Chuyên gia khuyến cáo người dân bình tĩnh lắng nghe các quy định về sử dụng chất axit benzoic

Mới đây, việc chính quyền Nhật Bản thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su do Masan Việt Nam sản xuất, đã khiến người tiêu dùng rất hoang mang. Bởi tương ớt Chin-su đã quá quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của người Việt.

 Các sản phẩm tương ớt Chin-su được bày bán tại một siêu thị ở Hà Nội ngày 9/4

Các sản phẩm tương ớt Chin-su được bày bán tại một siêu thị ở Hà Nội ngày 9/4

Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, hiện Cục này đã có văn bản gửi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu xác minh thông tin về việc sản phẩm tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản hay không. Đồng thời, Cục cũng đang liên hệ với Mạng lưới Cơ quan ATTP quốc tế (INFOSAN) để tìm hiểu thông tin chính thức việc Nhật Bản thu hồi tương ớt Chin-su do thành phần chứa chất bảo quản axit benzoic cấm sử dụng trong tương ớt.

Bà Nga cho hay, danh mục phụ gia do Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản ban hành có hiệu lực thực hiện từ 30/12/2018, Nhật Bản cho phép sử dụng axit benzoic để bảo quản bơ thực vật, trứng cá, siro, tương cà chua và đồ uống không cồn. Hàm lượng cho phép là 0,6-2,5 gr/kg tùy loại sản phẩm.

So với danh mục tương tự được Bộ Y tế ban hành tại Việt Nam, danh mục của Nhật Bản hạn chế hơn nhiều, đặc biệt Việt Nam cho phép chất bảo quản axit benzoic trong tương ớt, nhưng Nhật Bản lại cấm.

Từ sự việc này nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cho phép sử dụng chất bảo quản axit benzoic, trong khi Nhật Bản lại cấm. Như vậy tiêu chuẩn với thực phẩm của Việt Nam thấp hơn so với Nhật Bản?

Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, bà Nga cho biết, quy định hiện hành của Việt Nam là hàm lượng axit benzoic cho phép trong tương ớt là 1g/kg. Đây cũng là hàm lượng cho phép đối với axit benzoic trong bơ thực vật ở Nhật Bản. Với trứng cá, hàm lượng cho phép là 2,5 gr/kg.

“Danh mục phụ gia của Việt Nam tương tự danh mục của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex). Nhật Bản có quy định không cho phép axit benzoic trong tương ớt là họ đã có nghiên cứu và dựa vào thói quen ăn uống của từng quốc gia để tính hàm lượng ăn vào tối đa hằng ngày, từ đó có thể cho phép sản phẩm này, không cho sản phẩm kia"- bà Nga nói.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho rằng, nguyên nhân dân tới sự việc hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản do chứa axit benzoic là sự khác biệt về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ở mỗi quốc gia.

“Không thể kết luận axit benzoic bị cấm ở Nhật nên tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ở Nhật Bản cao hơn Việt Nam như một số ý kiến trước đó. Trong việc sử dụng chất phụ gia axit benzoic, hiện chất này vẫn dược phép sử dụng trong chế biến thực phẩm tại Việt Nam, trong khi bị cấm ở Nhật. Ngược lại, phụ gia mà Nhật cho phép sử dụng trong tương ớt là Nisin tuy nằm trong danh mục phụ gia cho phép của Việt Nam và Ủy ban Codex, nhưng lại không được phép dùng trong tương ớt”, ông Trương Thanh Đức nói.

PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết, axit benzoic là chất phụ gia chống mốc, bảo quản thực phẩm rất phổ thông. Nếu không có phụ gia này thì thực phẩm sẽ rất nhanh hỏng. Và nếu sử dụng vượt ngưỡng thì mới độc hại. Như vậy, với nồng độ axit benzoic có trong tương ớt Chin-su, phải ăn cả lít tương ớt mỗi ngày mới bị ảnh hưởng.

Như vậy, tranh cãi Nhật Bản cấm phụ gia axit benzoic trong tương ớt mới dừng ở cấp độ pháp lý, chưa chứng minh được gây hại với sức khỏe. Do đó các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần bình tĩnh và lắng nghe các quy định của cơ quan quản lý Nhà nước về hàm lượng sử dụng theo các tiêu chuẩn đã được quốc tế cho phép và đánh giá mức độ an toàn.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/chuyen-gia-khuyen-cao-nguoi-dan-binh-tinh-lang-nghe-cac-quy-dinh-ve-su-dung-chat-axit-benzoic-161480.html