Chuyên gia châu Âu chia sẻ kinh nghiệm với doanh nghiệp thủy sản Việt

Ngoài những tiêu chuẩn bắt buộc như GlobalGAP, ASC, MSC, BRC (an toàn thực phẩm)… các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nên có một số chứng nhận tự nguyện khác như BAP (nuôi trồng thủy sản tốt), IFS (độ an toàn)…

TS. Siegfried Bank, chuyên gia Dự án EU-MUTRAP chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: VG{/Lê Anh

Đây là chia sẻ của TS. Siegfried Bank, chuyên gia Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên (EU-MUTRAP) tại Hội thảo “Yêu cầu chứng nhận đối với thủy sản xuất khẩu sang thị trường châu Âu” do Dự án EU-MUTRAP và Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (VIFEP) tổ chức ngày 7/10 tại TPHCM.

Theo TS. Siegfried Bank, Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường lớn, quan trọng đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những năm gần đây và dự báo sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng cho thủy sản Việt Nam trong những năm tới.

Tuy nhiên, EU có những yêu cầu đặc thù, quy định chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Để thúc đẩy hoạt động thương mại thủy sản giữa Việt Nam-EU, các doanh nghiệp Việt ngoài việc bảo đảm những tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn GlobalGAP, còn cần đạt thêm một số chứng nhận của các tổ chức phi Chính phủ khác để có thể mở rộng thị trường tại EU.

Theo chuyên gia Dự án EU-MUTRAP, người tiêu dùng tại châu Âu ngày càng có những yêu cầu cao hơn với sản phẩm thủy sản. Khi mua bất kỳ sản phẩm nào họ sẽ xem kỹ sản phẩm có an toàn không, có đáp ứng các vấn đề xã hội, môi trường và đạt những chứng nhận bắt buộc hay không…

Cụ thể, tại các quốc gia như Pháp, Đức, Anh, hàng thủy sản chủ yếu được bán thông qua hệ thống bán lẻ là siêu thị. Chính phủ các nước này sẽ yêu cầu siêu thị phân loại, chỉ ra những sản phẩm an toàn, sản phẩm hợp vệ sinh và sản phẩm nào người tiêu dùng nên tránh… Trong khi đó, các tổ chức phi chính phủ khác lại có hình thức đi đánh giá chất lượng của các siêu thị theo từng tuần. Họ sẽ chỉ ra siêu thị nào bán các sản phẩm an toàn cũng như siêu thị nào không đạt… Những áp lực nói trên buộc các siêu thị phải gây áp lực ngược lại cho người bán, yêu cầu người bán phải đáp ứng các tiêu chí mà siêu thị đưa ra.

Chính vì vậy, TS. Siegfried Bank cho rằng, khi xuất khẩu vào EU, ngoài những tiêu chuẩn bắt buộc như GlobalGAP, ASC (nhãn của người tiêu dùng), MSC (thân thiện với đại dương), BRC (an toàn thực phẩm)… các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nên có một số chứng nhận tự nguyện khác như BAP (nuôi trồng thủy sản tốt), IFS (độ an toàn)… Khi doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn này, chắc chắn việc thâm nhập thị trường EU sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Chuyên gia Dự án EU-MUTRAP cũng đưa ra lời khuyên cho các DN xuất khẩu Việt Nam đó là định hướng theo các tiêu chuẩn tự nguyện khi làm việc với khách hàng. Nếu đã nhất trí các tiêu chuẩn đó thì hãy giữ đúng cam kết, nếu có vấn đề xảy ra, cần thông báo trước tới các khách hàng.

Bên cạnh đó, hiện nay, giá trị sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào EU ngày càng có xu hướng tăng nhanh hơn so với khối lượng. Chính vì vậy, các DN Việt Nam cần tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm vào thị trường này, không vì chạy theo số lượng mà ảnh hưởng tới chất lượng.

Lê Anh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thi-truong/chuyen-gia-chau-au-chia-se-kinh-nghiem-voi-doanh-nghiep-thuy-san-viet/288483.vgp