Chuyên gia cảnh báo virus corona 'bùng nổ' ở Hàn Quốc

Nhiều chuyên gia tuần qua nhận định tình hình lây lan virus corona tại Hàn Quốc vẫn còn cách xa đỉnh dịch và số ca nhiễm trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng.

"Hàn Quốc đã qua khỏi thời điểm mà một mình chính phủ hoặc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) có thể tự khống chế dịch. Cần có hành động toàn xã hội. Mọi người buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn do cơ quan y tế đặt ra", Kim Dong Hyun, Chủ tịch Hội Dịch tễ học, chuyên gia y tế dự phòng tại Khoa Y Đại học Hallym, nhận định.

Trong khi đó, Peck Kyong Ran, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Samsung, lãnh đạo Hội Bệnh Truyền nhiễm Hàn Quốc, quan ngại trước số ca nhiễm không phát hiện liên kết dịch tễ học đang tăng ở mức báo động. Điều này cho thấy người dân có nguy cơ mắc bệnh dù không đến những khu vực rủi ro lây nhiễm cao hoặc tiếp xúc với người nghi nhiễm bệnh.

"Yêu cầu người dân hủy mọi cuộc gặp hoặc tụ tập không cần thiết là một vấn đề cấp bách. Nếu được thì mọi người cứ ở nhà, ít nhất là cho đến khi tỷ lệ nhiễm bắt đầu giảm", bà Peck nhận định.

 Biển quảng cáo điện tử tại Seoul cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh và khuyến cáo các biện pháp tự phòng ngừa lây nhiễm. Ảnh: AP.

Biển quảng cáo điện tử tại Seoul cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh và khuyến cáo các biện pháp tự phòng ngừa lây nhiễm. Ảnh: AP.

Cần điều chỉnh chiến lược

Trong một tháng kể từ khi Hàn Quốc phát hiện người đầu tiên dương tính với virus corona, biện pháp ứng phó được áp dụng là cô lập người nhiễm trong các phòng cách ly áp lực âm, ngăn lây lan mầm bệnh qua hệ thống thông khí. Giới chức chính phủ đồng thời truy tìm những liên kết với bệnh nhân.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định mô hình ứng phó này không còn khả thi khi số ca nhiễm tăng đột biến trên khắp Hàn Quốc những ngày qua. Tổng số ca nhiễm tại Hàn Quốc tính đến sáng 24/2 lên đến 763. Nước này cũng ghi nhận ít nhất 7 trường hợp tử vong vì dịch bệnh. Lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ, Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo dịch bệnh lên cấp độ cao nhất.

"Cần điều chỉnh chiến lược từ khống chế sang giảm thiểu thiệt hại vì trong giai đoạn này truyền nhiễm cộng đồng là không thể tránh khỏi", Choi Won Seok, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Khoa Y Đại học Hàn Quốc, nhận định.

Ông Choi giải thích chiến lược "giảm thiểu" nhắm đến làm giảm tốc độ phát triển của bùng phát dịch bệnh. Từ đó, chính phủ và nhân viên y tế có thể tăng tốc ứng phó.

Paik Jin Hui, Phó giám đốc Trung tâm Y tế khẩn cấp tại Bệnh viện Đại học Inha, nhận định các cơ sở y tế ở Hàn Quốc đang gặp vấn đề về thiếu hụt nhân sự và nguồn lực.

"Dịch bệnh mới bùng phát chỉ 1 tháng. Thế nhưng các bệnh viện sắp hết chỗ tiếp nhận bệnh nhân có triệu chứng về bệnh hô hấp hoặc sốt cao. Những người này cần được tách riêng khỏi nhóm bệnh nhân khác", ông Paik chia sẻ.

"Các bác sĩ bày tỏ lo ngại bệnh nhân với các vấn đề sức khỏe khác có thể không được quan tâm vì nguồn lực y tế đang được tập trung ứng phó đại dịch", ông nói.

"Bốn trung tâm cấp cứu đã đóng cửa ở Daegu. Bệnh nhân buộc phải di chuyển xa hơn để tìm bệnh viện, mở ra nguy cơ lây nhiễm virus cho người khác đồng thời không nhận được hỗ trợ y tế ngay lập tức như họ đang cần", ông Paik cho biết.

Nhân viên y tế Hàn Quốc phun thuốc khử trùng tại một ngôi chợ ở thành phố Daegu. Ảnh: AP.

Người dân cần ý thức tự cách ly

Theo Song Joon Young, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Hàn Quốc ở Guro, phía tây nam Seoul, tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc đang không đủ giường cho bệnh nhân. Những người có triệu chứng nhẹ có thể phải tự cách ly tại nhà.

"Đây là lý do những biện pháp phòng ngừa không chuyên khoa như rửa tay và đeo khẩu trang rất quan trọng. Nếu hệ thống chăm sóc y tế quá tải và sụp đổ, chúng ta không thể làm thêm gì nữa", Song cảnh báo.

"Với cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang đối diện, không thể chấp nhận những hành vi cá nhân lệch khỏi quy chuẩn khuyến nghị", Ki Moran, Chủ tịch ủy ban ứng phó khẩn cấp của Hội Y tế Dự phòng Hàn Quốc, nhấn mạnh.

Bà kêu gọi bất kỳ ai xuất hiện triệu chứng như nhiễm cúm cần hạn chế ra đường, đặc biệt là những người trên 65 tuổi và người đã gặp những vấn đề sức khỏe khác. Các hiệp hội y khoa tại Hàn Quốc đã đề nghị chính phủ cho phép sinh viên học sinh không đến trường và người lao động được nghỉ phép nếu họ xuất hiện triệu chứng dù nặng hay nhẹ.

Những hiệp hội y khoa cũng khuyến cáo người dân giữ vệ sinh, rửa tay, che miệng khi ho; khử trùng những đồ vật và bề mặt họ thường xuyên tiếp xúc; giữ nhà cửa thông thoáng; hạn chế gặp gỡ hoặc hội họp đông người; người cao tuổi và những ai có hệ miễn dịch yếu cần hạn chế ra đường.

"Chúng ta chỉ đang chứng kiến giai đoạn khởi đầu của lây nhiễm toàn quốc. Ít ra những biện pháp trên có thể giúp chúng ta giảm thiểu rủi ro", ông Kim nhấn mạnh ý thức phòng bệnh ở từng cá nhân có thể mang lại hiệu quả cao hơn hành động từ chính phủ.

"Trong những giai đoạn đầu của bệnh khi triệu chứng không thể hiện rõ, nhưng cũng là thời điểm có khả năng lây nhiễm cao nhất, bạn thậm chí có thể không nhận ra mình đã nhiễm thì làm sao nhận ra được người khác có bệnh", ông Kim Dong Hyun cảnh báo.

"Giữ vệ sinh và hạn chế tiếp xúc bên ngoài chính là chìa khóa", ông nhấn mạnh.

Trường học vắng tanh, siêu thị 'cháy' mì gói ở Hàn Quốc giữa mùa dịch Tô Tôn Thành, du học sinh tại thành phố Daejeon, Hàn Quốc, cho biết người dân cũng như sinh viên Việt Nam tại đây khá hoang mang và cảm thấy dịch Covid-19 "đang tới rất gần".

Thanh Danh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chuyen-gia-canh-bao-virus-corona-bung-no-o-han-quoc-post1050935.html