Chuyện gì sẽ xảy ra khi cảnh ôm hôn được quay bằng công nghệ CGI?

Sau nhiều tháng đóng băng vì đại dịch bùng phát, Hollywood đã bắt đầu rục rịch mở cửa trở lại. Tuy nhiên, sự quay trở lại này cũng đặt ra nhiều câu hỏi.

Chính quyền bang California (Mỹ) mới đây đã thông báo các hoạt động ghi hình chương trình, quay phim có thể bắt đầu trở lại vào ngày 12/6 tại một số quận ít chịu thiệt hại do dịch bệnh. Dù Los Angeles vẫn là một trong những tâm dịch của toàn nước Mỹ, nhưng sở y tế của quận vẫn chấp thuận việc Hollywood mở cửa sản xuất trở lại.

Tuy đã được bật đèn xanh, nhưng việc ghi hình tại trường quay, cũng như các công tác hậu cần phục vụ cho ngành điện ảnh đều phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các chỉ dẫn trong bộ quy tắc an toàn được soạn thảo và ban hành bởi Liên minh các nhà sản xuất phim & chương trình truyền hình Mỹ (AMPTP) và nhóm nhà điều hành đứng đầu Hollywood.

Văn bản có nhan đề Industry-Wide Labor Management Safety Committee Task Force (An toàn quản lý lao động toàn ngành), dài 22 trang, đưa ra những chỉ dẫn chi tiết tập trung vào 5 nội dung: Kiểm soát truyền nhiễm, Bảo vệ và hỗ trợ an toàn sức khỏe cho diễn viên và thành phần đoàn phim, Giãn cách vật lý, Đào tạo và giảng dạy, An toàn lao động trong những trường hợp đặc thù.

Hạn chế dùng giấy, cắt giảm số lượng khán giả, rút ngắn giờ làm và giãn cách xã hội

Ngoài các biện pháp an toàn phòng dịch chung như trang bị nước rửa tay sát khuẩn trên phim trường, vệ sinh thiết bị, đeo khẩu trang hay duy trì khoảng cách an toàn giữa người với người… bộ quy tắc an toàn của Hollywood cũng quy định cụ thể rất nhiều nội dung theo từng đặc thù của ngành điện ảnh.

Do lo ngại việc virus có thể bám trên bề mặt giấy và lây truyền từ người sang người trong quá trình trao đổi tài liệu, Hollywood yêu cầu số hóa tối đa các văn bản sử dụng trong quá trình sản xuất như kịch bản, danh sách đoàn làm phim, kế hoạch quay phim…

Trong trường hợp bất khả kháng, người gửi và nhận văn bản sẽ cần phải sát khuẩn tay trước và sau khi trao đổi. Bộ quy tắc cũng yêu cầu các nhân viên đoàn phim thanh toán trực tuyến để hạn chế việc sử dụng tiền mặt.

Trên phim trường, các nhân viên hóa trang, phục trang, nhân viên thu thanh hiện trường… được yêu cầu đeo khẩu trang PPE, hạn chế làm việc theo nhóm đông người cũng như rút ngắn thời gian tiếp xúc với diễn viên khi làm việc.

 Phải rất lâu nữa các chương trình trò chuyện đêm muộn mới thấy lại được sự đông đúc từ hàng ghế khán giả.

Phải rất lâu nữa các chương trình trò chuyện đêm muộn mới thấy lại được sự đông đúc từ hàng ghế khán giả.

Các chương trình truyền hình cũng sẽ tạm thời bớt “đông vui” vì bộ hướng dẫn an toàn cũng đưa ra quy định hạn chế số khán giả tham gia ghi hình tại trường quay. Các khán giả tham gia ghi hình cũng phải đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách.

Về phía các diễn viên, do đặc thù công việc phải tiếp xúc gần với bạn diễn, hoặc những thành viên khác của đoàn làm phim khi không đeo mặt nạ, họ trở thành đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao.

Do đó, hướng dẫn an toàn yêu cầu nhà sản xuất có các biện pháp sửa đổi kịch bản, hoặc sử dụng công nghệ đồ họa vi tính trong các cảnh quay nhân vật có tiếp xúc gần như giao chiến hay thân mật. Sau khi cảnh quay kết thúc, các diễn viên được khuyến khích duy trì khoảng cách an toàn với bạn diễn và các thành viên đoàn phim cũng như tiến hành các biện pháp tự cách ly.

CGI có phải giải pháp toàn năng cho việc ghi hình mùa dịch?

Tuy biện pháp sửa đổi kịch bản, hoặc sử dụng công nghệ đồ họa vi tính được đưa ra nhằm mục đích bảo vệ an toàn cho các diễn viên và đoàn phim, nhưng về lâu dài, nó có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng tác phẩm ở cả khía cạnh nội dung lẫn hình thức.

Về nội dung, kịch bản phim khi ra đến hiện trường đã là phiên bản hoàn chỉnh được biên kịch và đạo diễn cân nhắc kỹ càng và điều chỉnh qua nhiều lần. Mọi chi tiết trong cốt truyện và hành động của nhân vật đều đã được tính toán một cách logic với đường dây câu chuyện rõ ràng.

Mặt khác, những cảnh hành động, hay thân mật, của các nhân vật thường là điểm cao trào cảm xúc của bộ phim. Nó là kết quả của chuỗi tình tiết được chuẩn bị và cài cắm công phu trong hàng chục phút trước đó trên màn ảnh. Thế nên, bất kỳ thay đổi nào tác động đến nội dung kịch bản phim vào phút chót đều có thể là sự mạo hiểm với chất lượng của toàn bộ tác phẩm.

Các cảnh quay hành động bằng CGI không còn là điều lạ lẫm với khán giả, bởi trong hai thập kỷ qua, họ đã được chứng kiến vô số cảnh giao chiến của các nhân vật được tạo ra bằng công nghệ đồ họa: Gollum trong Lord of the Rings (2001-2003), người Navi chống lại đoàn quân xâm lăng từ Trái Đất trong Avatar (2009) hay mới đây nhất là các hội nhóm siêu anh hùng trong vũ trụ phim chuyển thể từ truyện tranh.

Ba phần phim Lord of the Rings là một trong những tác phẩm điện ảnh đầu tiên sử dụng đồng thời cả công nghệ màn hình xanh và motion capture.

Về mặt hình ảnh, công nghệ đồ họa vi tính đang ngày càng trở nên tinh xảo. Nhưng xét về mặt cảm xúc, vẫn sẽ luôn tồn tại một khoảng cách nhất định giữa những hình ảnh được tạo ra từ máy móc so với cảnh phim có sự tham gia của diễn viên thật.

Chính vì không muốn thỏa hiệp với sự thiếu tự nhiên ấy, mà đạo diễn Geogre Miller của loạt phim Mad Max đã chấp nhận chọn một diễn viên khác trẻ hơn vào vai nhân vật Furiosa trong phần tiền truyện về vị nữ thống soái thay vì đưa nữ diễn viên Charlize Theron quay lại tuổi đôi mươi trên màn ảnh bằng công nghệ trẻ hóa.

Năm 2017, Blade Runner 2049 từng sử dụng CGI để dàn dựng một cảnh nóng “tay ba” giữa nhân vật K (Ryan Gosling) với Joi (Ana der Armas) và Mariette (Mackenzie Davis).

Tuy nhiên, công nghệ đồ họa vi tính được sử dụng trong cảnh phim phục vụ mục đích khắc họa sự phức tạp trong quan hệ giữa ba nhân vật khi Joi, vốn chỉ là một trí thông minh nhân tạo không thể xác mượn cơ thể vật lý của Mariette để chạm được vào người cô yêu.

Cảnh nóng trong các bộ phim luôn là yếu tố mang lại cùng lúc cả sự tò mò và ngượng ngùng cho khán giả. Nhưng dù đó có là một cảnh phim trần trụi kéo dài nhiều phút, hay chỉ là nụ hôn giữa hai nhân vật, thì cảm xúc chúng truyền tới khán giả luôn bắt đầu từ niềm tin các diễn viên đã thực sự đụng chạm với nhau.

Việc sử dụng CGI trong trường hợp này đang giống như thẳng tay cắt bỏ mắt xích đầu tiên trong đường dây cảm xúc giữa khán giả và nhân vật trên màn ảnh.

Covid-19 khiến việc ghi hình các cảnh thân mệt trên màn ảnh trở nên phức tạp.

Bên cạnh đó, cảnh nóng thực hiện bằng công nghệ CGI vẫn còn là một thứ gì đó thử thách trí tưởng tượng của khán giả.

Liệu một trong hai nhân vật chính sẽ vẫn tham gia vào cảnh phim, hay hình ảnh của cả hai sẽ được dựng hoàn toàn bằng công nghệ đồ họa vi tính? Nếu thực vậy, đây có thể sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh các diễn viên có thể quay cảnh nóng mà không cần trút bỏ y phục trên người.

Không chỉ riêng Hollywood, Bollywood cũng ban hành một bộ hướng dẫn an toàn trên phim trường nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Theo bộ quy tắc này, những bộ phim Ấn Độ được sản xuất trong thời gian tới sẽ bị cắt giảm những đại cảnh đông người, và vắng bóng những nhân vật lớn tuổi do quy định hạn chế số thành viên của đoàn phim và không sử dụng những diễn viên trên 65 tuổi.

Anh Phan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gi-se-xay-ra-khi-canh-om-hon-duoc-quay-bang-cong-nghe-cgi-post1094679.html