Chuyên gia hiến kế cứu di sản, cảnh quan

Những câu chuyện về thực trạng phát triển du lịch 'ăn xổi ở thì' mà TPCN vừa đăng trong thời gian qua thu hút sự chú ý của một số nhà nghiên cứu và những chuyên gia về kiến trúc. Nhiều hiến kế 'cứu di sản, cảnh quan' được đưa ra, chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến để rộng đường dư luận.

Liên hoan, tiệc cưới, sinh nhật... trong vùng 2 Khu di tích lịch sử Đền Hùng

Liên hoan, tiệc cưới, sinh nhật... trong vùng 2 Khu di tích lịch sử Đền Hùng

Không phạt nặng thì còn phá nát di sản

Về chuyện hạn chế và chấm dứt các sai phạm xây dựng ở những khu di sản, cảnh quan thuộc diện cần bảo tồn, các ý kiến thống nhất, cần đưa ra các án phạt nặng hơn, thậm chí “nếu cần thiết thì chuyển thành án hình sự để chấm dứt những sai phạm cố tình” (Tiến sĩ Phạm Hoàng Anh – Viện Kiến trúc quốc gia)

Đầu tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh Phú Thọ phải năm lần bảy lượt ra công văn yêu cầu dỡ bỏ các công trình sai phép của Khu sinh thái vui chơi Thu Cúc Garden nằm ngay trong vùng 2 của Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Khu sinh thái này có tổng diện tích gần 20.000m2, nhiều công trình đã xây dựng xong và được chủ đầu tư đưa vào kinh doanh dù chưa được cấp phép. Cuối cùng, án phạt nặng nhất dành cho họ là “xử lý hành chính” và “cưỡng chế tháo dỡ một số hạng mục xây dựng”.

Ngay trước đó, trong vùng lõi di sản, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung cũng ồn ào vì vi phạm xây dựng. Theo đó, Công ty CP Du lịch Tràng An đã tự ý khoan núi Cái Hạ “làm đường lên đỉnh Huyền Vũ - nơi vua lập đàn kính thiên”: dựng cột bê tông, xây bậc thang lên xuống, xây đền thờ, nhà vệ sinh... khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: “Hiện nay, các án phạt dành cho những vi phạm này hầu hết đều áp dụng điều 23 Nghị định 158/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo: Khoản 4- phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi làm hư hại công trình văn hóa, nghệ thuật; Khoản 5- phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi lấn chiếm đất hoặc sử dụng trái phép di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật; Khoản 6- phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”.

Như vậy, “dù sai phạm lớn đến đâu, mức phạt hành chính cũng không bao giờ bù nổi những mất mát của vùng di sản, di tích bị xâm hại. Đó có thể cũng là một nguyên nhân khiến các chủ đầu tư vẫn lớp sau vi phạm lớn hơn lớp trước. Nếu ta làm nghiêm vấn đề này, phạt thật nặng để răn đe, tôi nghĩ sẽ giảm đáng kể những vụ đáng tiếc như năm vừa rồi”, tiến sĩ Phạm Hoàng Anh kết luận.

Đừng chỉ ỷ vào thiên nhiên

“Chúng ta hay nói về phát triển du lịch bền vững, nhưng chưa làm được. Du lịch bền vững được hiểu như là hình thức du lịch đặt lợi ích của môi trường tự nhiên và cộng đồng địa phương lên hàng đầu, có thể phát triển rộng rãi nhưng phải đảm bảo không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, hệ sinh thái cũng như bản sắc văn hóa của khu vực đó”, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết.

Mặt khác, ông Bình cũng thẳng thắn chỉ ra rằng: “Xưa nay chúng ta làm du lịch chủ yếu theo kiểu ăn sẵn và quá ỷ vào thiên nhiên, tài nguyên. Của có sẵn, cứ đào ra dùng. Đã thế, dùng còn không biết gìn giữ, nói vừa dùng vừa phá cũng không sai, nên tài nguyên nhanh chóng cạn kiệt, nhiều cảnh quan đã bị phá nát mà không cách nào cứu vãn nổi”.

Một đại diện của Tổng Cục Du lịch Việt Nam chia sẻ: “Có thể nói, thế giới có tiêu chuẩn gì về du lịch bền vững, thì ở mình cũng áp dụng gần hết. Có điều là nó không đến đầu đến đũa thôi. Ví dụ, tất cả các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp đều phải cam kết hướng đến tính bền vững của môi trường, hoặc phải được cấp chứng chỉ LEED – hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh. Nhưng nơi đảm bảo được phần trăm cây xanh thì không tái chế được hệ thống vệ sinh, nơi sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời thì lại vi phạm về xả thải, nơi kiến trúc độc đáo thì lại ảnh hưởng đến cảnh quan... Và bởi vì chỉ cần đầu tư cơ sở hạ tầng là có thể hốt bạc nên các chủ đầu tư đều cố gắng tận xây, tận thu. Cảnh quan bị phá vỡ, hoặc can thiệp kệch cỡm khiến chúng tôi rất khó xử lý”.

“Đừng nên cho rằng, xây thêm công trình mới có thêm nguồn thu. Thị trường du lịch Việt đã bỏ lỡ một nguồn thu khổng lồ đó là việc bán các sản phẩm du lịch”.

Nhà nghiên cứu Trần Quang Hiệu

Nhà nghiên cứu Trần Quang Hiệu kiến nghị: “Thế giới có rất nhiều cách làm du lịch bền vững mà không tơ hào chút nào vào cảnh quan, di sản. Không nói đâu xa, ngay các láng giềng gần với ta như Thái Lan hoặc Singapore, không có tài nguyên thiên nhiên về du lịch, thế nhưng họ vẫn là những đất nước phát triển mạnh mẽ về du lịch bằng cách tạo ra những sản phẩm du lịch mới”.

Ông Hiệu liệt kê: Singapore có Khu phức hợp nghỉ dưỡng (Integrated Resorts), có Vòng đu quay khổng lồ (Singapore Flyer)… đều là những sản phẩm nhân tạo thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Thái Lan thì phát triển du lịch ẩm thực, du lịch chữa bệnh... không cái nào liên quan đến tài nguyên, di sản nhưng vẫn có thể làm giàu cho dân.

Về những công trình phụ mà các doanh nghiệp hay lấn chiếm cảnh quan, di tích làm ra để tăng thu, ông Hiệu cho rằng: “Không ít bạn bè của tôi là người nước ngoài đều kêu rằng Việt Nam ít thứ để mua. Trong khi nhìn qua Trung Quốc chẳng hạn, đến chỗ nào của họ du khách cũng phải vét nhẵn ví, từ thuốc đông y, tơ tằm, lá trà, đến đá quý, đồ điện tử, hàng may mặc v.v... Đó là một nguồn thu rất lớn mà lại không hề ảnh hưởng đến cảnh quan hoặc là di tích”.

Phải có sự tham gia của cả cộng đồng

Đề xuất cách phát triển du lịch bền vững, Nghiên cứu sinh Hoàng Hà Thu (ĐH KHXH&NV) cho biết: “Trong một giao lưu về phát triển du lịch bền vững, giáo sư người Nhật Seiji Yoneda tiết lộ, muốn phát triển du lịch cộng đồng bền vững, nhất định phải dựa trên ý thức của cộng đồng. Lấy ví dụ mô hình phát triển du lịch cộng đồng bền vững ở Yufuin (Nhật Bản) đang được áp dụng rộng rãi đó là chính cộng đồng địa phương sẽ tự đề xuất mô hình phát triển du lịch bền vững và thực hiện thay vì chính quyền Trung ương ra quy hoạch, địa phương thực hiện. Nhờ có một số hoạt động cộng đồng gắn với du lịch mà vùng Yufuin đã thu hút, hấp dẫn khoảng 3,8 triệu khách du lịch mỗi năm, trong đó có khoảng 900.000 khách lưu trú và 70% là khách đến lần thứ 2, gần 10% là khách đến hơn 10 lần. Những sản phẩm du lịch mới hoặc được Yufurin khôi phục gồm có: liên hoan phim Yufuin, vào mùa thu tổ chức cuộc thi hét, khôi phục phát triển ngành nghề thủ công truyền thống, đồ lưu niệm mang nhãn hiệu Yufuin phát triển từ những sản phẩm gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày… Một điểm rất đáng chú ý là người dân địa phương thậm chí cả trẻ em cũng được trực tiếp đào tạo tạo hướng dẫn du lịch và bảo vệ môi trường”.

Tại Việt Nam, hiện nay một số mô hình du lịch cộng đồng như du lịch làm ruộng, homestay, du lịch sinh thái... gắn với đời sống sinh hoạt và kiến trúc đặc trưng ở địa phương tại một số tỉnh miền núi phía Bắc đang bước đầu thu được kết quả tốt. Cuộc sống của dân cư địa phương được cải thiện, điều kiện giao thông, điện, nước... được nâng cao và hạn chế tình trạng chặt, phá rừng do người dân tìm được công ăn việc làm ổn định hơn.

Trước mắt, việc phát triển thêm các sản phẩm và dịch vụ du lịch như một số nước đang làm thành công là việc mà các nhà khoa học đề nghị các chủ đầu tư tập trung nghiên cứu. Thay vì việc mở rộng xây dựng và phá vỡ quy hoạch như hiện nay.

Các sản phẩm lưu niệm nghèo nàn và rẻ tiền ở “kinh đô resort” Mũi Né

Nhóm PV

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/chuyen-gia-hien-ke-cuu-di-san-canh-quan-1359521.tpo