Chuyên gia đưa giải pháp giúp giáo viên vượt qua áp lực nghề nghiệp thời 4.0

'Nếu không có một đội ngũ nhà giáo có chất lượng, thì không bao giờ chúng ta có chất lượng giáo dục'.

Áp lực nghề nghiệp mà mỗi giáo viên phổ thông Việt Nam hiện đang phải đương đầu chính là sứ mệnh của nhà giáo, sứ mệnh của giáo dục Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước của thời đại công nghiệp 4.0.

Đặc biệt, áp lực đến với các nhà giáo càng lớn hơn, không chỉ vì kiến thức khoa học được tích hợp từ nhiều ngành mà còn việc đưa được vào cuộc sống.

Nhiều kiến thức khoa học của thầy cô tích lũy xưa nay để dạy có thể đã nhanh chóng lạc hậu, thầy cô không sớm cập nhật sẽ bị lạc hậu với không chỉ kiến thức của bài giảng mà cả với kiến thức mà học sinh đã cập nhật. Con người và cả học sinh thời đại 4.0 phát triển và cũng khác.

Thầy cô không chỉ có kinh nghiệm mà phải thực sự vận dụng khoa học giáo dục tiên tiến mới đáp ứng được nhu cầu của học sinh thời đại 4.0.

Trong khi đó, giáo dục Việt Nam trong 5 năm gần đây đã có một đường lối phát triển giáo dục quốc gia hết sức đúng đắn, sáng suốt. Đó là Nghị quyết 29-NQ/TW, coi giáo dục là “quốc sách hàng đầu”, coi giáo dục là lĩnh vực ưu tiên để phát triển, để đầu tư tuy nhiên thực tế thì mỗi nhà giáo còn đang gặp nhiều áp lực.

Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội cho rằng, để giúp nhà giáo chủ động vượt qua áp lực nghề nghiệp này, không có cách nào khác phải giúp họ vượt qua chính mình để tìm niềm vui hạnh phúc trong quá trình sáng tạo của nghề nghiệp.

Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội khẳng định một tiêu đề: “Nếu không có một đội ngũ nhà giáo có chất lượng, thì không bao giờ chúng ta có chất lượng giáo dục”. (Ảnh minh họa: Báo Tuổi trẻ)

Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội khẳng định một tiêu đề: “Nếu không có một đội ngũ nhà giáo có chất lượng, thì không bao giờ chúng ta có chất lượng giáo dục”. (Ảnh minh họa: Báo Tuổi trẻ)

Đi tìm cách tháo gỡ áp lực nghề nghiệp cho các nhà giáo, thầy Lâm đề xuất, trước tiên, mỗi nhà giáo phải biết lãnh đạo chính mình, để tự mình vượt qua những áp lực, nghịch cảnh của cuộc sống.

Bởi lẽ, nghề dạy học không phải chỉ là nghề truyền thụ kiến thức mà phải là nghề “dạy người” mà phải dạy làm người bằng chính nhân cách của mình. Nhân cách của người thầy càng lớn, càng có sức hút, lan tỏa, tác động đến học sinh của mình càng lớn. Thành công trong nghề nghiệp là ước mơ suốt đời của mỗi nhà giáo.

Thầy Lâm nêu ví dụ, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về tên lửa và vũ trụ, lại từng làm Tổng thống Ấn Độ từ 2002 – 2007 nhưng ông vẫn mong muốn mọi người biết đến mình là thầy giáo dạy giỏi – Giáo sư A.P.J Abdu KaLam đã viết:

“Nhà giáo là một nghề hết sức cao quý, hình thành nhân cách, năng lực và tương lai của mỗi cá nhân. Nếu mọi người nhớ đến tôi là một giáo viên giỏi, đó sẽ là vinh dự lớn nhất đối với tôi”.

Rõ ràng, ngoài lòng tự hào, hãnh diện về sứ mệnh vẻ vang của nghề dạy học, mỗi thầy cô giáo phải biết lãnh đạo chính mình và đây chính là cách để phát triển bản thân tốt nhất, phù hợp nhất với nghề dạy học.

Do đó, muốn lãnh đạo chính mình trước hết giáo viên phải tự đánh giá được bản thân có những ưu điểm gì và còn những hạn chế nào trong quá trình phát triển nghề nghiệp.

Bằng kinh nghiệm thực tế làm việc với các nhà giáo, các loại hình trường phổ thông Việt Nam ở Hà Nội trong 50 năm qua, theo thầy Lâm, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội muốn khẳng định một tiêu đề: “Nếu không có một đội ngũ nhà giáo có chất lượng, thì không bao giờ chúng ta có chất lượng giáo dục”.

Và qua thực tế quản lý các trường phổ thông, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội đã phân loại đội ngũ nhà giáo đang giảng dạy ở các trường phổ thông thành 4 loại:

Loại 1: Những nhà giáo giỏi chuyên môn có năng lực sư phạm luôn chủ động sáng tạo, say mê yêu nghề, trong điều kiện nào họ đều là người đi đầu kiên trì đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy luôn lôi cuốn khích lệ học sinh. Họ luôn là những nhà giáo mẫu mực, thực hiện lời dạy chủ tịch Hồ Chí Minh “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”.

Loại 2: Những nhà giáo có năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm nhưng không nhiệt tình, không tự giác, không say mê với nghề như loại 1. Họ có thể làm tốt tùy hoàn cảnh, tùy vào năng lực cán bộ quản lý mỗi nhà trường.

Loại 3: Năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm còn có nhiều hạn chế nhưng về mặt ý thức họ là người nghiêm túc cố gắng làm hết sức mình nhưng kết quả giảng dạy, giáo dục đều không đạt đến điều mong muốn, không thể đáp ứng nổi yêu cầu “đổi mới toàn diện, triệt để giáo dục” hiện nay.

Nếu loại 1 và 2 chỉ chiếm số ít trong các nhà trường, loại 3 là loại chiếm số đông ở các nhà trường.

Loại 4: Là những nhà giáo có hạn chế cả về năng lực lẫn phẩm chất hoặc có năng lực nhưng phẩm chất kém. Tham gia tạo ra những tiêu cực cho ngành nhiều hơn là đóng góp tích cực. Loại nhà giáo này tuy không nhiều trong mỗi nhà trường, song phải sớm được thanh lọc khỏi các nhà trường.

Với 4 loại nhà giáo trong các nhà trường hiện nay, để thấy ngành giáo dục đào tạo phải sớm có cơ chế chính sách khích lệ, quản lý thế nào để loại 2 nhanh chóng thành loại 1 và phải tổ chức đào tạo lại, trang bị lại kiến thức, phương pháp cho số đông nhà giáo ở loại 3 có như vậy mới thực hiện yêu cầu “đổi mới toàn diện, triệt để” và tạo chất lượng bền vững cho giáo dục Việt Nam.

Đặc biệt từ sau 2020 khi áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo hướng tích hợp các môn học, theo hướng phát triển theo năng lực người học nếu giáo viên không được huấn luyện đến mức có đủ kỹ năng, có thói quen để làm tốt trong các giờ lên lớp gây hứng thú học sinh hay lại để giáo viên tự do, tùy tiện thực hiện. Nếu vậy chắc chắn chúng ta không thể thay đổi tận gốc về chất đội ngũ nhà giáo hiện nay.

Ngoài ra, để giúp nhà giáo vượt qua chính mình, họ phải biết tự lãnh đạo bản thân, Hội tâm lý giáo dục Hà Nội kiến nghị Bộ Giáo dục và đào tạo, Công đoàn giáo dục Việt Nam, Viện nghiên cứu phát triển giáo dục và Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam nên nghiên cứu, triển khai chương trình giáo dục “Nhà lãnh đạo trong tôi” (The leader in Me) của Tiến sỹ Tâm lý học Stepphen R.Covey khởi xướng những năm gần đây.

Chương trình này đã được nhiều trường học ở Mỹ, Singapo và nhiều nền giáo dục tiên tiến áp dụng để xây dựng đội ngũ nhà giáo và áp dụng giáo dục học sinh của mình.

Chương trình xây dựng trên cơ sở áp dụng “7 thói quen thành đạt” của Tiến sĩ Stepphen R.Covey trong tác phẩm của mình từ năm 1989.

Tác phẩm “7 thói quen hiệu quả” được xây dựng trên cơ sở phỏng vấn, tìm hiểu những giám đốc, tổng giám đốc của những tập đoàn kinh tế lớn thế giới, những người thành công trong các lĩnh vực khoa học, xã hội, nghệ thuật để ông đúc rút ra 7 thói quen cho mỗi người muốn thành công trong cuộc sống. Đó là:

- Sống chủ động

- Bắt đầu với mục tiêu

- Ưu tiên việc quan trọng

- Tư duy cùng thắng

- Hiểu rồi được hiểu

- Hợp lực

- Rèn giũa bản thân

Do đó, thành công của mỗi nhà giáo ở Việt Nam hiện nay ngoài 7 thói quen trên thì còn phải biết phát huy nội lực của chính mình, từ chính những chương trình huấn luyện cụ thể này đồng thời phát huy nội lực, tìm niềm vui hạnh phúc trong sáng tạo nghề nghiệp.

Nhưng muốn các nhà giáo phát huy hết nội lực của mình thì chúng ta phải có cơ chế tự chủ cho các nhà trường, có như vậy mới có thể có thành công trong giáo dục, mang lại niềm vui hạnh phúc cho các thầy cô giáo khi chính họ mang đến cho các học trò của mình niềm vui, hạnh phúc.

Và các em đang thực hiện những hoài bão, ước mơ bằng chính trí tuệ, công sức của mỗi người chứ không phải bằng “phong bì” để có bằng cấp, học vị và cả “thành công”.

Thùy Linh

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chuyen-gia-dua-giai-phap-giup-giao-vien-vuot-qua-ap-luc-nghe-nghiep-thoi-40-post193530.gd