Chuyên gia chỉ cách phân biệt sốt virus và sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết (SXH) và sốt virus có dấu hiệu giống nhau. Tuy nhiên, SXH nếu không phát hiện kịp thời điều trị thì có thể dẫn tới những nguy hiểm cho tính mạng. Vậy làm thế nào để phân biệt các loại sốt này?

Tình hình SXH trên cả nước đang diễn biến hết sức căng thẳng với hơn 70.000 ca mắc, 20 trường hợp tử vong.

Tại Hà Nội, trung bình mỗi năm chỉ 5.000 - 6.000 ca và đỉnh dịch vào tháng 9-10, nhưng năm nay ngay từ tháng 5 đã bắt đầu bùng phát mạnh. Đến nay đã ghi nhân 11.751 trường hợp SXH với hơn 1.200 ổ dịch. 30/30 quận, huyện, thị xã ghi nhận ca mắc; hiện còn gần 1.000 trường hợp đang điều trị tại các bệnh viện, đã có 6 người tử vong vì căn bệnh này.

Tại BV Bệnh Nhiệt đới TW, lượng bệnh nhân nhập viện vì SXH đã tăng gấp 10 lần so với năm ngoái với diễn biến phức tạp hơn, nhiều ca nặng.

SXH có thể xảy ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng rất nhiều bệnh nhân SXH không được điều trị sớm vì bệnh này rất dễ nhầm lẫn với các bệnh sốt do virus và do viêm họng, viêm phế quản. Nhưng cũng có không ít bệnh nhân sốt do viêm họng, do virus vì quá lo lắng tưởng rằng bị SXH nên nhập viện, khiến tình trạng quá tải càng trầm trọng.

 Hội trường BV Bệnh nhiệt đới TW trở thành "bệnh viện dã chiến" điều trị bệnh nhân SXH

Hội trường BV Bệnh nhiệt đới TW trở thành "bệnh viện dã chiến" điều trị bệnh nhân SXH

Theo BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương), có những khái niệm cần phân biệt như sau:

Sốt là sự tăng nhiệt độ tạm thời của cơ thể (thường vượt quá 37,5 độ C). Sốt thường xảy ra khi cơ thể phản ứng với sự nhiễm khuẩn như virus cảm cúm hoặc cảm lạnh, viêm gây ra do tổn thương mô hoặc bệnh tật. Những yếu tố ngoại lai như môi trường (cảm nắng, thuốc hoặc hóa chất, nhiễm trùng (vi khuẩn, virus) cũng có thể gây sốt.

Sốt virus do nhiều căn nguyên virus gây ra (có tới hàng ngàn virus khác nhau). Người bệnh đột ngột sốt cao từng cơn thường từ 38-39 độ C, thậm chí 40-41 độ C kèm đau đầu. Sốt virus cũng có các biểu hiện giống viêm đường hô hấp trên như ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ… nên rất dễ nhầm lẫn. Ngoài ra, hạch vùng đầu, mặt, cổ bệnh nhân sưng to, ấn vào thấy đau. Một số trường hợp sốt virus có thể phát ban dưới da. Mắt bệnh nhân có thể đỏ, có dử, chảy nước mắt. Bệnh nhân thường buồn nôn.

Sốt xuất huyết thường diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt cao (3 ngày đầu), giai đoạn diễn tiến nặng (ngày thứ 4 đến ngày thứ 7), giai đoạn hồi phục. Sau 2-3 ngày sốt, bệnh nhân nổi mẩn, phát ban hoặc có hiện tượng chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, nôn ói hoặc đi ngoài ra máu...

Với SXH, trong giai đoạn sốt cao, chỉ có thể phân biệt với các sốt khác nhờ xét nghiệm. Các giai đoạn sau thì phân biệt nhờ xét nghiệm và diễn biến bệnh.

Điều đáng lưu ý là với sốt virus thông thường, khi lui sốt là bệnh đã lui. Còn với SXH thì khi lui sốt là bắt đầu bước vào giai đoạn biến chứng nguy hiểm, cần phải đến cơ sở y tế để khám, làm xét nghiệm hàng ngày để phát hiện sớm những biến chứng này để xử trí kịp thời.

"Riêng đối với trẻ em, nếu bố mẹ phát hiện con có những dấu hiệu như thay đổi tính cách, bồn chồn hoặc bị sốt cao, vật vã, li bì thì phải đến các cơ sở y tế ngay lập tức. Ngoài ra, những biểu hiện như trẻ nôn nhiều, kêu đau bụng thường xuyên, đi ngoài ra phân đen, đi tiểu ít, chảy máu chân răng hay chảy máu cam... thì nên đưa con đến viện ngay để điều trị. Trong quá trình điều trị cho trẻ, bố mẹ nên chú ý chế độ dinh dưỡng, nên cho trẻ bị bệnh chế độ ăn nhiều nước, loãng. Trẻ có thể dùng các loại nước oresol, nước hoa quả, nước dừa...", BS Cấp cho hay.

Bác sĩ Cấp cũng lưu ý, bệnh nhân khi mắc bệnh SXH thì cần tránh hai loại thuốc hạ sốt là Aspirin và Ibuprofen vì có khả năng gây xuất huyết trầm trọng hơn. Không nên lạm dụng kháng sinh để điều trị bệnh SXH vì kháng sinh không có hiệu quả đối với bệnh này.

Thảo Nguyên

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/xa-hoi/suc-khoe/chuyen-gia-chi-ca-ch-phan-bie-t-so-t-virus-va-so-t-xua-t-huye-t-221222.html