Chuyện gì đang xảy ra?

Thông tin mới nhất về việc học sinh Phạm Song Toàn (lớp 11A1, trường THPT Long Thới, TPHCM) - người đã phản ánh cô giáo im lặng suốt hơn 3 tháng khi giảng bài cho học sinh đã nhập học tại ngôi trường mới vào sáng 9/4.

Ngôi trường nơi Song Toàn chuyển đến là một trường tư thục ở TPHCM. Ban Giám hiệu nhà trường đã đồng ý tiếp nhận và trao cho em học bổng toàn phần trong suốt thời gian còn lại của bậc THPT, đồng thời hỗ trợ việc em đi học bằng xe buýt đưa đón học sinh của trường cũng như bữa ăn bán trú. Hành động này của nhà trường thật đáng ghi nhận và trân trọng.

Thế nhưng, ở một góc độ khác, người ta không thể không đặt câu hỏi, vì sao Song Toàn - một học sinh dám nói lên sự thật - mà phải ra đi?

Trước đó, theo thông tin đăng tải trên báo chí, Song Toàn đã bị một số học sinh đả kích trên mạng xã hội. Toàn lo ngại nếu tiếp tục học ở đây, em sẽ phải chịu áp lực rất lớn trong cách cư xử với thầy cô, bị bạn bè cô lập dẫn tới việc không an tâm học hành.

Tương tự như Song Toàn - bé Phương Anh (học sinh lớp 3A5, Trường tiểu học An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng), học sinh bị cô giáo bắt uống nước giặt giẻ lau bảng, cũng đang phải chịu áp lực nặng nề. Một số người, đã đổ tội cho Phương Anh, cho rằng vì cháu mà cô giáo bị đuổi việc. Sự việc nghiêm trọng tới mức, bà nội của Phương Anh đã phải lên tiếng cầu cứu nhà trường và giáo viên chủ nhiệm mới, để cháu bà không rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần.

Chuyện gì đang xảy ra? Học sinh dũng cảm dám nói lên sự thật thì lo ngại bị cô lập, phải bất đắc dĩ tìm cách chuyển trường, khi mà kì thi cuối kỳ II đã cận kề. Học sinh bị cô giáo bắt uống nước giặt giẻ lau bảng thì bị xa lánh, bị đổ tội.

Nhiều người đã lo lắng đặt dấu hỏi, sau sự...dũng cảm đầu đời này, Phạm Song Toàn, nếu gặp chuyện bất công có còn đủ dũng khí nói lên sự thật, hay sẽ chọn cách im lặng để bản thân không bị ảnh hưởng? Còn bé Phương Anh - từ một nạn nhân mà thoắt chốc bị một số người biến thành "thủ phạm" - gia đình cháu sẽ chọn cách nào, lên tiếng công khai hay thông tin "nội bộ"? Liệu chọn "nội bộ" thì cháu đã phải là đứa trẻ cuối cùng phải uống nước giặt giẻ lau bảng chưa?

Có người cho rằng, trước mỗi sự việc, những ý kiến nhiều chiều cũng là điều bình thường. Nhưng, dù là ý kiến, quan điểm gì thì cũng phải dựa trên thứ mà con người luôn hướng đến, đó là lẽ phải. Hằng ngày, chúng ta vẫn dạy học sinh về lẽ phải, làm theo lẽ phải, vậy nên đừng để các em trở thành nạn nhân của lẽ phải. Nếu xã hội không có lẽ phải, không hướng đến và tôn trọng lẽ phải, thì xã hội đó không có gì cả! .

Bảo Châu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tranh-cai/chuyen-gi-dang-xay-ra-20180410085721399.htm