Chuyên gia chỉ dẫn muôn chiêu đơn giản gọi sữa mẹ về

Bác sỹ Nguyễn Thị Kiểm đã chia sẻ những phương pháp đơn giản mẹ có thể áp dụng để gọi sữa về.

Chị Trần Thị Huế (24 tuổi, Hoa Lư, Ninh Bình) đã gặp rắc rối không nhỏ trong con đường nuôi con bằng sữa mẹ. Sinh con đã được nửa tháng nhưng sữa vẫn chưa về, không những vậy sức khỏe chị cũng gặp phải vấn đề không nhỏ.

"Mình mới sinh bé được nửa tháng nay nhưng bị tắc sữa kinh khủng, nách sưng to, sốt sình sịch, mà đau lắm. Mình đã chườm nóng, giã lá đinh lăng uống nhưng không khỏi", chị Huế kể.

Học hỏi kinh nghiệm của người thân, bà ngoại của chị bỏ công tìm kiếm và lấy nước lá bồ công anh cho chị uống nhiều lần nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Trong thời gian này chị phải cho con uống sữa ngoài, mặc dù rất xót ruột. Chị muốn con được uống sữa mẹ vì chị luôn cho rằng sữa mẹ mang lại nguồn dinh dưỡng, sức đề kháng tốt nhất cho con.

Bé quấy khóc không chịu ti vì mẹ ít sữa. Ảnh minh họa

Còn với chị Ánh Tuyết (27 tuổi, Sông Công, Thái Nguyên) thì việc ít sữa không đủ cho con bú là một nỗi khổ tâm dằn vặt chị. Chị sinh mổ, thể trạng lại yếu nên việc phục hồi sức khỏe cho mẹ mất thời gian hơn. Sau khi sinh đến ngày thứ 3 sữa mới về nhưng chỉ một lượng nhỏ. Tình trạng này kéo dài đến nay đã 3 tháng, gia đình chị phải cho bé uống sữa công thức gần như 100%.

"Mình vốn rất ít sữa từ khi sinh. Mẹ ít sữa nên bé Tép nhà mình lại không chịu bú, sữa càng ít đi, giờ thì sắp mất sữa rồi. Cả ngày con không ti, ngực mình cũng chẳng căng", chị Tuyết nghẹn ngào vì vừa thương con, vừa tủi thân.

Chị cũng đã tìm đủ mọi cách từ việc cố gắng ăn uống để có thêm dinh dưỡng, gọi sữa về. Mỗi bữa chị gắng gượng chan canh húp 2 bát cơm, nửa buổi ăn thêm cháo. "Một điều quan trọng nữa là bé Tép khoonh chịu ti mẹ, mỗi lần cho con ngậm ti là con liền đẩy ra và khóc liên tục. Không biết là có phải vì sữa mình không thơm không? Giờ mình không biết phải làm thế nào nữa?", bà mẹ bỉm sữa tỏ ra bất lực.

Chuyên gia chỉ cách gọi sữa về ầm ầm

Trước tình trạng chung của nhiều mẹ bỉm sữa khi gặp phải các vấn đề mất sữa, ít sữa, tắc sữa, Bác sỹ Nguyễn Thị Kiểm - Nguyên chủ nhiệm khoa Sơ sinh Viện Bảo vệ Bà mẹ Trẻ sơ sinh, Viện Phụ sản TW đã có những chia sẻ, đưa ra những giải pháp rất hữu ích, chị em có thể áp dụng để gọi sữa về sau sinh.

Theo BS Kiểm, đối với các mẹ sinh mổ, trong vú của mẹ có sẵn chút sữa non nên đừng chờ sữa về ồ ạt mới cho con bú. Nên cho con bú nhiều và thường xuyên bởi cơ thể người mẹ cứ 30 phút lại tạo sữa đủ để con bú. Một điều cũng rất quan trọng, đó là việc tâm lý của mẹ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiết sữa, tạo sữa của mẹ. Khi mẹ lo lắng, buồn phiền thì trong cơ thể sẽ không có phản xạ "tống sữa" góp phần làm cho sữa không về. Vì vậy, khi gặp phải tình trạng mất sữa, ít sữa các chị em càng phải giữ cho tinh thần thật thoải mái.

Bác sỹ Kiểm tư vấn cách gọi sữa mẹ về

Trước tình trạng cụ thể của chị Huế, nữ BS phân tích,tắc sữa là do lưu thông sữa không tốt, một đường ống dẫn sữa nào đó bị chèn ép. Hoặc cũng có thể là do cơ địa, tắc sữa thường xảy ra ở những mẹ "vú mướp". Trong trường hợp này, nếu nguyên nhân là do ngoại cảnh thì người mẹ cần phải để ý để chỉnh sửa, tránh tái phát. Còn nếu do cơ địa thì người mẹ cần phải đi khám bác sĩ để có kết luận chính xác và phương án khắc phục tốt nhất.

"Điều quan trọng nhất là người mẹ phải cho trẻ bú nhiều, bú thường xuyên làm kích thích phản xạ tống sữa. Đồng thời, nguời mẹ chườm nóng vú, mát-xa vú từ trong ra ngoài, tập chung mát-xa ở chỗ cục tắc, hút sữa,...", vị chuyên gia chỉ cách.

Phân tích về trường hợp của chị Ánh Tuyết, BS Kiểm thắc mắc: "Không biết bạn có cho con bú bình không? nếu có bú bình bằng đầu cao su thì khi bắt bé ngậm vú mẹ chắc chắn bé không thích. Bởi vì đầu vú cao su nó dễ mút, có khi chưa mút nó đã chảy sữa, còn vú mẹ thì bé phải ngậm đúng, phải ép thì mới ra sữa. Nên mẹ cần hạn chế cho con bú bình.

Mẹ cũng nên cố gắng cho con bú bất cứ lúc nào có thể. Bé không bú lại không kích ra nhiều sữa. Nếu sữa của mình không đủ thì mẹ có thể cho ăn ngoài bằng thìa hoặc cốc nhỏ chứ không nên cho trẻ dùng đầu bú cao su. Nhưng trước khi cho con ăn ngoài thì mẹ phải cho con bú kiệt sữa của mình đã, sau đó thiếu mới nên bổ sung bên ngoài".

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/chuyen-gia-chi-dan-muon-chieu-don-gian-goi-sua-me-ve-3353786/