Chuyên gia đánh giá tầm quan trọng của khí đốt Nga đối với châu Âu

Chuyên gia Ngân hàng Credit Suisse cho rằng châu Âu không thể ngay lập tức độc lập với nguồn khí đốt từ Nga, quá trình này sẽ phải diễn ra từ từ, bởi nguồn năng lượng mà họ tự sản xuất được vẫn chỉ là con số khiêm tốn so với nhu cầu của thị trường EU

Chuyên gia đánh giá tầm quan trọng của khí đốt Nga đối với châu Âu

Trưởng phòng nghiên cứu và chiến lược đầu tư của Ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới Credit Suisse, bà Nannette Hehler-Feyderb nhận định, rằng trong tương lai gần khí đốt Nga sẽ vẫn là nguồn năng lượng quan trọng đối với Liên minh châu Âu (EU); còn Đức và Anh sẽ không thể nhanh chóng đa dạng hóa nguồn cung cấp hay lấp đầy "khoảng trống" từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tờ RIA Novosti, bà Feyderbcho biết: "Nếu chúng ta nhìn vào thị trường khí đốt, thì có thể thấy tỷ lệ khí đốt châu Âu nhận được từ Nga đã vượt quá 1/3. Họ cũng tự sản xuất, nhưng con số này rất nhỏ. Nhập khẩu khí đốt từ Nga sẽ vẫn là một nguồn quan trọng đối với châu Âu, đặc biệt là với Đức".

Theo bà, rõ ràng là trong tương lai gần Đức sẽ vẫn tiếp tục phụ thuộc vào khí đốt như một nguồn năng lượng hóa thạch, trong khi đất nước này đang dần từ bỏ than đá và năng lượng nguyên tử. "Nguồn năng lượng tái tạo không đủ để thu hẹp khoảng cách này. Trong ngắn hạn và trung hạn, họ vẫn tiếp tục phụ thuộc vào khí đốt Nga", bà tin tưởng.

Bà lý giải: "Anh đang đề cập về những khát vọng (giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga) trên nền tảng sản xuất khí đốt để xuất khẩu từ EU. Vẫn còn khó để nói liệu quan hệ xuất khẩu thương mại với Liên minh sẽ đơn giản hơn hay ngược lại sẽ trở nên phức tạp hơn", bà Feyderb lập luận.

Chuyên gia đi đến kết luận: "Trong bối cảnh này, tôi tin rằng việc giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga sẽ được diễn ra từ từ. Tôi không cho rằng Anh sẽ ngay lập tức trở thành một nhà sản xuất và sẽ có thể đa dạng hóa nguồn cung cấp".

Trước đây 10 năm, chính EU đã đưa ra tuyên bố về kế hoạch “giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu Nga”. Mặc dù vậy, việc mua bán khí đốt giữa Nga với phương Tây vẫn tiếp tục tăng trưởng và thậm chí dường như Tổng thống Nga Putin còn kiểm soát được hoàn toàn sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga.

Đức Dũng (Lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chuyen-gia-danh-gia-tam-quan-trong-cua-khi-dot-nga-doi-voi-chau-au-post259016.info