Chuyên gia chỉ thẳng vấn đề chế tạo Su-57

Đã nửa năm trôi qua kể từ khi chiếc Su-57 bị rơi trong chuyến bay thử nghiệm, vẫn chưa có thêm một máy bay nào ra đời.

Điều này đặt ra nhiều câu hỏi liệu hợp đồng cung cấp 76 máy bay chiến đấu Su-57 sẽ được thực hiện cho đến năm 2028 có đúng tiến độ, chưa kể đến việc các tổ hợp công nghiệp hàng không Nga muốn có thêm đặt hàng từ các đối tác nước ngoài đối với tiêm kích Su-57 vào giữa thập kỷ này.

Trang Avia-pro cho rằng, máy bay chiến đấu nội địa thế hệ thứ 5 đã thực hiện chuyến bay đầu tiên cách đây hơn 10 năm, nhưng do nhiều vấn đề khác nhau, chiếc tiêm kích tàng hình này vẫn chưa được chấp nhận đưa vào thành phần tác chiến.

Các chuyên gia lưu ý rằng vấn đề chính của Su-57 nằm ở chỗ Nga không đủ kinh phí thực hiện dự án.

Nga đang gặp khó trong quá trình chế tạo tiêm kích tàng hình Su-57

"Cho đến nay, Lực lượng Không gian - Vũ trụ Nga vẫn chưa nhận được một máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm nào. Với kế hoạch cung cấp Su-57 cho quân đội cho đến năm 2028, có thể dễ dàng tính toán rằng các nhà sản xuất sẽ phải chế tạo 11 - 12 chiếc tiêm kích Su-57 mỗi năm, tuy nhiên vào lúc này chưa có máy bay nào được tạo ra trong nửa đầu năm nay", chuyên gia quân sự Nga bình luận.

Trước đó, Tổng giám đốc của Tập đoàn Công nghệ Nhà nước Rostec, ông Sergei Chemezov tuyên bố rằng vào năm 2020, việc giao các máy bay chiến đấu Su-57 quy mô lớn cho quân đội sẽ bắt đầu. Nhưng trong tình hình hiện tại, dự kiến vào năm nay, Không quân Nga chỉ có thể có được một chiếc Su-57.

So sánh với F-35 Ligtning II, chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Mỹ đã đạt tới con số lắp ráp gần 1.000 chiếc cho các khách hàng trên khắp thế giới và đáng nói là nhu cầu dành cho nó phía trước mắt còn lớn hơn, dự kiến khi Nga chế tạo đủ 76 Su-57 thì con số F-35 có thể lên tới 2.000.

Chí Linh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/chuyen-gia-chi-thang-van-de-che-tao-su-57-3403945/