Chuyên gia dự đoán kịch bản TQ thu hồi Đài Loan là 'ác mộng'

Trung Quốc sẽ thu hồi Đài Loan như thế nào và hòn đảo sẽ đáp trả ra sao? Một nhóm chuyên gia đã cùng nhau phân tích kịch bản 'ác mộng' này.

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hoàn toàn có khả năng thu hồi Đài Loan (Ảnh minh họa)

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hoàn toàn có khả năng thu hồi Đài Loan (Ảnh minh họa)

Trung Quốc từ lâu đã không giấu giếm ý định thu hồi Đài Loan, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết.

Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc hoàn toàn có khả năng thu hồi Đài Loan, ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ và sẵn sàng chịu chi phí chính trị và quân sự “cắt cổ”. Các khoản đầu tư dài hạn trong việc hiện đại hóa và cải tổ PLA, sự lỗi thời của các thiết bị mặt đất Đài Loan, càng làm tăng khả năng Trung Quốc quyết định thu hồi hòn đảo. Năng lực sử dụng vũ lực của PLA đã phát triển nhanh chóng trong những năm qua, hầu hết được thúc đẩy bởi mong muốn thu hồi Đài Loan, theo National Interest.

Về phía Đài Loan, bên cạnh lực lượng không quân và hải quân, quân đội và thủy quân lục chiến của Đài Loan đóng vai trò quan trọng trong phòng thủ. Trong một kịch bản tấn công ở mức độ nhỏ nhất, lực lượng mặt đất của Đài Loan có thể là rào chắn cuối cùng của hòn đảo. Để phân tích kịch bản Trung Quốc thu hồi Đài Loan, tổ chức về chính sách “Viện Dự án 2049” của Mỹ đã tập hợp các chuyên gia hàng đầu về PLA. Họ gọi kịch bản này là “ác mộng”, cùng nhau đánh giá mối đe dọa từ Trung Quốc, các hành động quân sự cần thiết của Đài Loan và các mảng trong quân sự mà Đài Loan và Mỹ có thể tiếp tục hợp tác.

Trung Quốc tấn công ra sao?

Khi chuẩn bị cho kịch bản ác mộng như vậy, các nhà hoạch định chính sách Đài Loan phải hình dung ra mốc thời gian xung đột và xác định quá trình cảnh báo cụ thể, theo các chuyên gia. Thời gian cảnh báo là khoảng hai tháng. Bất kỳ nỗ lực thu hồi nào cũng có thể được phát hiện ít nhất 30 ngày trước khi thực hiện. Việc huy động quân sự hàng loạt của PLA có thể được theo dõi bằng hình ảnh vệ tinh, làm giảm khả năng gây bất ngờ.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có thể muốn tránh chiến dịch quân sự toàn diện và thay vào đó, chọn các hình thức ép buộc. Nước này có thể gửi tín hiệu để đánh giá mức độ quyết tâm phòng vệ của Đài Loan và do đó, đánh giá chiến tranh toàn diện có cần thiết hay không.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Chuyên gia dự đoán các cuộc tấn công mạng gây nguy hiểm cho hệ thống tài chính, lưới điện và thông tin liên lạc điện tử của Đài Loan có thể sẽ xảy ra trước tiên, gửi thông điệp tới Đài Loan rằng cuộc tấn công có thể sắp xảy ra. PLA có thể phong tỏa Đài Loan ngay từ đầu và khởi động các cuộc tấn công tên lửa có mục tiêu nhắm vào hoặc gần Đài Loan. Những cuộc tấn công tên lửa này có thể được dùng để buộc lãnh đạo Đài Loan đáp ứng yêu cầu của Bắc Kinh. Trong những ngày trước khi đổ bộ, các hoạt động quân sự của Trung Quốc cũng sẽ tăng cường, bao gồm hoạt động đặc biệt trên không và tấn công chung. Cuối cùng, nếu thành công, cuộc tấn công đổ bộ sẽ diễn ra sau đó.

Trung Quốc từ lâu đã mong muốn “thống nhất” với Đài Loan, gọi hòn đảo là một phần lãnh thổ. Do đó, các chuyên gia nghĩ rằng Trung Quốc sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn thất bại nếu quyết định dùng vũ lực thu hồi Đài Loan.

Sự cưỡng chế của Trung Quốc có thể diễn ra dưới nhiều hình thức để gây áp lực cho các nhà lãnh đạo và người dân Đài Loan. Tàu và máy bay PLA không chỉ lượn quanh đảo chính của Đài Loan mà còn cả các đảo khác. Trung Quốc sẽ sử dụng ưu đãi kinh tế để lôi kéo vốn, doanh nghiệp và cá nhân Đài Loan vào đại lục. Trung Quốc cũng có thể tận dụng sức mạnh kinh tế và ngoại giao của mình để giảm thiểu sự hiện diện quốc tế của Đài Loan. Các mối đe dọa này kết hợp với nhau tạo ra cách tiếp cận toàn diện, nhằm ép buộc Đài Bắc chịu thống nhất theo các điều khoản của Bắc Kinh.

Binh lính Trung Quốc

Tuy nhiên hiện nay, Trung Quốc phải đối mặt với một số thử thách, ví dụ như sự can thiệp của quốc gia thứ 3 (đặc biệt là Mỹ), sự thiếu sẵn sàng chiến đấu của PLA, khao khát dân chủ của người dân Đài Loan…

Bất chấp những thách thức này, một PLA hiện đại hóa vẫn là mối đe dọa ngày càng tăng đối với Đài Loan. Các cải cách và thay đổi của PLA sẽ hoàn thành vào những năm 2020. PLA có khả năng chỉ huy các tàu phi quân sự để vận chuyển quân đội và thiết bị. Xe tải, xe tăng và các phương tiện khác được bọc giáp trọng lượng trung bình để vận chuyển dễ dàng hơn trong kịch bản tấn công. Sự hỗ trợ trên không của PLA cũng sẽ được cải thiện. Các xe vận chuyển tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Trung Quốc sẽ được sửa đổi để chở tối đa 8 tên lửa. Máy bay PLA mới, cả có người lái và không người lái, cũng có khả năng chở những tên lửa nguy hiểm hơn.

Đài Loan đáp trả thế nào?

Để ngăn chặn kịch bản ác mộng này, chiến lược phòng thủ của Đài Loan cần phải rất thực tế với chi phí phải chăng. Khái niệm Phòng thủ Tổng thể của Đài Loan (ODC) được đưa ra để ngăn chặn cuộc tấn công của Trung Quốc. Theo ODC, Đài Loan sẽ tối đa hóa lợi thế phòng thủ của mình và nhắm vào lực lượng bên ngoài lúc họ yếu đuối nhất. ODC nhấn mạnh lực lượng Đài Loan có thể đánh bại lực lượng bên ngoài trong vùng duyên hải và tiêu diệt bất kỳ đội quân nào đổ bộ bãi biển. Theo chuyên gia, chừng nào Đài Loan có thể thuyết phục Trung Quốc rằng chiến thắng hoàn toàn là vô cùng khó khăn, sự răn đe này sẽ giúp đảm bảo sống còn cho Đài Loan.

Người đứng đầu Đài Loan Thái Anh Văn và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

ODC nhấn mạnh vào việc phòng thủ bất đối xứng. Đài Loan từ lâu đã dựa vào sự hỗ trợ của quân đội Mỹ cho các hệ thống vũ khí, thiết bị và huấn luyện. Tuy nhiên, khi các hệ thống của Mỹ tập trung nhiều hơn vào sức mạnh, Đài Loan nhận ra việc dựa vào các thiết bị quân sự đắt tiền Mỹ có thể không còn là cách tiếp cận thực dụng nhất. Đài Loan sẽ tăng cường tự phát triển vũ khí cho mình, kết hợp với ODC mới, nhằm mục đích tối đa hóa lợi thế phòng thủ tự nhiên của đất nước. Các vũ khí như mìn biển và tên lửa là chìa khóa của ODC, gây tổn thất cho kẻ thù trong khi vẫn bảo toàn lực lượng.

Trong khi hải quân và không quân là tuyến phòng thủ đầu tiên của Đài Loan, lực lượng mặt đất được tin là tuyến phòng thủ cuối cùng. Quân đội, thủy quân lục chiến và cảnh sát quân sự có nhiệm vụ bảo vệ các bờ biển và thành phố Đài Loan trong trường hợp có cuộc tấn công của PLA. Để làm được như vậy, quân đội phải đảm bảo các nguồn lực cần thiết như nhân sự, và điều này phụ thuộc vào sự hỗ trợ của người dân.

Nhưng tóm lại, ODC của Đài Loan vẫn là một khái niệm, không phải chiến lược. Khi phát triển một chiến lược quốc phòng, xác định các khoản đầu tư quân sự, các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Đài Loan còn rất nhiều việc phải làm. Vị thế của Đài Loan so với Trung Quốc rõ ràng là không đối xứng. Do đó, Đài Bắc có thể tìm cách phòng vệ kiểu du kích và tăng cường lực lượng mặt đất, đặc biệt là pháo binh di động có khả năng tiêu diệt tàu tấn công đổ bộ của PLA.

Binh lính Đài Loan

Các khái niệm như ODC có thể giúp Đài Loan tận dụng tối đa lợi thế của mình. Tuy nhiên, tập trung quá nhiều vào sự bất đối xứng có thể khiến Đài Loan mất đi khả năng ngăn chặn một cuộc chiến toàn diện với Trung Quốc, chuyên gia nhận định. Do đó, điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách trên hòn đảo phải cân bằng được các kế hoạch bất đối xứng và sự chuẩn bị cho cuộc chiến toàn diện.

Trà My - National Interest

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/chuyen-gia-du-doan-kich-ban-tq-thu-hoi-dai-loan-la-ac-mong-946848.html