Chuyên gia chỉ cách bảo quản thực phẩm tránh ngộ độc

BSCKII. Đinh Quý Minh – Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu Nghị khuyến cáo người dân cần hết sức thận trọng trong việc chọn mua thực phẩm, cần có nguồn gốc rõ ràng cũng như thận trọng trong việc bảo quản, chế biến thực phẩm tránh bị ngộ độc thực phẩm.

Theo BS. Minh, ngộ độc thực phẩm có các triệu chứng phổ biến như: Sau ăn uống, xuất hiện các triệu chứng tiêu hóa như nôn, đau bụng, tiêu chảy, nếu điển hình thì sẽ có từ hai người trở lên cùng bị bệnh tương tự như nhau sau khi cùng ăn, uống một loại thực phẩm nghi ngờ, người không ăn thì không bị bệnh.

Để phòng tránh ngộ độc, BS. Minh tư vấn, người dân cần ăn chín, uống sôi; chọn thực phẩm tươi sống hoặc đông lạnh đúng yêu cầu, cần nhớ nguyên tắc tách riêng thực phẩm sống và chín, kể cả các dụng cụ chế biến, chứa đựng; rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

Cố gắng tính toán nấu xong ăn hết, nếu còn thừa thì đun lại ngay sau ăn (vì khi ăn có lẫn thêm các vi khuẩn từ ngoài vào, việc này người dân ta không ai biết), để nguội nhanh và sau đó bảo quản lạnh.

Không ăn các thức ăn ôi thiu vì dễ gây ngộ độc thực phẩm. Ảnh minh họa.

Không ăn các thức ăn ôi thiu vì dễ gây ngộ độc thực phẩm. Ảnh minh họa.

Cũng theo chuyên gia tiêu hóa, những người có sức đề kháng yếu do các bệnh nền mạn tính như đái tháo đường, các bệnh tự miễn, đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch (thuốc corticoid, thuốc chữa ung thư), người bị bệnh gan, suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng, người già, trẻ nhỏ… thì không nên ăn sống, đặc biệt thịt, cá sống, gỏi, hải sản sống, tiết canh. Vì nếu ăn vào thì dễ bị nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn thường nặng hơn và dễ tử vong hơn so với người khác.

Khi phát hiện các trường hợp nặng, phức tạp do ngộ độc như: sốt cao, đau bụng, nôn nhiều, tiêu chảy nhiều lần (phân có thể có nhầy hoạc kèm máu), chân tay lạnh, ý thức thức lơ mơ thì cần cho người bệnh nhập viện sớm.

Nếu người bệnh chỉ có các triệu chứng tiêu chảy đơn thuần thì chỉ cần cho uống dung dịch Oresol theo chỉ định (uống thay nước, cho hết khát và uống tiếp chừng nào còn tiêu chảy) hoặc nước khoáng, nước rau luộc pha muối, có thể dùng thêm smecta nếu người bệnh đi ngoài lỏng 4-5 lần/ngày kèm chế độ ăn hạn chế trứng và sữa.

Hương Thủy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-chi-cach-bao-quan-thuc-pham-tranh-ngo-doc-n181234.html