Chuyển giá đến hồi cảnh báo

Bộ Tài chính vừa có báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của các doanh nghiệp FDI. Cơ quan này cho biết hiện tượng chuyển giá, trốn thuế đang diễn ra ở một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI).

Minh họa,

Minh họa,

Báo lỗ nhưng mở rộng đầu tư

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết tình hình nộp ngân sách nhà nước, theo số liệu của Tổng cục Thuế năm 2019 số thu về các sắc thuế nội địa (không kể dầu thô) của khu vực doanh nghiệp FDI là 210.234 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm 2018. Còn số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI năm 2019 là 179,2 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu là 144,6 tỷ USD (kim ngạch không bao gồm dầu thô), xuất siêu đạt trên 34,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, ngoài một số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có hiệu quả kinh tế cao, đóng góp ngân sách tốt, tạo nhiều việc làm với thu nhập ổn định thì vẫn tồn tại nhiều dự án đầu tư có hiệu quả chưa cao, mức độ đóng góp ngân sách thấp.

Đáng chú ý, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế còn diễn ra ở một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp luôn báo lỗ, thậm chí lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng gây thất thoát, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Tính đến 31/12/2019 có 22.617 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chi phối và 25.054 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2019 là 3.089.521 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản tại thời điểm cuối năm 2019 là 7.752.323 tỷ đồng.

Chuyển giá lan sang cả doanh nghiệp nội

Thực trạng doanh nghiệp có giao dịch liên kết thực hiện các hành vi chuyển giá, trốn thuế vẫn là vấn nạn của nhiều năm nay. Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn, nếu như trước đây tình trạng này chỉ diễn ra ở khu vực doanh nghiệp có vốn nước ngoài (vốn FDI) thì nay bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng có sự chuyển giá lẫn nhau.

Chuyển giá nội địa thường xảy ra ở những giao dịch liên kết giữa các công ty mẹ và công ty con thuộc các tổng công ty, tập đoàn lớn của Nhà nước, giữa các doanh nghiệp FDI trong nước có quan hệ liên kết và được hưởng các mức ưu đãi thuế TNDN khác nhau.

Theo khẳng định của Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh vì đặc thù nền kinh tế Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi thuế theo địa bàn, lĩnh vực, trong khi tập đoàn trong nước hiện nay cũng đa nghề, đa lĩnh vực. Khi có sự chênh lệch thuế giữa các lĩnh vực có quan hệ liên kết sẽ phát sinh chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp, pháp nhân hay địa bàn có thuế suất cao sang thuế suất thấp. Kể cả trong trường hợp không có chênh lệch lãi suất thì doanh nghiệp vẫn có hoạt động chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp có lãi sang doanh nghiệp lỗ.

Đáng lưu ý hơn, nhiều doanh nghiệp trong nước sử dụng mối liên hệ liên kết để thực hiện các khoản vay, đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh ở lĩnh vực rủi ro.

Giới chuyên gia khẳng định hoạt động chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng đã đến hồi cảnh báo.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói, tình trạng trốn thuế, né thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận khá phức tạp, nhất là các giao dịch liên kết, mặc dù cơ quan thuế có rất nhiều nỗ lực song cơ chế chính sách chưa thực sự hoàn thiện, chưa phù hợp với thực tế vì vậy có ảnh hưởng đến quản lý thu.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chuyen-gia-den-hoi-canh-bao-547931.html