phát hiện sớm các biểu hiện của các rối loạn liên quan stress như căng thẳng, lo âu, mất ngủ... để khám và điều trị kịp thời.

Thúy Hà

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/khuyen-cao-phong-ngua-benh-roi-loan-tam-than/354829.vgp