Chuyên gia giao thông: Tôi rất buồn khi Hà Nội đề xuất cấm xe máy

'Có nhiều nguyên nhân gây ùn tắc như đường sá chật chội, nhà cao tầng vẫn tiếp tục mọc trong nội đô, giao thông công cộng không đáp ứng được nhu cầu..., nhưng Hà Nội lại đề xuất cấm xe máy. Tôi rất buồn', ông Nguyễn Văn Thanh nói.

Mới đây, Sở Giao thông Hà Nội cho biết, đang nghiên cứu trình HĐND thành phố hai phương án giảm tải ùn tắc giao thông. Theo đó, đề án thứ nhất là thu phí của một số loại phương tiện giao thông vào trung tâm dễ gây ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Đề án thứ hai là xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030.

Đề án của Sở GTVT Hà Nội được Sở TN&MT Hà Nội tán thành. Theo quan điểm của Sở TN&MT, ôtô có tiêu chuẩn khí thải nhưng xe máy không có tiêu chuẩn. Vì vậy, Hà Nội cần hạn chế và cấm xe máy sớm để cải thiện chất lượng không khí.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đề xuất trên của Sở GTVT Hà Nội là không ổn. Trao đổi với PNVN, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: Khi nghe tin Hà Nội đề xuất cấm xe máy, tôi rất buồn”.

Theo ông Thanh, có rất nhiều nguyên nhân khiến giao thông ùn tắc ở Nội. Ví như, đường sá chật chội, dân cư đông nhưng các dự án nhà cao tầng trong nội đô vẫn tiếp tục được cấp phép. Hơn nữa, so với ô tô thì xe máy có phải là thủ phạm gây tắc đường hay không, khi một chiếc ô tô khi di chuyển chiếm diện tích bằng 5-6 chiếc xe máy.

Ùn tắc giao thông do nhiều nguyên nhân trong đó có ý thức người tham gia

Ùn tắc giao thông do nhiều nguyên nhân trong đó có ý thức người tham gia

Cũng theo ông Thanh, hiện nay xe máy là nhu cầu không thể thiếu được của người dân. Xe máy là phương tiện để người dân mưu sinh, di chuyển trong thành phố. Nếu muốn cấm xe máy thì các phương tiện công cộng phải đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, nhưng thực tế hiện nay thì phương tiện giao thông quá yếu kém. Nếu cấm xe máy, người dân lại đi phương tiện giao thông công cộng. Lúc đó, Hà Nội liệu có phục vụ được hay không, rồi người dân sẽ lại mua xe cá nhân thì ùn tắc vẫn không giải quyết được.

“Nguyên nhân ùn tắc là do công tác quản lý chưa tốt. Chính việc quy hoạch, quản lý chồng chéo khiến giao thông hỗn loạn. Cùng với đó, là do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao dẫn đến ùn tắc. Thế nhưng, Hà Nội không nghĩ cách cải thiện, lại chỉ nghĩ cách cấm. Ở Thái Lan, không cấm xe gì cả. Người dân có tiền thì mua xe theo ý mình và tự điều chỉnh khi tham giao thông”, ông Thanh nói.

Ông Thanh cho rằng, nhà nước tìm kiếm giải pháp hạn chế ùn tắc là cần thiết, nhưng hạn chế, cấm đoán là không nên. Thay vào đó, cơ quan chức năng nên tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý, quy hoạch, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân. Đồng thời, xử lý nghiêm túc những hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là cải thiện hạ tầng giao thông.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông cho rằng, xe máy là cần câu cơm của hàng vạn gia đình, nhưng không phải là nguyên nhân chính gây ùn tắc. Hơn nữa, hiện nay giao thông công cộng mới đáp ứng được 8-10% nhu cầu. Nếu cấm xe máy thì 90% người dân đi bằng gì? Thực tế, ùn tắc có nhiều nguyên nhân, trong đó có ô tô, nhưng lại không cấm.

Ông Thủy ủng hộ việc kiểm soát xe máy bằng cách không cho xe máy phân khối lớn chạy trong thành phố vì nó “như xe tăng” mất an toàn, mất mỹ quan. Còn những xe máy quá cũ, gây ô nhiễm môi trường thì nên khuyên người dân thay xe máy khác.

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/luat-doi/chuyen-gia-giao-thong-toi-rat-buon-khi-ha-noi-de-xuat-cam-xe-may-post56669.html