Chuyên gia cảnh báo: Bỏ qua 'giờ vàng', bệnh nhân cấp cứu dễ tử vong

'Cấp cứu thì thời điểm điều trị rất quan trọng, nếu không bệnh nhân sẽ tử vong. Do đó người dân, đặc biệt là cán bộ y tế cần nhận biết, chẩn đoán chính xác tình trạng của bệnh nhân cấp cứu để điều trị đúng giờ vàng'.

PGS.TS Nguyễn Đạt Anh, Chủ tịch Phân hội Cấp cứu Việt Nam, Trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết thông tin trên tại buổi họp báo giới thiệu về Hội nghị quốc tế về y học cấp cứu năm 2018 với chủ đề “Giờ vàng trong cấp cứu bệnh nhân nặng” diễn ra chiều 7/11 tại Ninh Bình. Hội nghị do Bệnh viện Bạch Mai, Phân hội Cấp cứu Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Cấp cứu quốc tế, trường Đại học Y Hà Nội tổ chức, diễn ra từ ngày 6 tới 9/11, tại Ninh Bình.

PGS.TS Nguyễn Đạt Anh phát biểu tại buổi họp báo

Theo PGS.TS Nguyễn Đạt Anh, giờ vàng có thể là vài tiếng đầu, thậm chí là vài chục phút đầu, tùy theo từng thể bệnh mà người trong cuộc mắc. Để đánh giá cụ thể từng trường hợp, chỉ cán bộ y tế mới có thể chẩn đoán chính xác. Vì thế, y, bác sĩ cần được đào tạo, nâng cao kiến thức về nhận biết khung giờ vàng trong điều trị, nếu không bệnh nhân sẽ khó có cơ hội được cứu sống. Ví dụ, nếu bác sĩ không đánh giá đúng bệnh nhân đột quỵ, sẽ bỏ qua giờ vàng để điều trị đúng thời điểm và bệnh nhân dễ tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề.

Với bệnh nhân đột quỵ não, nếu được cấp cứu, điều trị đúng thời điểm giờ vàng (3 - 4,5 giờ đầu sau khi được phát hiện các dấu hiệu đầu thì khả năng cứu sống cũng như hạn chế di chứng rất cao. Tuy nhiên trên thực tế ,mới chỉ có khoảng 5% bệnh nhân đột quỵ được chuyển đến cơ sở y tế sớm.

PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó Chủ tịch Phân hội Cấp cứu Việt Nam cho biết, khái niệm “giờ vàng” đã được sử dụng nhiều trong tình huống cấp cứu như đột quỵ não cấp, hội chứng vành cấp, sốc nhiễm khuẩn và cấp cứu chấn thương thảm họa... Tuy nhiên, nguyên tắc cơ bản để đạt được thành công này là tính thời điểm của các can thiệp.

Bệnh nhân cấp cứu được điều trị trong giờ vàng, tỉ lệ thành công sẽ cao hơn

Nhận thức được tầm quan trọng của giờ vàng trong điều trị bệnh nhân cấp cứu, Phân hội Cấp cứu Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình đào tạo, tập huấn cho bác sĩ, điều dưỡng, các kiến chức cơ bản về cấp cứu.

Trong khuôn khổ của hội nghị trên, các chuyên gia trong nước và quốc tế tổ chức đào tạo về cấp cứu cho gần 700 cán bộ y tế, nhằm giúp y, bác sĩ cập nhật thêm những kiến thức chẩn đoán giờ vàng khi tiếp nhận bệnh nhân. Từ đó, đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, nhằm cứu sống người bệnh, hạn chế phải chuyển tuyến và giảm tải cho tuyến trên.

“Cùng hoạt động trên chúng tôi còn kết nối với các trung tâm 115 để tập huấn, nhằm giúp cán bộ y tế nhận biết dấu hiệu khi tiếp cận người bệnh, để đưa bệnh nhân đến đúng cơ sở y tế cần đến. Điều này sẽ đóng góp to lớn vào thành công trong điều trị và cứu sống bệnh nhân”, PGS.TS Nguyễn Đạt Anh cho biết.

Hội nghị quốc tế về y học cấp cứu năm 2018 có gần 1.500 đại biểu trong nước và quốc tế (trong đó có 700 học viên tham gia các lớp đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực cấp cứu) tham gia. Đặc biệt tại hội nghị, sẽ có hơn 60 báo cáo được trình bày bởi các chuyên gia về cấp cứu đến từ nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Ý, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... tập trung những nội dung chuyên sâu như: Giờ vàng trong chăm sóc trước viện, giờ vàng trong thảm họa y học, chăm sóc chấn thương, chăm sóc hô hấp, siêu âm, xét nghiệm cấp cứu…

Minh Đức

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/chuyen-gia-canh-bao-bo-qua-gio-vang-benh-nhan-cap-cuu-de-tu-vong-post51016.html