Chuyên gia Italia bình luận việc Mỹ có ý định rút khỏi Hiệp ước INF với Nga

Giám đốc Trung tâm phân tích Vision&Global của Italia Tiberio Graziani cho rằng, Mỹ rút khỏi Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới và phù hợp với chính sách của Mỹ.

Chuyên gia Italia bình luận việc Mỹ có ý định rút khỏi Hiệp ước INF với Nga

"Tuyên bố gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump về ý định rút khỏi Hiệp ước INF với Nga hoàn toàn phù hợp với chiến lược của Mỹ để làm rối loạn cân bằng quốc tế. Cần lưu ý rằng sự cân bằng này không ổn định vì chúng ta đang chuyển đổi địa chính trị sang một trật tự mới hoàn toàn đa cực nhưng chưa được thiết lập", chuyên gia Tiberio Graziani nói.

Chuyên gia Tiberio Graziani nhận định: "Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF có thể kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang, hậu quả đối với nhân loại trong tương lai không thể lường trước được”.

"Ngoài ra, cần phải tính đến thời điểm ông Trump lựa chọn đưa ra tuyên bố trùng với những tuần cuối cùng của chiến dịch bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ. Việc gửi tín hiệu cho Nga, Tổng thống Mỹ cũng có khả năng nghĩ về những cử tri ủng hộ ông", Tiberio Graziani nhận định.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ không có ý định tuân thủ Hiệp định về các tên lửa tầm trung và tầm ngắn khi Moscow vi phạm và sẽ rút khỏi Hiệp ước này. Tổng thống Mỹ, khi bình luận về việc rút khỏi Hiệp ước INF, cũng nói rằng Washington sẽ phát triển vũ khí.

Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói rằng, Liên bang Nga hy vọng sẽ nhận được một lời giải thích rõ ràng về các bước tiếp theo của Hoa Kỳ về Hiệp ước INF từ Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, người đã tới Moscow hôm 21/10 vừa qua.

Trong khi đó, ông Konstantin Kosachev, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề quốc tế thuộc Thượng viện Nga cho biết, việc Mỹ lên kế hoạch rút khỏi Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) nhằm chuyển vũ khí của nước này tới các biên giới của Nga và Trung Quốc.

Phát biểu trên Kênh “Nước Nga 24”, ông Kosachev nêu rõ: "Việc phá hủy INF nhằm chuyển lớp vũ khí có liên quan của Mỹ tới lãnh thổ tiềm tàng và có thể thực sự là kẻ thù. Trước hết là Nga, sau đó là Trung Quốc".

Nghị sĩ này đã miêu tả lời mời của Washington cho các cuộc hội đàm sau này về vấn đề trên là một mánh khóe, đồng thời chỉ ra rằng Moscow nên phản ứng với những bước đi cụ thể của Mỹ sau khi rời khỏi Hiệp ước, chứ không nên phản ứng với quyết định rút khỏi INF, vốn được chuẩn bị từ năm 2014.

Ngoài ra, ông Kosachev lưu ý, những tuyên bố của Mỹ về việc Nga vi phạm hiệp ước là hoàn toàn vô căn cứ.

Hiệp ước về tên lửa tầm trung và tầm ngắn đã được ký kết vào ngày 8/12/1987, trong chuyến thăm của lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev tới Washington. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 km tới 5.500 km).

Trí Đức (Lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chuyen-gia-italia-binh-luan-viec-my-co-y-dinh-rut-khoi-hiep-uoc-inf-voi-nga-post279560.info