Chuyên gia hé lộ yếu tố khiến giá dầu có thể 'sụp đổ'

Izvestia dẫn thông tin của các nhà phân tích của Wood Mackenzie cho hay, giá dầu thô Brent có thể giảm xuống đến 10 USD/thùng vào năm 2050 sau khi chuyển đổi sang năng lượng xanh.

Theo các chuyên gia của Wood Mackenzie, nhu cầu về dầu sẽ bắt đầu giảm vào đầu năm 2023 và vào giữa thế kỷ này sẽ giảm 70% so với mức hiện tại nếu các nền kinh tế hàng đầu thế giới chuyển sang năng lượng xanh trong nỗ lực đạt được mục tiêu của thỏa thuận khí hậu Paris, thị trường dầu mỏ sẽ bị thiệt hại đáng kể.

Chuyên gia hé lộ yếu tố khiến giá dầu có thể sụp đổ. (Ảnh: RIA)

Chuyên gia hé lộ yếu tố khiến giá dầu có thể sụp đổ. (Ảnh: RIA)

Các chuyên gia tin rằng, điện khí hóa ngành công nghiệp và giao thông vận tải gây ra một mối đe dọa đặc biệt. Điều này hầu như sẽ phá hủy thị trường. Trong trường hợp này, giá dầu thô Brent vào năm 2050 sẽ giảm xuống còn 10 USD/thùng.

“Nếu nhân loại phát triển theo kịch bản này và nhanh chóng chuyển sang sử dụng năng lượng xanh, thì đến năm 2030 giá dầu thô Brent sẽ giảm xuống còn 37-42 USD/thùng, đến năm 2040 giá ‘vàng đen’ sẽ dao động trong khoảng 28-32 USD/thùng, và đến năm 2050 sẽ giảm xuống chỉ còn 10-18 USD/thùng”, tài liệu cho biết.

Ông Yuri Rykov, người đứng đầu bộ phận năng lượng của Viện Năng lượng và Tài chính Nga, đã bình luận về dự báo trên.

“Mặc dù các dự báo thường ảnh hưởng đến thị trường, nhưng tôi không đồng ý với những phân tích như vậy. Chương trình nghị sự về khí hậu đã xấu đi rõ rệt do thực tế là chính quyền Mỹ có áp lực khá lớn đối với các quốc gia liên quan đến việc chuyển đổi sang năng lượng xanh. Tuy nhiên, tất cả các dữ liệu hiện có chỉ ra rằng vẫn chưa rõ ràng rằng việc này có thể được thực hiện nhanh chóng”, ông Yuri nói.

Theo ông Yuri, các sự kiện gần đây nói chung cho thấy dự trữ dầu và khí đốt làm nhiên liệu bổ sung đơn giản là cần thiết.

“Những gì đã xảy ra ở Mỹ vào mùa đông vừa qua đã chứng minh điều này. Điều tương tự cũng đang xảy ra với giao thông. Mặc dù nhiều công ty đang có kế hoạch chuyển sang các nguồn năng lượng khác, trên thực tế tất cả các bước này đều không đủ. Yếu tố duy nhất có thể giảm lượng khí thải là đại dịch Covid-19, sau đó nền kinh tế bị chậm lại”, ông Yuri giải thích.

Giới chuyên gia nhận định, giá dầu thế giới sẽ tiếp tục chịu rủi ro lớn trong thời gian tới khi đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan nhanh. (Ảnh: RIA)

Ông Yuri cho rằng, để có bước nhảy vọt thành công của hành tinh sang sử dụng nguồn năng lượng thân thiện với môi trường và chi phí thấp, cần có thiết bị phản ứng nhiệt hạch nhỏ gọn. “Nhưng cho đến nay ngay cả những gợi ý về sự phát triển như vậy cũng chưa được nhìn thấy”, chuyên gia Nga nhận định.

Trong khi đó, theo ông Mikhail Kolesnikov, người sáng lập thương hiệu trạm nạp xăng mini của Nga, dự báo như vậy là khác xa thực tế. Ông Kolesnikov giải thích điều này bởi thực tế hiện nay chỉ 65% lượng tiêu thụ nhiên liệu trên thế giới là do giao thông vận tải và đây không chỉ là ô tô, mà còn là hàng không. Đồng thời, các máy bay vẫn chưa chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng xanh, và do đó nhu cầu xăng sẽ vẫn còn.

Ngoài ra, ông Denis Migal, Tổng giám đốc của mạng lưới đại lý xe hơi Fresh Auto lưu ý rằng việc giảm giá dầu xuống 10 USD/thùng sẽ là một bước nhảy quá mạnh. Ông Migal giải thích dầu cũng có thể được sử dụng để sưởi ấm hoặc sản xuất polyme.

Tổng Thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Mohammed Barkindo cho biết, OPEC nhận thấy những tín hiệu tích cực trong sự phát triển của nền kinh tế thế giới và triển vọng của ngành dầu mỏ.

“Có những tín hiệu tích cực trong nền kinh tế toàn cầu và triển vọng cho ngành dầu mỏ”, ông Barkindo nói và nhấn mạnh rằng nhiều yếu tố vẫn còn đòi hỏi phải theo dõi và cảnh giác liên tục.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/chuyen-gia-he-lo-yeu-to-khien-gia-dau-co-the-sup-do-282842.html