Chuyên gia gợi ý phóng sinh đúng cách trong dịp Rằm tháng Giêng

Có nên phóng sinh trong dịp Rằm tháng Giêng hay không? Làm cách nào để phóng sinh hiệu quả, đem lại lợi lạc cho cả mình và người đã khuất? Những gợi ý của chuyên gia nghiên cứu văn hóa lịch sử sẽ giúp bạn tự tìm câu trả lời cho riêng mình.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phóng sinh là việc nhiều người thường làm vào mỗi dịp lễ lớn, trong đó có dịp rằm tháng Giêng. Theo nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Đinh Hồng Cường, tác giả cuốn sách Hủ tục - Mỹ tục, bản chất của phóng sinh là một việc làm thiện tâm, ban tặng sự sống đáng được khích lệ bởi những người có tấm lòng từ bi vô lượng, yêu thương mọi vạn loài chúng sinh.

Hơn nữa, phóng sinh là một hoạt động tâm linh rất tốt để hồi hướng công đức cho gia tiên tiền tổ. Vì từ nhiều đời, nhiều kiếp, ông bà, ông vải nhà mình, do vô minh mà tạo nghiệp ác sát sinh. Nay, con cháu được học giáo lý nhà chùa, răn dạy về đức hiếu sinh, phóng sinh sẽ giúp cho các hương linh của gia tiên được mát mẻ, bồi thêm công đức, tâm người mất phát sinh hỉ lạc mà được sanh về cõi giới an lành hoặc luân hồi trở lại làm người ở kiếp vị lai.

Phóng sinh là việc nhiều người thường làm vào mỗi dịp lễ lớn, trong đó có dịp rằm tháng Giêng. Ảnh minh họa

Vì vậy, phóng sinh đúng cách có thể đem lại lợi lạc cho cả mình và người đã khuất. Chuyên gia Đinh Hồng Cường chia sẻ một số cách phóng sinh hiệu quả:

Phóng sinh bằng cái tâm

Phóng sinh là một biểu hiện của tấm lòng từ bi, của đức hiếu sinh, yêu thương mọi vạn loài chúng sinh và coi sự sống của muôn loài như sự sống của chính mình. Cha ông ta vẫn truyền tụng câu nói: "Thương người như thể thương thân"; "Cứu vật thì vật trả ân"... Nên, cho dù trong hoàn cảnh nào, giàu hay nghèo, "thi ân bất cầu báo" đều được công, được đức vô lượng cả.

Chẳng phải đến chùa làm việc thả chim, thả cá mới được công đức. Mà bất kỳ ở đâu, bạn hãy sẵn lòng từ thiện, sẵn lòng tham gia, đóng góp vào việc nghĩa, việc chung, có đến đâu phát tâm đến đấy, của ít lòng nhiều. Được như vậy thì Phật, Thánh và các vị thiện thần đều phù trợ và chứng minh công đức của bạn.

Phóng sinh là một biểu hiện của tấm lòng từ bi, của đức hiếu sinh, yêu thương mọi vạn loài chúng sinh và coi sự sống của muôn loài như sự sống của chính mình. Ảnh minh họa

Phóng sinh theo Duyên

Đó là luôn sẵn với tấm lòng từ bi, khi gặp duyên, gặp những cảnh ngộ trớ trêu, cảnh thương tâm cứ hiển hiện ra trước mắt là mình phát tâm cứu giúp, phóng sinh, trả lại tự do cho chúng.

Cụ Nguyễn Đình Chiểu từng nói: "Nhớ câu kiến ngãi bất vi; Làm người thế ấy cũng phi anh hùng" (nghĩa là thấy việc nghĩa, việc thiện mà không làm thì không phải là anh hùng). Hình ảnh thầy Đường Tăng trong bộ phim Tây Du Ký lúc còn nhỏ, trên đường về chùa gặp bác tiều phu tay xách con cá chép, nên đã xin chuộc, đem ra sông thả cũng là một tấm gương điển hình.

Phóng sinh như một hình thức của sám hối, giáo dục thế hệ con cháu

Vào các dịp như đầu năm mới, rằm tháng Giêng hàng năm, lễ Vu Lan báo hiếu... chúng ta phóng sinh các con vật về với thế giới tự do cho mọi sự được mát mẻ thì tâm mình cũng được gột rửa khỏi những tội lỗi đã gieo, học hạnh bố thí của nhà chùa.

"Từ - Bi - Hỉ - Xả" để yêu thương mọi vạn loài chúng sinh. Việc làm từ tâm này sẽ khiến gia tiên tiền tổ cảm thọ được tấm lòng hiếu thuận của con cháu mà sinh tâm hoan hỉ, buông bỏ cõi trần gian để về với cảnh giới.

Phóng sinh là một biểu hiện của nét đẹp văn hóa, tôn trọng sự sống của muôn loài. Ảnh minh họa

Phóng sinh là một biểu hiện của nét đẹp văn hóa

Từ bao đời nay, ông cha ta đã đúc kết những mảnh đời sống thực để kết thành những câu chuyện huyền thoại như: "Cứu vật thì vật trả ân"; "Nàng tiên cá"; "Hoàng tử cóc"... nhằm truyền bá một lối sống vị tha, nhân bản, lòng yêu thương giữa con người với thế giới loài vật xung quanh. Đó cũng là cách tốt để giáo dục thế hệ trẻ thuộc nằm lòng các giá trị cao thượng: Chân - Thiện - Mỹ.

Phóng sinh là một biểu hiện của sự tôn trọng sự sống của muôn loài

Thời nhà Lý (giai đoạn 1010 - 1225), bộ Luật hình thư được ban hành năm 1042 có nêu rõ: Cấm không được đánh bắt cá, thú rừng vào mùa động hớn, mùa cá đẻ. Cấm không được chặt phá rừng, đốn cây vào mùa xuân. Mọi người đều thấy, còn bộ luật nào nhân văn hơn thế.

Ngày nay, chúng ta cũng nên lấy đó làm bài học quý báu cho việc hành xử với môi trường thiên nhiên, tôn trọng sự sống và sự tự do của muôn loài, nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên.

Cuối cùng, hãy phóng sinh vì cái tâm của bạn. Nên dừng ngay hành động phóng sinh chỉ vì tâm lý đám đông, vì mình cứ tưởng làm được việc phước thiện mà vô tình lại tạo tội cho kẻ khác - những kẻ đánh bắt cá, bắt chim... vô lương tâm. Làm việc thiện, tích đức là cách phát tâm hữu hiệu nhất ai cũng có thể thực hiện được để cuộc sống tốt đẹp hơn.

An Đạo

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chuyen-gia-goi-y-cach-phong-sinh-dung-trong-dip-ram-thang-gieng-2021022320553612.htm