Chuyển giá có là hoạt động bình thường của doanh nghiệp?

Doanh nghiệp nói chuyển giá là hoạt động bình thường, diễn ra phổ biến tại các công ty đa quốc gia, thậm chí là doanh nghiệp trong nước. Song, cơ quan quản lý lại cho rằng đây là hoạt động cần phải được kiểm soát để đảm bảo việc xác định giá giao dịch liên kết theo đúng nguyên tắc giá giao dịch thị trường, đảm bảo lợi ích của người nộp thuế và của Nhà nước.

Ông Adam Sitkoff, đại diện cho doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: TD

Doanh nghiệp nói bình thường

Tại hội thảo "Làm rõ sự thay đổi về chuyển giá trên thế giới" diễn ra ngày 9-11, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (Amcham), đã bày tỏ quan ngại đối với cách nhìn nhận khá phổ biến về chuyển giá như một công cụ trốn thuế và một hành vi vi phạm luật pháp.

Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, các giao dịch liên kết và hoạt động xuyên biên giới diễn ra ngày càng nhiều hơn. Cách nhìn nhận không phù hợp và thiếu khách quan về những giao dịch này sẽ tạo ra thách thức và rào cản đối với các nhà đầu tư xuyên quốc gia khi quyết định đầu tư tại Việt Nam.

“Chúng tôi khẳng định chuyển giá là hoạt động bình thường của các công ty đa quốc gia”, ông Adam Sitkoff nói.

Ông Wayne Barford, Cố vấn cấp cao của Trung tâm thuế và Đầu tư quốc tế, Cựu trợ lý Ủy viên Sở thuế vụ Úc, cho rằng chuyển giá được định nghĩa là các quy tắc và phương pháp định giá cho các giao dịch nội bộ và những doanh nghiệp thuộc cùng hệ thống sở hữu hoặc kiểm soát.

Do những giao dịch xuyên biên giới có thể làm thay đổi thu nhập chịu thuế, các cơ quan thuế ở nhiều quốc gia có thể áp dụng những phương pháp xác định giá khác với những phương pháp thông thường. Một trong biện pháp đó là dựa trên giá thị trường giữa những doanh nghiệp độc lập.

“Chuyển giá về bản chất không phải là hoạt động bất hợp pháp", ông Wayne cho hay. “Chỉ có gian lận về giá hay lạm dụng chuyển giá nhằm mục đích trốn thuế mới là bất hợp pháp”.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho hay chuyển giá, theo thông lệ quốc tế có nhiều cách hiểu khác nhau. Theo ông Toàn, giao dịch liên kết là hoạt động bình thường và thường xuyên tại doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuyên quốc gia. Việc cung cấp nguyên vật liệu, bán thành phẩm, cung cấp dịch vụ, công nghệ của các doanh nghiệp liên kết tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhưng, đằng sau giao dịch liên kết có thể có hành vi chuyển giá. Điều này được thực hiện qua việc các doanh nghiệp FDI mua đắt từ nước ngoài về Việt Nam nhưng khi xuất từ Việt Nam đi thì giá rẻ, đẩy phần lợi nhuận ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, không chỉ doanh nghiệp FDI mới có hoạt động chuyển giá, các doanh nghiệp trong nước, trong một hệ thống với nhau cũng có hành vi chuyển giá.

Theo ông Adam Sitkoff, thay vì tìm giải pháp tăng thu thuế, ngăn chặn chuyển giá, cần phải tìm ra giải pháp kiểm soát chi, và chi sao cho hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng một hệ thống thu thuế hiệu quả và công bằng hơn. Điều này chỉ thực hiện được khi xây dựng được nền kinh tế không dùng tiền mặt và mọi thanh toán được thực hiện qua giao dịch điện tử.

Cơ quan quản lý nghĩ khác

Theo báo cáo Tổng điều tra kinh tế năm 2017 của Tổng cục Thống kê công bố mới đây, trong năm 2016 các khoản đã nộp ngân sách bình quân một doanh nghiệp của khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt cao nhất với 104 tỉ đồng/doanh nghiệp, cao hơn rất nhiều so với doanh nghiệp FDI là 18 tỉ đồng/doanh nghiệp.

Trong khi đó, khu vực FDI lại là khu vực hoạt động có hiệu quả nhất. Theo báo cáo trên, doanh nghiệp FDI có hiệu suất sinh lời trên tài sản năm 2016 đạt cao nhất và vượt trội so với các loại hình doanh nghiệp khác với 6,9%, tiếp đến là khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 2,6% và khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 1,4%.

Mức sinh lời cao nhưng tỷ lệ đóng góp cho ngân sách nhà nước còn thấp đặt ra nghi vấn chuyển giá trong khối doanh nghiệp này. Không thể phủ nhận những đóng góp của khu vực FDI cho nền kinh tế trong thời gian qua, song, điều mà Chính phủ Việt Nam quan ngại nhất chính là vấn đề tránh thuế nói chung và chuyển giá nói riêng của nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam trong thời gian qua.

Theo báo cáo của VCCI, mỗi năm có khoảng trên 40-50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó có nhiều doanh nghiệp lỗ liên tục trong nhiều năm, thậm chí lỗ lũy kế đến mức âm vốn chủ sở hữu nhưng vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, thậm chí mở rộng quy mô kinh doanh.

Số liệu mới nhất của VCCI vào đầu năm 2018 cho thấy có đến 37,9% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ trong năm 2017.

Theo Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, chuyển giá không những là một hình thức làm thất thu ngân sách mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và chứa đựng nhiều rủi ro khác.

Tại hội thảo mới đây về chuyển giá, ông Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính, cho hay chuyển giá là hành vi tất yếu gắn liền với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty đa quốc gia và mô hình tập đoàn kinh tế.

Việc xác định giá chuyển nhượng là hành vi dân sự hợp pháp của doanh nghiệp. Tuy vậy, các hành vi này liên quan đến thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế nên nhà nước cần thực hiện kiểm soát để đảm bảo việc xác định giá giao dịch liên kết theo đúng nguyên tắc giá giao dịch thị trường, đảm bảo lợi ích của người nộp thuế và của Nhà nước.

Năm 2017, cơ quan thuế các cấp đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 734 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt hơn 2.270 tỉ đồng; giảm lỗ gần 7.420 tỉ đồng; điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế lên gần 4.135 tỉ đồng.

Trong nỗ lực tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc kiểm soát hoạt động chuyển giá, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết có hiệu lực vào đầu tháng 5-2017. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư 41/2017/TT-BTC ngày 28-4-2017 hướng dẫn Nghị định trên.

Vũ Dung

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281458/chuyen-gia-co-la-hoat-dong-binh-thuong-cua-doanh-nghiep.html