Chuyện gì sẽ xảy ra khi tiêm kích J-10C Trung Quốc đối đầu F-22A Raptor Mỹ?

Tiêm kích J-10C được Trung Quốc tự tin cho rằng đủ sức đối đầu F-22A Raptor của Mỹ, nhưng sự thực thì sao?

Tiêm kích J-10C hiện đã hoàn thành các bài thử nghiệm và được chấp nhận đưa vào biên chế trong Không quân Trung Quốc (PLAAF), nó đang được sản xuất khẩn trương và dự kiến sẽ sớm đạt tới số lượng hàng trăm chiếc.

Tiêm kích J-10C hiện đã hoàn thành các bài thử nghiệm và được chấp nhận đưa vào biên chế trong Không quân Trung Quốc (PLAAF), nó đang được sản xuất khẩn trương và dự kiến sẽ sớm đạt tới số lượng hàng trăm chiếc.

So với các biến thể đời cũ, chiến đấu cơ hạng nhẹ tiên tiến J-10C có một số thay đổi đáng kể và khá dễ nhận biết ở khung thân mà cụ thể là ở phần đầu cũng như phần cánh đuôi.

J-10C đã tích hợp radar mảng pha quét chủ động (AESA) thế hệ mới nhất, động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều và cả thiết bị cảnh báo bị radar chiếu xạ ở bán cầu sau, mang lại tầm bao quát đủ 360 độ.

Truyền thông Trung Quốc tự tin khẳng định rằng J-10C đã vượt xa mọi tiêm kích hạng nhẹ cùng phân khúc do các cường quốc quân sự khác chế tạo, thậm chí tiệm cận tính năng với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.

Mặc dù vậy, đã có một báo cáo về năng lực tác chiến mà cụ thể ở đây là tỷ lệ sống sót nếu J-10C đối đầu trực diện với tiêm kích tàng hình F-22A Raptor của Không quân Mỹ. Theo đó, Trung Quốc chấp nhận thiệt hại 3 chiếc J-10C để đổi lấy 1 chiếc F-22A.

Sở dĩ có tỷ lệ trên do J-10C đã ứng dụng những thành tựu công nghệ mới nhất, diện tích phản xạ radar (RCS) bán cầu trước của nó chỉ còn 1 m2, tức là vượt xa con số cả chục m2 của các dòng J-11/15/16.

Bên cạnh đó, kết hợp hệ thống điện tử tối tân và khả năng siêu cơ động của động cơ kiểm soát lực đẩy vector 3 chiều (3D TVC) khiến nó không thua thiệt quá nhiều khi gặp phải F-22A.

Trang Sina cho rằng RCS thực sự của F-22A chỉ thấp hơn J-10C vào khoảng 0,07 m2, lợi thế đó là không đáng kể, nhưng F-22A còn sở hữu nhiều điểm mạnh khác như radar công suất lớn hơn cùng với hệ thống điện tử hàng không cực kỳ tiên tiến.

Chiến thuật được phía Trung Quốc đưa ra là J-10C sẽ bí mật tiếp cận F-22A, duy trì khoảng cách dưới 150 km, khi đó máy bay chiến đấu Mỹ có thể bị radar của J-10C nhận biết.

Tiêm kích hạng nhẹ tối tân nhất của Không quân Trung Quốc mang được tên lửa không đối không PL-15 với tầm bắn xa hơn khiến nó có khả năng khai hỏa trước F-22A và rút lui một cách an toàn.

Cuối cùng, mặc dù xác nhận lợi thế lớn hơn vẫn thuộc về F-22A nhưng khi so sánh với một dòng tiêm kích thế hệ 5 khác là F-35 Lightning II thì J-10C thậm chí còn ở cửa trên, dĩ nhiên là áp đảo hoàn toàn F-15/16/18 của Không quân và Hải quân Mỹ.

Nhưng cũng tương tự như những lời tuyên bố cũ, thành tích đối đầu lý thuyết trên chưa hề được kiểm chứng, cần nhớ rằng J-10A đã thua thảm khi không chiến với J-11A trong huấn luyện, trong khi về lý thuyết thì nó phải hơn.

Gần đây trong một cuộc đua tranh giành giải "Mũ vàng" của các phi công tiêm kích Trung Quốc có khoa mục đối đầu giữa J-10B và Su-35S, kết quả sẽ là sự phản ánh rõ ràng nhất.

Tuy nhiên Bắc Kinh đang giấu biệt thành tích đối kháng giữa chúng, trái ngược với cách làm thường thấy của họ, cho thấy phần nào năng lực thực tế của dòng tiêm kích hạng nhẹ nói trên.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuyen-gi-se-xay-ra-khi-tiem-kich-j-10c-trung-quoc-doi-dau-f-22a-raptor-my-post509723.antd