Chuyên gia bình luận về mối quan hệ 'trắc trở' giữa Nga và phương Tây

Ông Vladimir Putin khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống Nga đã sẵn sàng xích lại gần và hợp tác chặt chẽ với châu Âu, và thậm chí sẵn sàng thảo luận về việc Nga tham gia NATO, nhưng châu Âu đã quay lưng với ông và nước Nga.

Tuyên bố trên được ông Horst Telchik, cựu cố vấn an ninh và chính sách đối ngoại dưới thời cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl đưa ra trong cuộc phỏng vấn với tờ Der Spiegel (Đức).

Châu Âu đã “phản bội” Nga vào đầu thế kỷ XXI?

Châu Âu đã “phản bội” Nga vào đầu thế kỷ XXI?

Ông Horst Telchik nhấn mạnh Tổng thống Nga Putin khi đó rất lo lắng về các vấn đề chính trị và an ninh chung của châu Âu, thậm chí sẵn sàng thảo luận về việc Nga tham gia NATO, nhưng châu Âu từ chối hợp tác với Nga.

Ông Telchik cho rằng một trong những yếu tố quan trọng khiến quan hệ giữa các nước phương Tây và Nga xấu đi là lời của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, rằng Nga là "một cường quốc khu vực".

Ông nói thêm: “Putin không phải là kẻ thù của châu Âu. Ở phương Tây, người ta thích chỉ tay đe dọa, giới truyền thông phác họa Putin là một nhân vật phản diện mạnh mẽ, có khả năng làm bất cứ điều gì. Châu Âu đã tự quay lưng với Nga”.

Ngoài ra, ông Telchik chỉ trích các quốc gia phương Tây về lập trường của họ đối với cuộc xung đột nội bộ Ukraine. Theo ông, phương Tây cần không chỉ suy nghĩ về việc đưa Ukraine vào EU và NATO, mà còn về mối quan hệ với Nga.

“Có thể thảo luận về khả năng thành lập một khu vực thương mại tự do toàn châu Âu, nhưng Brussels không làm gì cả”, ông Telchik phàn nàn, bây giờ chính hành động của NATO đang làm xấu đi tình hình bằng cách thực hiện các chuyến bay huấn luyện và trinh sát về phía biên giới Nga.

Tổng thống Nga Putin

Đánh giá nhận xét của chính khách Đức về sai lầm của châu Âu trong quan hệ với Nga, ông Vladimir Olenchenko, chuyên viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu châu Âu của Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga bình luận, hồi đầu những năm 2000 Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có tâm thế xích lại gần với châu Âu.

Ông Olenchenko nhận xét: "Nhìn lại lịch sử luôn là việc hữu ích, đặc biệt là trong trường hợp này. Ngày nay các phương tiện truyền thông phương Tây phát tán 'những câu chuyện kinh dị' về nước Nga. Quả thực, vào những năm 2000, khi Nga cố gắng tăng cường hợp tác, thì khi đó lý thuyết về an ninh chung không chia cắt đã ra đời. Chúng tôi tích cực thúc đẩy việc áp dụng lý thuyết này. Tuy nhiên từ phía EU không có sự đồng thuận".

Theo ông Olenchenko, việc các nước châu Âu bắt đầu suy xét lại lịch sử tạo ra cơ hội để nhận định đổ vỡ nằm đâu, từ đó tiến hành "một số chỉnh sửa" nhất định.

Chuyên gia này kết luận: "Để thực hiện chỉnh sửa, cần tiến hành phân tích một cách vô tư không định kiến. Nếu các nhà lãnh đạo ngày nay có đủ ý chí và nghiên cứu sâu sắc, họ sẽ dễ dàng hiểu ra được rằng cần sửa chữa những lỗi lầm đã xảy ra hồi những năm 2000".

Trí Dũng (Lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/chuyen-gia-binh-luan-ve-moi-quan-he-trac-tro-giua-nga-va-phuong-tay-post293040.info