Chuyên gia 'bắt bệnh' tham nhũng

Tham nhũng không chỉ nằm bó hẹp trong một quốc gia mà đã và đang trở thành vấn nạn toàn cầu.

Tham nhũng không chỉ nằm bó hẹp trong một Quốc gia mà đã và đang trở thành vấn nạn toàn cầu. Tác hại của nó dẫn đến những bất ổn xã hội, kìm hãm sự phát triển của mỗi Quốc gia, vì thế Liên Hiệp Quốc đã lấy ngày 9/12 là Ngày quốc tế chống tham nhũng.

Để góp phần vào việc phòng chống, đẩy lùi, hạn chế tham nhũng tại Việt Nam, cũng như góp phần vào Ngày Quốc tế chống tham nhũng, Pháp luật Plus đã có cuộc phỏng vấn một số chuyên gia pháp lý, ĐBQH và người dân về vấn đề mà cả thể giới đều quan tâm.

PGS-TS Phùng Trung Tập, Giảng viên cao cấp Đại học Luật Hà Nội.

PGS-TS Phùng Trung Tập, Giảng viên cao cấp Đại học Luật Hà Nội.

Theo PGS-TS Phùng Trung Tập: “Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã điều chỉnh tương đối đầy đủ về chủ thể, hành vi tham nhũng và các cơ chế pháp lý phòng ngừa, hạn chế, ngăn chặn, trừng trị đối với cá nhân có hành vi tham nhũng.

Muốn hạn chế tham nhũng thì trước hết cần quan tâm đến công tác cán bộ. Lựa chọn những người có tâm và có tầm đảm nhiệm những cương vị phù hợp.

Cơ chế bổ nhiệm cán bộ cần phải quan tâm hàng đầu để loại bỏ những kẻ cơ hội, bè phái ra khỏi bộ máy công quyền.

Phải minh bạch và công khai hóa những nguồn ngân sách các ngành, các cấp và kiểm tra hiệu quả chi tiêu và hoạt động trong lĩnh vực được giao.

Truy tìm nguồn gốc tài sản và phải khẳng định những tài sản có được của cá nhân tham nhũng nếu không chứng minh được căn cứ xác lập quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo quy định tại các Điều 221 đến Điều 236 Bộ Luật dân sự năm 2015, thì những tài sản không chứng minh được phải được xác định là tài sản tham nhũng.

Xác định căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản phải dựa trên căn cứ pháp luật quy định, không thể theo một quan điểm nào hay một văn bản của một cơ quan nào?

Phải thực hiện tốt cương lĩnh và xác định rõ bản chất của chế độ, của Nhà nước ta là: “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”;

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” cho nên cần phải minh bạch mọi vấn đề của Nhà nước để dân được biết.

Khái niệm “Bí mật” quốc gia cần phải xác định cụ thể hơn để tránh áp dụng sai hoặc bị lạm dụng có lợi cho một nhóm người có chức, có quyền!

"Nên nhớ rằng, mọi việc thiếu công khai, minh bạch đều là mầm mống của tội phạm, tham nhũng trong một chính thể quốc gia"- PGS-TS Phùng Trung Tập nêu.

ĐBQH Lê Thanh Vân trả lời phỏng vấn Pháp luật Plus.

ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nêu quan điểm: “Tham nhũng là do con người gây ra. Chống tham nhũng mà gốc rễ chính là kiểm soát tốt chất lượng cán bộ”.

Ông Vũ Việt Hùng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ 1A- VKSNDTC.

Ông Vũ Việt Hùng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ 1A- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng: “Việc phòng chống tham nhũng cần xử lý tốt hai vấn đề, quản lý con người và quản lý tốt về việc chi tiêu tiền mặt, hạn chế chi tiêu tiền mặt.

Về mặt pháp lý, Việt Nam đã có Luật phòng chống tham nhũng, vấn đề là phải xử lý nghiêm bằng việc phải khẩn trương, kịp thời điều tra, truy tố, xét xử, tránh kéo dài điều tra.

Vì điều tra kéo dài vụ việc sẽ bị “gọt giũa” hoặc bị tác động bởi nhiều yếu tố, như có thể bị “chìm xuồng”, trong hành trình chống tham nhũng lại nảy sinh tham nhũng.

Hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống tham nhũng, cũng như tinh thần tích cực chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, tôi tin vấn nạn tham nhũng tại Việt Nam chắc chắn sẽ được khống chế, giảm thiểu rất nhiều”.

Chị Nguyễn Thị Thơm, đại diện cho nhiều người dân ở Thủy Nguyên cho rằng: "Chống tham nhũng là một trong những việc khó khăn.

Thế nhưng, nếu mọi việc được công khai, minh bạch thì vấn nạn tham nhũng sẽ giảm hoặc những cán bộ có chức vụ không dám, không thể tham nhũng".

Dư luận cho rằng, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai là vô cùng lớn, vì thế khi chính quyền, các ban ngành giải quyết cần công khai minh bạch để người dân nắm rõ, đồng thời hạn chế được tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.

Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam

Lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Việt Nam, kể từ thời điểm năm 2016, một số lượng lớn các quan chức cấp cao bị truy tố, điều tra, xét xử trong chiến dịch phòng, chống tham nhũng dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống tham nhũng, cũng như tinh thần tích cực chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Việt Nam đã làm sáng tỏ và đưa ra xét xử hàng loạt “quan lớn” trong đó có cả cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Phó Thủ tướng lẫn cựu Bộ trưởng.

Điển hình như trường hợp của cựu Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, cựu Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh hay hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn… được dư luận đánh giá cao./.

Ly Ly

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/chuyen-gia-bat-benh-tham-nhung-d142503.html