Chuyên gia: Chống ngập là 'dắt mưa ra ngoài và ngăn triều lũ tiến vào'

Nhìn nhận về vấn đề chống ngập tại TPHCM, TS Lê Xuân Bảo, Viện trưởng Viện Thủy lợi và Môi trường cho rằng, chúng ta bàn và phân tích nguyên nhân rất nhiều song có điểm chính gồm: Thủy triều, lũ thượng nguồn và mưa. Từ đó có 2 nguyên nhân chính đó là triều lũ và mưa. Do đó, bản chất chống ngập là cần dắt mưa ra ngoài và ngăn triều lũ tiến vào.

Tường thuật trực tiếp

12:19 05/12

Đại biểu chụp hình lưu niệm cùng BTC

Đại biểu chụp hình lưu niệm cùng BTC

12:19 05/12

Sau 3 giờ đồng hồ diễn ra hội thảo “Tìm giải pháp chống ngập ở TPHCM”, gần 100 ý kiến, giải pháp của các chuyên gia, doanh nghiệp TPHCM về tình trạng ngập ở TPHCM.

Phát biểu kết thúc hội thảo, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong trân trọng gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp tham dự hội thảo.

“Cuộc chiến này sẽ còn rất dài và cần nhiều nỗ lực từ cơ quan chức năng, từ sự đồng hành của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp tâm huyết” – Tổng biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn cho biết.

Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong phát biểu tại hội thảo. Clip: Văn Minh

09:16 05/12

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Văn Minh

09:11 05/12

Phát biểu tại hội thảo “Tìm giải pháp chống ngập tại TPHCM”, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết, TPHCM là trung tâm kinh tế - văn hóa – xã hội lớn của cả nước. Trong những năm qua, kinh tế thành phố liên tục phát triển với tốc độ tăng cao hơn trung bình của cả nước từ 1,5 đến 1,7 lần. Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa cũng diễn ra nhanh chóng và đến nay dân số thành phố đã đạt gần 13 triệu người.

Bên cạnh những thành tựu rất lớn thì việc nhiều khu dân cư mới được thành lập, cơ sở hạ tầng phát triển nhưng không tương ứng với tốc độ tăng dân số và làm phát sinh nhiều vấn đề trong quản lý đô thị. Một trong những vấn đề đó là tình trạng ngập nước ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thành phố không chỉ trong hiện tại mà cho cả tương lai.

Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong phát biểu tại hội thảo

Bão số 9 đổ bộ vào khu vực Nam Bộ vừa qua, dù không quét sâu vào địa bàn TPHCM nhưng lượng mưa lớn kết hợp với triều cường đã gây ra trận ngập lụt lịch sử chưa từng có ở TPHCM. Nạn ngập nước ở TPHCM ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi bản chất, nguyên nhân của hiện tượng có thể vẫn chưa được nhìn nhận một cách toàn diện. Nhiều chuyên gia chỉ ra là do tình trạng bê tông hóa, san lấp kênh rạch, không có dung tích điều tiết nước, hệ thống cống thoát nước nhỏ, không phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay…

Nhìn lại quá trình phát triển hạ tầng thoát nước của TPHCM có thể thấy vào năm 1975, thành phố tiếp quản hạ tầng kỹ thuật hệ thống thoát nước được phát triển dưới thời Pháp và chế độ cũ với chất lượng khá tốt so với nhiều đô thị trong cả nước lúc bấy giờ. Tuy nhiên, cùng với thời gian, khu vực nội thành còn khoảng 20% – 30% diện tích chưa có hệ thống thoát nước, 700 km cống thoát nước cũ bị tắc nghẽn do nạn xả rác và không được nạo vét, duy tu kịp thời cùng với hệ thống kênh rạch bị san lấp, lấn chiếm với hàng nghìn căn nhà ven và trên kênh rạch. Nhiều ao hồ có chức năng điều tiết nước bị san lấp. Nhiều tuyến cống, hố ga, cửa xả bị lấn chiếm hư hỏng,… đã làm tình trạng ngập nước của TPHCM ngày càng nghiêm trọng hơn.

TPHCM đã nỗ lực triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2020 (còn gọi là quy hoạch 752), Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM (còn gọi là quy hoạch 1547). Đến nay toàn thành phố xây được 4.176 km/6.000 km cống thoát nước; nạo vét, cải tạo 60,3/5.075 km kênh rạch (đạt hơn 1%); hoàn thành xây dựng 1/10 cống kiểm soát triều; xây dựng 64/129 km đê bao bờ hữu sông Sài Gòn… và vẫn chưa giải quyết được bài toán chống ngập.

Trong khi đó, TPHCM là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Các cơn mưa cực đoan có lượng mưa cực lớn xuất hiện ngày càng nhiều. Đỉnh triều cường năm sau cao hơn năm trước và hiện nay đã xác lập kỷ lục 1,71 m. Thành phố đang lún với tốc độ từ 3 đến 5 cm mỗi năm. Cơ sở hạ tầng phát triển không đồng bộ, quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập với các cao ốc, chung cư tiếp tục mọc lên ở trung tâm thành phố… càng làm bài toán chống ngập trở nên nan giải. Hàng chục năm qua, TPHCM đã triển khai hàng loạt dự án chống ngập với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm nhưng đến nay ngập nước vẫn còn là nỗi ám ảnh kinh niên của người dân thành phố.

Hội thảo có sự tham dự của đông đảo chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học - côngnghệ - xây dựng

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, đối với chương trình giảm ngập nước, nhu cầu đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 là hơn 73.000 tỷ đồng. Do ngân sách gặp nhiều khó khăn, TPHCM sẽ phải kêu gọi tư nhân đầu tư, xã hội hóa công tác chống ngập với tổng kinh phí cần huy động lên tới 20.000 tỷ đồng.

Một tín hiệu đáng mừng là gần đây, một số doanh nghiệp đã đi tiên phong, chủ động đầu tư kinh phí, nghiên cứu công nghệ thực hiện các dự án chống ngập như sử dụng siêu máy bơm thông minh khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh); dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1” xóa ngập cho gần 7 triệu người trên lưu vực 570 km2 gồm trung tâm TPHCM và bờ hữu sông Sài Gòn với tổng kinh phí gần 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các dự án vẫn gặp không ít khó khăn, thậm chí đình trệ.

Để tìm giải pháp chống ngập nặng, báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo “Tìm giải pháp chống ngập tại TPHCM”. Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, các nhà chuyên môn, các nhà khoa học cùng doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan ngồi lại tìm hiểu, phân tích, mổ xẻ nguyên nhân thấu đáo và đề xuất hướng đi đúng để góp phần giải bài toán chống ngập cho TPHCM.

“Thay mặt Ban biên tập Báo Tiền Phong và BTC, tôi xin trân trọng cảm ơn và nồng nhiệt đón chào các đồng chí lãnh đạo, các quý vị đại biểu đại diện các đơn vị, các nhà khoa học và tất cả khách mời đã quan tâm dành thời gian tham dự hội thảo quan trọng này” – Tổng biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn bày tỏ.

Cơn bão số 9 dù không đổ bộ trực tiếp vào TPHCM nhưng gây mưa lớn khiến hầu hết các tuyến đường, nhà dân trên nhiều quận, huyện ngập nặng. Thậm chí có nơi lên đến cả mét, ô tô, xe máy, nhà cửa của người dân bị nhấn chìm, thiệt hại tài sản nặng nề. Đó được xem là trận ngập lịch sử tại TPHCM do lượng mưa đo được tại các khu vực đều trên 300mm, thậm chí có nơi hơn 400mm kết hợp triều cường.

Mưa với vũ lượng quá lớn kèm theo triều cường khiến TPHCM ngập là chuyện khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nhiều khu vực mưa nhỏ cũng ngập, thậm chí không mưa mà đường cũng lênh láng nước khiến người dân không khỏi bức xúc.

Ngập úng trở thành nỗi ám ảnh của người dân TPHCM.

Trận ngập lịch sử trong cơn bão số 9 gây thiệt hại nặng.

Theo các chuyên gia, TPHCM có cốt nền thấp, khi triều cường đạt đỉnh kèm theo mưa lớn sẽ gây ngập úng diện rộng. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, nước biển dâng kèm theo nền địa chất yếu khiến TPHCM lún mỗi năm từ 3-5cm khiến thành phố ngày càng đối mặt với nguy cơ bị nhấn chìm..

Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, giai đoạn 2016 đến 2020, TPHCM cần hơn 73.000 tỷ đồng để chống ngập nước. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng hơn 16.000 tỷ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 588 tỷ đồng, vận động nguồn vốn vay ODA khoảng hơn 36.000 tỷ đồng. Số còn lại khoảng hơn 20.000 tỷ đồng TPHCM sẽ phải kêu gọi nguồn xã hội hóa.

Nhiều dự án chống ngập ở TPHCM phản tác dụng.

Hàng chục năm qua, TPHCM đã triển khai hàng loạt dự án chống ngập từ nâng đường, thay cống, đến hồ điều tiết… với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Người dân ở các dự án nâng đường, thay cống phải sống trong cảnh tạm bợ, nắng bụi, mưa ngập, kinh doanh ế ẩm, cuộc sống bị đảo lộn nhiều năm.

Thế nhưng, nhiều công trình khi hoàn thành, những công trình này không phát huy được tác dụng chống ngập như dự án nâng đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9), Kinh Dương Vương (quận Bình Tân)…

Tình trạng ngập nước khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đã cử nhiều đoàn công tác đi nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm, mời các chuyên gia nhiều nước tham gia hiến kế chống ngập với mong muốn sớm giải quyết tình trạng mưa là ngập, không mưa cũng ngập. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu được áp dụng rộng rãi.

Để tận dụng nguồn lực xã hội, thành phố kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư chống ngập. Một số doanh nghiệp đã chủ động đầu tư kinh phí, nghiên cứu công nghệ để áp dụng như dự án chống ngập bằng máy bơm thông minh công suất lớn, dự án chống ngập do triều với kinh phí gần 10.000 tỷ đồng. Thế nhưng, các doanh nghiệp vẫn gặp phải rất nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện từ thủ tục hành chính đến kinh phí vận hành…

TPHCM đang kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chống ngâp.

Nhiều giải pháp, công trình chống ngập khác lại không phát huy hiệu quả. Để hạn chế tình trạng ngập nặng như thời gian qua, ngày 5/12, báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo “Tìm giải pháp chống ngập tại TPHCM”. Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, các nhà chuyên môn, các nhà khoa học cùng doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan ngồi lại tìm hiểu, phân tích, mổ xẻ nguyên nhân thấu đáo và có hướng đi đúng để giải bài toán chống ngập cho TPHCM.

Tham dự hội thảo, về phía lãnh đạo các ban ngành gồm:

Lãnh đạo UBND TPHCM:

Ông Vũ Viết Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;

Ông Đặng Phú Thành, Trưởng Phòng Quản lý cấp Thoát nước Sở Giao thông Vận tải TPHCM;

TS Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa;

Lãnh đạo Sở Xây Dựng; Lãnh đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc; Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư;

Hội thảo là dịp để các chuyên gia, cơ quan quản lý tìm giải pháp chống ngập cho TPHCM..

Về phía chuyên gia, nhà khoa học có sự tham dự của:

GS.Nguyễn Ân Niên, Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hội Khoa học thủy lợi, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam;

GS.TSKH Lê Huy Bá, Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường;

Thạc sỹ Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu Phát triển;

TS Đặng Thanh Lâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam;

TS Lê Xuân Bảo, Viện trưởng Viện Thủy lợi và Môi trường;

Chuyên gia cao cấp Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam;

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam;

Ông Nguyễn Tăng Cường, Anh hùng lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung;

TS.Tô Văn Trường; PGS-TS.Đặng Xuân Thi, Chủ tịch Hội KHKT Máy thủy khí VN;

Kỹ sư Nguyễn Trọng Dần, Hội KHKT Máy thủy khí Việt Nam…

Nhóm PV TPHCM

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/chuyen-gia-chong-ngap-la-dat-mua-ra-ngoai-va-ngan-trieu-lu-tien-vao-1352827.tpo