Chuyên gia khuyến cáo cho bệnh nhân thận giai đoạn cuối trong dịch COVID-19

Nhóm bệnh nhân thận mạn giai đoạn cuối có rất nhiều bệnh nền, nếu chẳng may nhiễm COVID-19 thì nguy cơ tiến triển nặng và tử vong rất cao.

Hướng dẫn “Quản lý, điều trị bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch COVID-19” vừa được Bộ Y tế ban hành có mục tiêu bảo đảm an toàn và hiệu quả điều trị cho người bệnh lọc máu trong đại dịch. Đồng thời, hướng dẫn các nhân viên y tế thực hiện công tác phòng, chống COVID-19 và điều trị, quản lý người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối tại các cơ sở y tế.

Theo TS.BS Nguyễn Hữu Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, đây là một hướng dẫn dành riêng cho nhóm bệnh nhân thận mạn giai đoạn cuối do nhóm đối tượng này rất đặc biệt. Họ có rất nhiều bệnh nền, giả sử bệnh nhân nhiễm COVID-19 thì nguy cơ tiến triển nặng và tử vong rất cao.

Thêm nữa, đây là nhóm bệnh nhân có khả năng miễn dịch kém, bệnh nhân phải đến bệnh viện nhiều lần trong tháng và tiếp xúc với nhiều người nên nguy cơ phơi nhiễm rất cao. Để tổ chức điều trị cho bệnh nhân thận nhân tạo rất khó khăn. Đây là một hướng dẫn tập hợp rất nhiều hướng dẫn trên thế giới và những kinh nghiệm của các lần chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Các khuyến nghị đưa ra cho người bệnh chạy thận

Theo TS. Dũng, hướng dẫn có 3 vấn đề chính: Thứ nhất là khuyến nghị cho bệnh nhân bệnh thận giai đoạn cuối, đặc biệt là những bệnh nhân lọc máu (gồm chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng).

Thứ hai, là công tác tổ chức khám, điều trị của nhân viên y tế đối với nhóm bệnh nhân này.

Thứ ba, là làm sao quản lý tốt nhất nhóm bệnh nhân lọc máu, đặc biệt là nhóm bệnh nhân thận nhân tạo. Nội dung chính của hướng dẫn này là vấn đề cách ly, làm sao cách ly tốt nhất, hướng dẫn bệnh nhân tự cách ly, các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn, các biện pháp phòng chống lây lan và hướng dẫn cho nhân viên y tế các biện pháp để phòng tránh lây nhiễm chéo.

Chăm sóc cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo.

Chăm sóc cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo.

Để làm được điều này, trước hết người bệnh phải hiểu được cách thức lây truyền của dịch bệnh COVID-19. Phải hiểu rõ tại sao nhóm bệnh nhân thận mạn giai đoạn cuối phải đặc biệt chú ý, hạn chế tiếp xúc, phòng tránh lây nhiễm. Bệnh nhân phải tuân thủ cách ly ở nhà như thế nào? Trên đường đến bệnh viện như thế nào? Khi đến đơn vị lọc máu phải làm gì và khi về phải làm gì? Trong những ngày bệnh nhân không đi lọc máu có diễn biến gì đặc biệt thì phải liên hệ với cơ sở y tế và bác sĩ điều trị để xử lý kịp thời, tránh tối đa đi lại đơn vị lọc máu khi không có hướng dẫn cụ thể.

Tóm lại, bệnh nhân cần hạn chế tiếp xúc tối đa. Tránh đi ra ngoài đường, tránh tụ tập đông người, nên sử dụng phương tiện cá nhân khi đi lọc máu, tránh sử dụng phương tiện công cộng như xe bus, taxi. Khi đến lọc máu thì nên đến thẳng Bệnh viện, phải sát trùng tay, đeo khẩu trang, kiểm tra nhiệt độ, khai báo y tế. Khi lọc máu phải tuân thủ các qui định của bệnh viện: tránh đi lại, ăn uống trong thời gian chờ lọc máu… Kết thúc lọc máu, bệnh nhân về nhà thay quần áo, tắm rửa và nên hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh.

Ưu tiên lọc màng bụng tại nhà trong đại dịch

Cũng theo chuyên gia thận nhân tạo, hướng dẫn điều trị quản lý bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch COVID-19 đề cập tới việc ưu tiên lọc màng bụng tại nhà để người bệnh có thể được điều trị, duy trì cuộc sống và an toàn hơn trong việc đối phó với đại dịch.

Hiện nay, những bệnh nhân bệnh thận mãn giai đoạn cuối, bắt buộc phải điều trị thay thế thận có 3 phương pháp: ghép thận, lọc màng bụng và thận nhân tạo. Ưu điểm của lọc màng bụng là bệnh nhân không cần đến bệnh viện nhiều lần trong tháng như thận nhân tạo. Hàng tháng, bệnh nhân chỉ phải đến viện 1 lần để bác sĩ khám, điều chỉnh các chỉ định để phù hợp với tình trạng của bệnh. Các việc thay dịch, uống thuốc… bệnh nhân đều có thể tự làm tại nhà. Như vậy nếu giả sử không may có dịch thì tất cả những bệnh nhân này được cách ly tại nhà, một tháng họ chỉ phải đến viện một lần thôi nên việc giãn cách xã hội rất tốt.

Tuy nhiên việc chọn phương pháp điều trị nào, lọc màng bụng? Thận nhân tạo hay ghép thận thì bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân lựa chọn phương pháp điều trị trên cơ sở phù hợp với hoàn cảnh của bệnh nhân: phù hợp với hoàn cảnh địa phương, hoàn cảnh kinh tế và tình trạng bệnh tật để làm sao bệnh nhân có cuộc sống tốt nhất với chính phương pháp mình lựa chọn và phương pháp bác sĩ đã tư vấn.

Theo TS. Dũng, ở Việt Nam đã bắt đầu triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân từ ngày 8/3/2021. Tuy nhiên, hiện nay vắc xin đang được phân bổ theo quy định của Bộ Y tế, sẽ ưu tiên các đối tượng trực tiếp điều trị, chăm sóc, sàng lọc bệnh nhân COVID-19 trước, sau đó sẽ đến các đối tượng khác. Trên thế giới đã có hướng dẫn ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho bệnh nhân thận nhân tạo.

Điều lưu ý khi tiêm vắc xin cho đối tượng này là cũng giống như các vắc xin khác, bệnh nhân thận nhân tạo là đối tượng có đáp ứng miễn dịch kém hơn người bình thường nên liều tiêm có thể phải thay đổi tăng lên và khoảng cách cũng phải gần hơn. Khi tiêm vắc xin cũng phải theo chỉ định của bác sĩ điều trị về thời điểm tiêm, liều lượng, khoảng cách thời gian; theo dõi sức khỏe chặt chẽ trước, trong và sau khi tiêm, kịp thời báo cho bác sĩ những diễn biến khác thường để có thể xử trí kịp thời các biến chứng.

Mai Thanh - Dương Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-khuyen-cao-cho-benh-nhan-than-giai-doan-cuoi-trong-dich-covid-19-n188442.html