Chuyên gia cảnh báo: Đừng chủ quan với dịch COVID-19!

Việc tiêm vaccine cần được tiếp tục, ưu tiên cho nhân viên y tế, người có bệnh lý nền, trẻ em, người cao tuổi.

Tại Hội nghị trực tuyến đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 và tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh diễn ra sáng 2-8, các chuyên gia đã cảnh báo về tình hình gia tăng ca nhiêm COVID thời gian gần đây.

Theo PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng số ca mắc tăng trở lại có thể liên quan tới biến chủng BA.4, BA.5 và do người dân chủ quan, lơ là thực hiện phòng bệnh khi cuộc sống dần trở lại bình thường. Họ không đeo khẩu trang, người có triệu chứng bệnh không cách ly, không xét nghiệm...

PLO ghi nhận ý kiến của hai chuyên gia cảnh báo về tình hình này.

Nhân viên y tế phường Đa kao quận 1 tiêm Vaccine mũi bổ sung cho người dân. Ảnh: Hoàng Lan

Nhân viên y tế phường Đa kao quận 1 tiêm Vaccine mũi bổ sung cho người dân. Ảnh: Hoàng Lan

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Trường Đại học Y dược TP.HCM:

Tùy thuộc tỉ lệ tiêm chủng của người dân

Dịch COVID-19 có khả năng sẽ có nhiều đợt bùng phát nhỏ tùy theo mức độ. Với biến chủng phụ BA.4 và BA.5, nhiều nước trên thế giới đã có những đợt bùng phát, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Việc bùng phát COVID-19 tùy thuộc vào tỉ lệ tiêm chủng của người dân. Ở Việt Nam, tỉ lệ tiêm chủng của người dân tương đối cao nên tỉ lệ bệnh có khả năng thấp hơn các quốc gia khác. Tuy nhiên, mức độ bùng phát dịch sẽ thay đổi tùy theo tỉ lệ tiêm chủng, nếu người dân tích cực tiêm chủng thì tỉ lệ sẽ được kéo giảm xuống nữa.

Tiếc là nhiều người dân, thậm chí có cả nhân viên y tế còn chưa tiêm chủng đầy đủ. Nếu đối tượng người cao tuổi hoặc có bệnh nền thì khi mắc bệnh mà chưa tiêm chủng sẽ mắc bệnh nặng. 90% các nghiên cứu vaccine có hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm đặc biệt trên người cao tuổi.

Ngoài ra, hiện đang tồn tại suy nghĩ từng mắc COVID-19 và có triệu chứng nhẹ thì mắc lại cũng không nặng. Đây là quan niệm sai lầm.

Trước đây, những người này vừa mới tiêm ngừa được 2, 3 tháng thì mắc bệnh, lúc đó kháng thể vẫn còn nên nếu có mắc bệnh cũng nhẹ, giờ ỷ y không tiêm lại, kháng thể sẽ xuống dần, nếu mắc bệnh thì với biến chủng mới và sức khỏe của cơ thể khác trước thì sẽ không giống lần trước. Mặc dù lần mắc COVID-19 thường là bệnh nhẹ hơn nhưng cũng chưa chắc chắn tất cả sẽ nhẹ hơn. Bên cạnh đó, việc tiêm vaccine cũng giúp kháng thể trung hòa virus, giảm số virus nhân lên khiến bệnh sẽ nhẹ hơn hoặc ít lây bệnh cho người khác hơn.

Do đó, những người trẻ tuổi cũng nên tiêm nhắc lại vaccine (mũi 3). Còn các đối tượng như người có bệnh lý nền và người cao tuổi, gia đình có nhân viên y tế nên tiêm nhắc lại mũi 3 và mũi 4 để tăng kháng thể bảo vệ và giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Về biện pháp bảo vệ trước COVID-19, bên cạnh việc tiêm vaccine, không có gì khác biệt, lý tưởng nhất vẫn là thực hiện theo nguyên tắc 5K còn không thì ít nhất là 2K gồm khẩu trang và khử khuẩn.

Hiện tại, người dân đang có biểu hiện chủ quan và lơ là với 2K nên có khả năng dịch sẽ dễ lây lan hơn là điều chắc chắn.

Ngoài ra, biện pháp test COVID-19 không còn bắt buộc đối với những người có triệu chứng, do đó những người nghi ngờ mắc COVID-19 nên chủ động test để phân biệt COVID-19 và các bệnh lý khác như cúm. Nếu test biết mắc COVID-19 thì khi có triệu chứng nặng cũng dễ xử lý hơn vì biết nguyên nhân.

TS-BS Lê Quốc Hùng, trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy:

Cách tốt nhất vẫn là đừng mắc bệnh

Thế giới đang có số ca mắc COVID-19 tăng nhiều từ tháng 7, trung bình mỗi ngày có cả triệu ca trên toàn thế giới, và một tuần có khoảng 3.000 ca tử vong.

Một số nước tiên tiến đặc biệt là các nước châu Âu có biểu hiện quá tải bệnh nhân nhập viện mặc dù chưa phải đến mùa đông, thời điểm thuận lợi cho virus gây bệnh COVID-19 phát triển.

Biến chủng mới và người nhiễm bệnh ngày càng nhiều đã tạo điều kiện cho biến chủng mới phát triển và né kháng thể của vaccine nên hiện việc sử dụng vaccine để khống chế dịch vẫn là chưa đủ và quan trọng nhất.

Tại Việt Nam, đợt dịch cao trào rơi vào thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm ngoái và đến tháng 11, số ca mắc tích lũy rất nhiều. Đến tháng 2-2022, nước ta cơ bản phủ chích ngừa vaccine và tiếp tục tiêm mũi 3, cùng với số người đã nhiễm bệnh sẽ có trên 75% người có kháng thể, tạo nên miễn dịch cộng đồng khá tốt. Do đó, số ca nhiễm bệnh đã giảm đi.

Tuy nhiên, hiệu quả vaccine và người từng mắc bệnh có kháng thể bảo vệ được khoảng 6 tháng, do vậy từ tháng 2 đến tháng 8 năm nay, miễn dịch cộng đồng vẫn còn khá tốt. Sau đó, khả năng miễn dịch sẽ giảm đi, cùng với việc biến chủng mới có khả năng né tránh các loại kháng thể của vaccine; kháng thể của người nhiễm bệnh lần trước giảm nhiều; người dân đang không ủng hộ tiêm ngừa thêm nữa và mọi sinh hoạt đã dần trở lại bình thường, mỗi cá nhân không còn ý thức phòng tránh dịch sẽ dẫn đến khả năng mắc bệnh cao hơn.

Tiên lượng tháng 9, tháng 10 năm nay khả năng sẽ có đợt nhiễm bệnh cao trở lại, thực tế, lượng bệnh trên toàn quốc cũng đang gia tăng.

Hiện thế giới chưa có kinh nghiệm rõ ràng về mức độ tránh kháng thể của virus, liệu số người mắc gia tăng lại có khả năng làm cho virus tiếp tục biến chủng không, biến chủng mới liệu có độc lực cao hơn không, nếu cao hơn thì bệnh sẽ tiếp tục gây hại và trả giá bằng tính mạng.

Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng sẽ ảnh hưởng khi phải mất chi phí chữa trị.

Cuối cùng, một vấn đề đáng lo ngại nữa là hiện khoa học vẫn chưa biết hoàn toàn về hậu quả của COVID-19 gây ra.

Có hơn 200 triệu chứng hậu COVID-19 đã được ghi nhận kể cả ở các bệnh nhân từng mắc bệnh nhẹ. Liệu sẽ còn tiếp tục những bệnh nào do COVID-19 gây ra ảnh hưởng sức khỏe mà giới khoa học chưa tìm ra? Khi đó, sức khỏe của cả cộng đồng sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, cách tốt nhất vẫn là đừng mắc bệnh.

Và, việc tiêm vaccine cần được tiếp tục, ưu tiên cho nhân viên y tế, người có bệnh lý nền, trẻ em, người cao tuổi.

HOÀNG LAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-gia-canh-bao-dung-chu-quan-voi-dich-covid-19-post692107.html