Chuyên gia hạt nhân Iran bị ám sát, Mỹ-Israel bị nghi ngờ

Nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh của Iran bị ám sát ở khu vực gần thủ đô Tehran, Iran nghi ngờ có bàn tay của Mỹ và Israel.

Ngày 27/11, truyền thông Iran đưa tin ông Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran, đã tử vong tại bệnh viện do bị thương nặng sau khi bị tấn công bất ngờ.

Bộ Quốc phòng Iran xác nhận ông Fakhrizadeh đã bị ám sát.

Các hãng tin Tasnim và Fars cho biết vụ ám sát xảy ra ở thành phố Absard thuộc khu vực Damavand ở miền Đông, khi một nhóm tay súng đánh bom một chiếc xe ôtô, trước khi nổ súng vào xe chở nhà khoa học Fakhrizadeh. Hiện chưa rõ danh tính của các tay súng này.

Theo tình báo phương Tây và Israel, ông Fakhrizadeh được cho là "cha đẻ" của chương trình hạt nhân của Iran. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng đưa ra cảnh báo đối với đích danh ông Fakhrizadeh trong một buổi họp báo.

Iran đã nhiều lần cáo buộc phương Tây và Israel, mà cụ thể là Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan tình báo Israel (MOSSAD), đứng sau hàng loạt vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân của nước này.

Trong thư gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc ngày 27/11, Iran cho rằng có “những dấu hiệu thực sự về trách nhiệm của Israel” trong vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Fakhrizadeh và Tehran bảo lưu quyền tự vệ.

Trong bức thư trên, Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Majid Takht Ravanchi viết: “Cộng hòa Hồi giáo Iran bảo lưu quyền tiến hành mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ nhân dân và bảo đảm các lợi ích của chúng tôi”. Ngoài ra, Đại sứ Iran cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án vụ ám sát và có các biện pháp phù hợp đối với "những kẻ gây tội".

Chỉ huy lục quân Iran thiếu tướng Abdolrahim Mousavi khẳng định “bàn tay tội ác” của Mỹ và Israel “bị nhìn thấy rõ ràng” trong vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh, theo hãng tin ILNA (Iran).

Hiện trường vụ tấn công nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh. Ảnh: AP

Hiện trường vụ tấn công nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh. Ảnh: AP

Trong khi đó, Tham mưu trưởng Các Lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Mohammad Bagheri cảnh báo về “sự trả thù tàn khốc” nhằm vào những đối tượng đứng sau vụ ám sát.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 27/11 đã yêu cầu kiềm chế.

Ông Farhan Haq - người phát ngôn Tổng Thư ký Liên hợp quốc nêu rõ: “Chúng tôi đã lưu ý các báo cáo về việc một nhà khoa học hạt nhân của Iran bị ám sát ở gần Tehran trong ngày hôm nay. Chúng tôi yêu cầu sự kiềm chế và cần thiết phải tránh mọi hành động có thể dẫn đến tình trạng leo thang căng thẳng trong khu vực".

Nhận định về diễn biến mới này, ngày 27/11, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan cho rằng vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran là một hành vi “phạm tội,” có nguy cơ kích động xung đột trong khu vực.

Theo ông, "một hành vi khủng bố được nhà nước tài trợ như vậy sẽ là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và kích động thêm nhiều chính phủ thực hiện những cuộc tấn công thảm khốc nhằm vào các quan chức nước ngoài/"

Bên cạnh đó, ông Brennan cũng kêu gọi Iran ''kiềm chế'' các hành vi trả đũa và “chờ đợi sự trở lại vai trò lãnh đạo có trách nhiệm của nước Mỹ trên vũ đài toàn cầu.”.

Theo Times of Israel, các quan chức Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo thế giới vẫn bình tĩnh về vụ việc trên.

Không có bình luận ngay lập tức từ Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, CIA hoặc nhóm chuyển tiếp của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden.

Các nhà lãnh đạo của các quốc gia khác cũng im lặng tương tự. Israel chưa bình luận về vụ giết người và chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm.

Các quan chức Mỹ nói với CNN rằng họ đang theo dõi chặt chẽ hậu quả của vụ ám sát , nhưng từ chối bình luận công khai do lo ngại sẽ làm gia tăng thêm tình hình khu vực vốn đã căng thẳng.

Quân đội Mỹ không có kế hoạch thực hiện bất kỳ hành động nào chống lại Iran và tin rằng Tehran sẽ nhanh chóng đáp trả bất kỳ cuộc tấn công bằng tên lửa nào, báo cáo dẫn lời nhiều quan chức Mỹ cho biết.

Một quan chức Mỹ nói rằng vụ giết người "sẽ là một vấn đề lớn" và tình báo Mỹ đang tìm kiếm thêm thông tin về vụ việc.

Một quan chức quốc phòng Mỹ thông tin CNN rằng, tàu sân bay USS Nimitz và các tàu chiến khác của Mỹ đang tiến vào Vịnh Ba Tư để hỗ trợ quân đội Mỹ rút khỏi Iraq và Afghanistan, nhưng động thái này được quyết định trước khi Fakhrizadeh bị ám sát. Tàu USS Nimitz đã rời Vịnh vào đầu tháng này để tập trận hàng hải ở Ấn Độ Dương.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vào tối thứ 27/11 đã thông báo, Hoa Kỳ đang trừng phạt “bốn thực thể ở Trung Quốc và Nga vì sự hỗ trợ của họ đối với chương trình tên lửa của Iran, vốn vẫn là một mối lo ngại phổ biến vũ khí hạt nhân đáng kể”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng tất cả các công cụ trừng phạt của mình để ngăn chặn Iran phát triển khả năng tên lửa của mình”, ông Pompeo nói, không đề cập đến việc sát hại nhà khoa học Fakhrizadeh.

Bản thân Trump đã tweet lại một bài đăng của nhà báo Israel Yossi Melman, một chuyên gia của cơ quan tình báo Mossad của Israel, về cái chết của Fakhrizadeh. Dòng tweet của Melman gọi vụ giết người là một "đòn nặng về tâm lý và chuyên môn đối với Iran".

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Chris Murphy, đảng viên Đảng Dân chủ hàng đầu trong tiểu ban Trung Đông của Thượng viện, cho biết: “Nếu mục đích chính của việc giết ông Fakhrizadeh là khiến việc tái khởi động thỏa thuận hạt nhân Iran trở nên khó khăn hơn, thì vụ ám sát này không khiến Mỹ, Israel hoặc thế giới an toàn hơn”.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/chuyen-gia-hat-nhan-iran-bi-am-sat-my-israel-bi-nghi-ngo-3423366/