Chuyên gia: Đối thoại Mỹ-Trung tại Alaska là 'hiệp đầu tiên của trận khẩu chiến'

Bình luận về cuộc đối thoại chiến lược cấp cao Mỹ-Trung vừa kết thúc mà không đưa ra được tuyên bố chung, cựu Giám đốc cao cấp phụ trách các vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông Evan Medeiros cho rằng cuộc hội đàm ở Alaska (Mỹ) là 'hiệp đầu tiên của một trận khẩu chiến' giữa Trung Quốc và Mỹ.

Các chuyên gia cho rằng, đối thoại Mỹ-Trung ở Alaska (Mỹ) là 'hiệp đầu tiên của một trận khẩu chiến' giữa Trung Quốc và Mỹ. (Nguồn: Getty)

Các chuyên gia cho rằng, đối thoại Mỹ-Trung ở Alaska (Mỹ) là 'hiệp đầu tiên của một trận khẩu chiến' giữa Trung Quốc và Mỹ. (Nguồn: Getty)

Cũng theo ông Medeiros, ở một mức độ lớn, cuộc đối thoại sẽ là sự khơi thông những bất bình giữa hai bên, dù không thể giải quyết bất kỳ vấn đề lớn nào, nhưng có thể làm giảm khả năng phán đoán sai lầm giữa các đối thủ trong tương lai.

Đồng quan điểm trên, ngày 19/3, ông Bonnie Glaser - chuyên gia về các vấn đề châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng hai bên đã sử dụng ngôn từ mạnh mẽ trong cuộc hội đàm, dự báo hai cường quốc thế giới chưa dừng lại mà sẽ tiếp tục chỉ trích nhau trong tương lai.

Ngày 20/3, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu, ông Hồ Tích Tiến đã bình luận trên báo này: “Tôi tin rằng Trung Quốc và Mỹ đã có một cuộc khẩu chiến thực sự tốt trong các cuộc hội đàm ở Alaska. Đầu tiên, phái đoàn Trung Quốc đã giúp công chúng Trung Quốc trút sự tức giận tích tụ trong nhiều năm... Thứ hai, hôm nay chúng ta cho họ biết chính sách ngoại giao của Trung Quốc cứng rắn như thế nào...

Thứ ba, phái đoàn Trung Quốc đã cho một số ít đồng minh của Mỹ thấy cách mà Trung Quốc đối phó với Mỹ... Thứ tư, sau một cuộc tranh cãi công khai như vậy, tôi tin rằng cuộc đối thoại tiếp theo của hai bên sẽ hợp lý và thực dụng hơn".

Vị này kết luận: “Cho dù là có những cãi vã, nhưng nếu Trung Quốc và Mỹ không học cách cùng tồn tại trong một cuộc chơi khốc liệt, liệu có con đường thứ hai không? Theo tôi, dù muốn hay không, hai cường quốc thế giới sẽ phải tìm ra điểm chung.

Xét cho cùng, đây là thế kỷ 21, và có rất nhiều lĩnh vực hợp tác, bao gồm kinh doanh, du lịch và du học. Ngoại trừ một số kẻ cuồng địa chính trị, ai sẽ muốn thấy hai cường quốc hạt nhân đối đầu với nhau? Tất cả chúng ta nên giữ bình tĩnh và hãy chờ xem”.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-gia-doi-thoai-my-trung-tai-alaska-la-hiep-dau-tien-cua-tran-khau-chien-139902.html