Chuyên gia: Cải cách Hiến pháp không phải để Putin thâu tóm quyền lực mà nhằm củng cố nước Nga

Theo chuyên gia, đằng sau kế hoạch thay đổi Hiến pháp là mục tiêu đảm bảo tính liên tục của chính quyền và tổ chức lại hệ thống nhà nước giúp tiếp tục đối phó với những nhiệm vụ trong tương lai.

Sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố về những thay đổi Hiến pháp sắp xảy ra ở Nga, các nhà phân tích bắt đầu tranh luận gay gắt về cách nhà lãnh đạo Nga có thể nắm quyền lực trong tay sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2024 - chuyên gia phân tích của tờ Australian, Elizabeth Buchanan, viết.

Theo bà Buchanan, “Tam vị” của ông Putin là sự ổn định, tin tưởng và an ninh – những yếu tố làm nền tảng cho kế hoạch của ông để duy trì tính liên tục của chính quyền. Nếu phân tích những thay đổi được Tổng thống Nga vạch ra, tuân theo những nguyên tắc này, sẽ thấy rõ mục tiêu cuối cùng của ông không phải là tập trung quyền lực vào tay mình hay củng cố sự cai trị chuyên quyền.

Những cải cách Hiến pháp của ông Putin là để củng cố nước Nga? (Ảnh: Reuters)

Những cải cách Hiến pháp của ông Putin là để củng cố nước Nga? (Ảnh: Reuters)

Theo chuyên gia, sẽ thật đơn giản để nghĩ rằng ông Putin có ý định trở thành nhà lãnh đạo trọn đời. Tuy nhiên, cải cách của ông có ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều: đó là những biện pháp quy mô lớn để bảo vệ hệ thống mà ông đã xây dựng. Đây không phải là toan tính thâu tóm quyền lực, mà là một nỗ lực củng cố nước Nga và đưa nó phù hợp với những yêu cầu của tương lai.

Có kiến thức sâu rộng về lịch sử và tôn trọng những bài học đã rút ra, ông Putin hiểu rằng, việc chuyển giao quyền lực ở Nga thông thường sẽ bị biến thành sự hỗn loạn. Các sửa đổi Hiến pháp chính xác là nhằm mục đích đảm bảo sự ổn định và an ninh của hệ thống sẽ tiếp tục phục vụ đất nước trong nhiều năm sau khi ông Putin rời đi.

Đó cũng là vấn đề bảo tồn những gì ông có thể đạt được với tư cách là Tổng thống và bảo vệ chúng khỏi những tàn tích của đất nước. Trong các cuốn sách lịch sử, ông Putin muốn mình vẫn là một nhà lãnh đạo trong trạng thái làm cách mạng liên tục và đưa nước Nga đến một hệ thống chính phủ ổn định.

Bà Buchanan thừa nhận rằng, nhiều người sẽ thấy trong các thay đổi được công bố có bằng chứng cho thấy ông Putin muốn “củng cố chế độ của mình”, mặc dù trên thực tế, những thay đổi này là một bước để tự do hóa mô hình chính phủ.

Theo đó, chúng ta sẽ thấy cách Tổng thống, bằng chính đôi tay của mình, loại bỏ chiều dọc của chính quyền mà ông đã giới thiệu và phát triển từ năm 2000. Quyền lực sẽ không còn nằm trong tay Tổng thống, mà sẽ được phân phối giữa Quốc hội, Thủ tướng và Hội đồng Nhà nước.

Bên cạnh đó, một người sẽ không còn được giữ chức Tổng thống quá hai nhiệm kỳ: sẽ không còn Putin hay sự hoán đổi Putin-Medvedev, và cựu Thủ tướng sẽ có thể đứng ở vị trí lãnh đạo đất nước chỉ thêm một nhiệm kỳ nữa.

Tổng thống sẽ mất quyền bổ nhiệm Thủ tướng – bây giờ Quốc hội sẽ làm điều đó. Để hạn chế ảnh hưởng của nước ngoài đến các tổ chức nhà nước, những người có hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy phép cư trú từ các quốc gia khác sẽ trở thành các ứng cử viên bị cấm. Điều này sẽ gạt ông Navalnyy, người từng sống ở Mỹ trong thời gian học tại Đại học Yale, ra khỏi cuộc đua tổng thống.

Ông Putin là bậc thầy trong việc tiến hành điều động chính trị bằng cách lên kế hoạch cho tính kế thừa của chính quyền - chuyên gia viết. Cộng đồng quốc tế đã bị phân tâm bởi những kỳ vọng vào ông Putin, trong khi ông thực sự đang tổ chức lại các tổ chức Nhà nước. Nếu ông Putin thành công trong việc chuẩn bị hệ thống cho các yêu cầu của tương lai, ông ấy sẽ có thể rút lui (mặc dù không hoàn toàn rời đi) và cho phép nó phát triển độc lập.

Ông Putin vẫn sẽ còn cơ hội chỉ đạo hệ thống và can thiệp để đưa nó trở lại đúng hướng – với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước hoặc Hội đồng Liên bang. Tất cả vẫn đang chỉ là suy đoán. Câu trả lời nằm ở những thay đổi Hiến pháp ở quy mô lớn, nhưng vẫn còn khá mơ hồ.

Rõ ràng là tại Nga đang có sự lên kế hoạch cho tính kế thừa của các vị trí lãnh đạo. Tuy nhiên, chúng ta không biết bước đi tiếp theo của ông Putin sẽ là gì, bởi hiện ông chưa làm điều đó. Và, tất nhiên, đây là một phần trong kế hoạch của ông ấy” - chuyên gia của Australian kết luận.

Văn Đức (Nguồn: Australian)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thoi-su-quoc-te/chuyen-gia-cai-cach-hien-phap-khong-phai-de-putin-thau-tom-quyen-luc-ma-nham-cung-co-nuoc-nga-ar523316.html