Chuyên gia hướng dẫn 8 cách tạo cho trẻ thói quen bảo vệ răng miệng

Một hàm răng chắc khỏe rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của trẻ, giúp trẻ ăn ngon và phát âm rõ ràng.

Chuyên gia kỹ năng sống Nguyễn Xuân Dưỡng. Ảnh minh họa.

Chuyên gia kỹ năng sống Nguyễn Xuân Dưỡng. Ảnh minh họa.

Cùng chuyên gia kỹ năng sống Nguyễn Xuân Dưỡng (Trung tâm uTEACHER) rèn cho trẻ thói quen chăm sóc răng miệng từ những chiếc răng đầu tiên.

8 lưu ý cho các bậc cha mẹ

Chăm sóc răng miệng kém có thể dẫn đến nhiễm trùng, bệnh hoặc các vấn đề về răng khác. Một đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh với những thói quen tốt trước hết nhờ sự kèm cặp và hướng dẫn từ gia đình và những người xung quanh. Càng lớn, trẻ càng quan sát và nhận thức được những thói quen tốt.

Thói quen bảo vệ răng miệng cần được hình thành ngay từ lúc những chiếc răng sữa đầu tiên xuất hiện. Bố mẹ có thể giữ cho con không bị sâu răng bằng cách bắt đầu chăm sóc răng miệng từ sớm.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Dưỡng nêu ra 8 lưu ý giúp các bậc cha mẹ thành công trong việc tạo thói quen chăm sóc răng miệng cho con.

Khám định kỳ: Trẻ nên gặp nha sĩ vào ngày sinh nhật đầu tiên. Chăm sóc phòng ngừa sớm giúp bạn tiết kiệm tiền trong thời gian dài. Một con số báo cáo khoa học đã từng chỉ ra chi phí chăm sóc nha khoa thấp hơn gần 40% trong khoảng thời gian 5 năm đối với trẻ em đến nha sĩ trước khi 5 tuổi.

Dạy thói quen tốt: Đánh răng là việc rất quan trọng cần phải thực hiện. Trước khi bé có răng, bạn có thể nhẹ nhàng chải nướu. Sử dụng nước trên bàn chải đánh răng trẻ em, hoặc làm sạch chúng bằng khăn mềm. Khi răng của bé xuất hiện, hãy chải hai lần một ngày bằng bàn chải đánh răng cho trẻ sơ sinh và kem đánh răng có fluoride.

Bắt đầu chải răng khi hai chiếc răng của bé chạm vào nhau. Tham khảo ý kiến của nha sĩ về kỹ thuật và lịch trình. Hãy chải và dùng chỉ nha khoa trước khi đi ngủ sau đó, không cho trẻ ăn bất kỳ đồ ăn hay đồ uống nào, trừ nước, cho đến sáng hôm sau.

Nha sĩ sẽ chỉ cho bố mẹ biết đến khi nào thì bạn nên sử dụng nước súc miệng cho bé. Có thể bố mẹ sẽ cần phải đợi cho đến khi trẻ biết cách nhổ nó ra.

Tránh “Sâu răng bình sữa”: Cha mẹ nên nhớ, đừng để trẻ ngủ mà vẫn còn ngậm một chai nước trái cây hoặc sữa. Đặt em bé ngủ bằng bình sữa có thể gây hại cho răng của em bé. Đường từ nước trái cây, sữa công thức hoặc sữa lưu lại trên răng của bé trong nhiều giờ có thể ăn mòn men răng (lớp răng bảo vệ chống sâu răng).

Khi điều này xảy ra, răng cửa có thể bị đổi màu và bị rỗ. Sâu răng có thể hình thành và trong trường hợp nghiêm trọng, răng bị sâu có thể cần phải được nhổ.

Nếu buộc phải cho bé ngậm thứ gì đó để đi ngủ thì bố mẹ hãy chắc chắn rằng đó chỉ có thể là nước.

Cắt giảm nước trái cây: Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng nước trái cây là một lựa chọn lâu dài lành mạnh dành cho trẻ, nhưng nó có thể dẫn đến sâu răng.

Giới hạn trẻ uống không quá 120ml nước ép trái cây 100% trong một ngày. Cho đồ uống và thức ăn không đường vào bữa ăn, và chỉ sử dụng nước trái cây như một thực đơn có kiểm soát.

Kiểm soát cốc tập uống: Một chiếc cốc tập uống có ống hút hoặc vòi uống có thể giúp trẻ dễ dàng chuyển từ chai hoặc bình sang uống cốc, nhưng đừng để trẻ dùng cốc đó cả ngày. Bởi sử dụng cốc tập uống quá lâu có thể dẫn đến sâu răng ở mặt sau của răng cửa nếu đồ uống có đường.

Bỏ núm vú giả ở tuổi 2 hoặc 3: Có rất nhiều lý do tốt để cho trẻ sử dụng núm vú giả, nhưng về lâu dài nó có thể ảnh hưởng đến trật tự và thẩm mỹ của hàm răng. Nó cũng có thể thay đổi hình dạng của miệng. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu trẻ vẫn sử dụng núm vú giả khi trên 3 tuổi.

Coi chừng “Thuốc ngọt”: Thuốc của trẻ em có thể có hương vị và đường. Nếu chúng dính trên răng, cơ hội sâu răng sẽ tăng lên. Trẻ em dùng thuốc điều trị các bệnh mãn tính như hen suyễn và các vấn đề về tim thường có tỷ lệ sâu răng cao hơn.

Thuốc kháng sinh và một số loại thuốc trị hen suyễn có thể gây ra sự phát triển quá mức của nấm candida (nấm men), có thể dẫn đến nhiễm nấm gọi là bệnh tưa miệng. Dấu hiệu là những mảng kem, giống như sữa đông trên lưỡi hoặc bên trong miệng.

Nói chuyện với nha sĩ của bạn về tần suất đánh răng nếu trẻ đang dùng thuốc dài hạn. Có thể nha sĩ sẽ khuyên bạn cho trẻ đánh răng thường xuyên bốn lần một ngày.

Kiên quyết với việc đánh răng, dùng chỉ nha khoa và súc miệng.

Nếu trẻ quấy khóc khi đến lúc phải đánh răng, dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng, đừng để bạn ấy có cơ hội lẩn tránh. Hãy nói rõ rằng trẻ không có lựa chọn nào khác.

Mẹo dỗ trẻ hứng thú đánh răng

Kiên nhẫn: Trẻ em có thể bắt đầu đánh răng với sự giúp đỡ của một người lớn cho đến khoảng 2 hoặc 3 tuổi. Nhưng chúng có thể không sẵn sàng để làm một mình cho đến khoảng 6 tuổi. Và có thể phải đến 10 tuổi thì trẻ mới hoàn thiện kỹ năng chải răng của mình.

Đừng đợi đến cuối ngày: Nếu con bạn mệt mỏi, bạn có thể không nhận được nhiều sự hợp tác với việc đánh răng, dùng chỉ nha khoa và súc miệng. Vì vậy, hãy nhắc trẻ đánh răng ngay sau khi ăn xong thay vì thực hiện trước khi quá gần giờ đi ngủ.

Hãy để con bạn chọn kem đánh răng: Hãy cho phép trẻ em 5 tuổi trở lên tùy chọn kem đánh răng trong danh mục mà bố mẹ đưa ra.

Động viên: Chẳng hạn, một đứa trẻ có thể vui vẻ chải cho một nhãn dán, hoặc các ngôi sao vàng trên biểu đồ. Bố mẹ có thể gợi ý cho trẻ tham gia vào một hoạt động nhóm, cùng tham gia đánh răng với người lớn.

“Phụ huynh hãy giúp con chăm sóc một “góc con người” từ nhỏ bằng việc quan sát, đồng hành cùng con trong việc bảo vệ từ những chiếc răng đầu tiên. Sự kiên trì của cha mẹ sẽ góp phần hình thành thói quen nha khoa tốt, đồng thời bảo vệ sức khỏe toàn diện cho con, giúp con sở hữu một bộ răng chắc, khỏe, đều với nụ cười tự tin tươi rạng” - Chuyên gia kỹ năng sống Nguyễn Xuân Dưỡng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/chuyen-gia-huong-dan-8-cach-tao-cho-tre-thoi-quen-bao-ve-rang-mieng-20200608112920764.html