Chuyện gì đang xảy ra ở Jerusalem?

Tình hình tại Jerusalem đang trở nên vô cùng căng thẳng khi Israel và lực lượng Hamas liên tục sử dụng các vũ khí hạng nặng để tấn công lẫn nhau.

Theo Bộ Y tế ở Gaza, ít nhất 24 người Palestine, bao gồm 9 trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza. Đây là hành động đáp trả của Israel sau khi Hamas phóng tên lửa từ Dải Gaza, lãnh thổ ven biển mà Hamas đang kiểm soát, về phía nước này.

Hơn 700 người Palestine đã bị thương ở Jerusalem và trên khắp Bờ Tây trong 24 giờ qua.

Trong tuyên bố vào rạng sáng 11/5, lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh cho biết tổ chức này sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công tên lửa cho đến khi Israel dừng "tất cả các cảnh khủng bố, xâm lược ở Jerusalem và nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa".

Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố Hamas phải trả giá cho việc phóng rocket vào Jerusalem. "Các nhóm khủng bố ở Gaza đã vượt qua lằn ranh đỏ vào đêm của Ngày Jerusalem (10/5)".

Sự kiện này bắt nguồn từ việc Israel và người Palestine đang cố gắng lấn chiếm khu vực Đông Jerusalem, cụ thể là khu vực Sheikh Jarrah. Đông Jerusalem được người Palestine coi là một lãnh thổ xây dựng nhà nước tương lai, trong khi Israel coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô của mình, theo Al Jazeera.

 Bản đồ các khu vực tại Jerusalem. Ảnh: Al Jazeera.

Bản đồ các khu vực tại Jerusalem. Ảnh: Al Jazeera.

Xung đột tôn giáo

Căng thẳng đã gia tăng trong khoảng một tháng gần đây ở Jerusalem. Thành phố này từ lâu đã là điểm nóng trong cuộc xung đột Israel-Palestine, và cũng là nơi có các địa điểm linh thiêng đối với người Do Thái, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo.

Kể từ khi bắt đầu tháng Ramadan, tháng ăn chay và cầu nguyện linh thiêng của người Hồi giáo, người Palestine và lực lượng an ninh Israel liên tục đụng độ xung quanh cổng Damascus.

Ngọn lửa và khói bốc lên trong các cuộc không kích của Israel ở phía nam Dải Gaza. Ảnh: Reuters.

Người Palestine liên tục tập trung đông người tại cổng Damascus, một trong những cổng chính của thành cổ Jerusalem, để tận hưởng buổi tối sau ban ngày nhịn ăn. Căng thẳng bắt đầu khi cảnh sát Israel cố gắng ngăn chặn tụ tập tại quảng trường bằng cách xây dựng các hàng rào và bắn lựu đạn gây choáng vào những người bất chấp mệnh lệnh giải tán.

Theo tuyên bố của cảnh sát Israel, hành động này là một phần trong nỗ lực đảm bảo rằng hàng chục nghìn tín đồ Hồi giáo sẽ an toàn khi tới các địa điểm cầu nguyện Hồi giáo.

"Vì cổng Damascus là cách chính để tiếp cận và vào thành phố cổ, lực lượng cảnh sát thực hiện các hoạt động bảo vệ bằng nhiều cách khác nhau để ngăn chặn xích mích, bạo lực, đối đầu và duy trì trật tự, an ninh trong khu vực", một phát ngôn viên cảnh sát cho biết.

Trong khi đó, người Palestine tố cáo cảnh sát đã cố gắng ngăn họ tổ chức các cuộc tụ họp buổi tối Ramadan bình thường bên ngoài cổng Damascus.

"Người Palestine thích thư giãn trong khu vực này sau những lời cầu nguyện buổi tối tại nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, nhưng Israel không thích điều này", Mohammad Abu Al-Homus, một cư dân Jerusalem, cho biết.

Trong khi đó, cảnh sát Israel không ngăn chặn một cuộc tuần hành do Lehava, một nhóm cực hữu Do Thái chống Arab, lãnh đạo. Hàng trăm người biểu tình Do Thái đã diễu hành qua trung tâm thành phố Jerusalem và đến cổng Damascus, hô vang khẩu hiệu "Người Arab ra khỏi Jerusalem" và "người Arab đi chết đi". Hành động này nhằm đáp trả một video trên TikTok cho thấy người Palestine tát ngẫu nhiên người Do Thái, theo AP.

Căng thẳng leo thang vào đêm 7/5, hơn 205 người Palestine và 17 cảnh sát Israel đã bị thương sau khi cảnh sát xông vào nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa.

Một người biểu tình Palestine ở Bethlehem ở Bờ Tây ném đá vào các lực lượng Israel. Ảnh: Reuters.

"Cảnh sát đã sử dụng đạn cao su và lựu đạn gây choáng trong một cuộc đối đầu giữa những người Palestine trẻ tuổi và cảnh sát Israel trước cổng Al-Maghariba của Al-Aqsa", Firas al-Dibs, phát ngôn viên của tổ chức từ thiện Islamic Waqf tại Jerusalem, cho biết.

Đến ngày 10/5 - đêm thánh Laylat al-Qadr, cảnh sát Israel tiếp tục tiến vào Thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa. Lực lượng này đã sử dụng đạn cao su, lựu đạn gây choáng và hơi cay, khiến hơn 300 người Palestine bị thương.

Đáp trả cuộc tấn công, Hamas, nhóm kiểm soát Dải Gaza, đã đưa ra tối hậu thư, nói rằng Israel để rút lực lượng của mình khỏi nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa trước 18 giờ (giờ địa phương).

Ngay sau khi hết hạn chót, Hamas đã bắn nhiều quả tên lửa vào Israel. Israel đã đáp trả bằng cách phát động các cuộc không kích vào dải Gaza. Cuộc không kích đã giết chết ít nhất 20 người. Quân đội Israel cho biết đã tấn công 130 "mục tiêu quân sự" ở Gaza, giết chết 15 "điệp viên Hamas và Hồi giáo Jihad".

Xung đột Sheikh Jarrah

Vào ngày 2/5, Tòa án Israel đã ra lệnh buộc ít nhất 6 gia đình phải rời khỏi nhà tại Sheikh Jarrah. Một tòa án khác cũng đưa ra phán quyết buộc 7 gia đình phải rời khỏi nơi cư trú trước ngày 1/8. Có tổng cộng 58 người, trong đó có 17 trẻ em, sẽ bị buộc phải rời khỏi ngôi nhà của mình. Theo tuyên bố của chính quyền Israel, khu vực Sheikh Jarrah sẽ được xây dựng thành một khu định cư của người Do Thái.

Vào những ngày cuối cùng của tháng Ramadan, hàng chục nghìn tín đồ Hồi giáo Palestine đã tập trung tại thánh đường Al-Aqsa để phản đối việc người Palestine bị Israel trục xuất khỏi Sheikh Jarrah. Khu vực Đông Jerusalem từ lâu đã bị người Israel chiếm đóng và xây dựng các khu định cư cho người Do Thái.

Những người Palestine bị thương được sơ cứu tại bệnh viện sau cuộc không kích của Israel. Ảnh: AFP.

"Tất cả ký ức của tôi đều ở đây. Tôi được sinh ra ở đây và cha, dì, chú bác và ông bà của tôi đều sống trong ngôi nhà này”, Ahmad Hammad, một cư dân của Sheikh Jarrah, cho biết.

Phán quyết của Israel là đỉnh điểm của cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập kỷ của người Palestine nhằm giữ lại quyền cư trú tại chính căn nhà của mình. Dù phía Israel luôn cho rằng các tranh chấp liên quan Sheikh Jarrah chỉ là vấn đề pháp lý cá nhân, sự can dự của tổng chưởng lý Israel cho thấy khía cạnh chính trị và cả ngoại giao của vụ việc.

Nhìn rộng ra, việc đưa các gia đình Palestine ra khỏi vùng đất họ đang sống được xem là một nỗ lực dài hạn của người Israel để tăng cường kiểm soát Đông Jerusalem, theo New York Times dẫn các nguồn tin.

Cuộc xung đột giữa Palestine và Israel bắt đầu từ năm 1917, khi chính phủ Anh, trong Tuyên bố Balfour, kêu gọi "thành lập ở Palestine một ngôi nhà quốc gia cho người Do Thái".

Sau khi người Do Thái trục xuất người Palestine vào năm 1948 để thành lập nhà nước Israel, hàng trăm nghìn người Palestine đã phải chạy trốn sang các nước láng giềng. Sự kiện này được người Palestine gọi là “Nakba”, có nghĩa là thảm họa.

Trong thời điểm Bờ Tây nằm dưới sự quản lý của Jordan từ năm 1951 đến năm 1967, 28 gia đình bị mất nhà trong sự kiện Nakba đã đạt được thỏa thuận với Bộ Xây dựng và Phát triển Jordan và Cơ quan Cứu trợ và Công trình của Liên Hợp Quốc cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA) để xây dựng nhà ở trong khu vực Sheikh Jarrah.

Chính phủ Jordan sẽ cung cấp đất trong khi UNRWA sẽ chi trả phí xây dựng 28 ngôi nhà. Cư dân chỉ phải trả một khoản phí tượng trưng và được trao quyền sở hữu ngôi nhà sau ba năm kể từ khi hoàn thành xây dựng. Tuy nhiên, quá trình này đã bị gián đoạn do sự chiếm đóng của Israel ở Bờ Tây vào năm 1967.

Năm 1970, Luật Pháp lý và Hành chính ở Israel đã được ban hành. Luật quy định rằng người Do Thái bị mất tài sản ở Đông Jerusalem vào năm 1948 có thể đòi lại tài sản.

Tuy nhiên, bộ luật không cho phép người Palestine đòi lại tài sản của họ mà họ đã mất ở Israel. Động thái này chứng minh rằng có tồn tại sự phân biệt quyền lợi luật pháp giữa người Do Thái và người Palestine.

Theo ông Muhammad al-Sabbagh, một cư dân của khu phố, rắc rối xảy đến khi một số tổ chức định cư Do Thái đã đệ đơn kiện các gia đình Palestine sống ở Sheikh Jarrah vào năm 1972. Các tổ chức này cáo buộc những người Palestine đã cư trú bất hợp pháp trên vùng đất thuộc về người Do Thái.

Các cư dân của Sheikh Jarrah cũng bị lừa dối bởi các luật sư Israel được chỉ định trong các vụ án tranh chấp, theo Anadolu. Vào năm 1991, luật sư bào chữa cho các cư dân đã ký vào một thỏa thuận cho rằng quyền sở hữu đất thuộc về các tổ chức định cư mà không hề hỏi ý kiến các gia đình. Thay vì quyền sở hữu, các cư dân được chuyển sang trạng thái người thuê nhà.

Thậm chí, Tòa án Trung ương Israel còn bác bỏ đơn kiện của một cư dân địa phương. Anh Suleiman Darwish Hijazi đã sử dụng các giấy tờ do Đế quốc Ottoman ban hành để chứng minh quyền sở hữu đất đai của mình.

"Tại sao họ đến? Vùng đất này là của chúng tôi! Tại sao họ muốn thay thế chúng tôi?" Mohammed Abu Sneineh, một cư dân tại Sheikh Jarrah, tức giận nói.

"Các tòa án Israel, từ thẩm phán, bồi thẩm đoàn cho đến luật pháp, đều phục vụ lợi ích của những người định cư Do Thái", Khalil Toufakji, một nhà vẽ bản đồ và chuyên gia người Palestine về Jerusalem, nhận định.

Ông Tofakji đã đến Ankara vào năm 2010 để tìm kiếm tài liệu trong kho lưu trữ thời Ottoman liên quan đến việc phủ nhận bất kỳ quyền sở hữu đất nào của người Do Thái. "Tôi đã tìm thấy tài liệu và đệ trình lên tòa án của Israel. Tuy nhiên, tòa án đã nhanh chóng từ chối", ông cho biết.

Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền cho biết vào hôm 7/5 rằng việc trục xuất người Palestine khỏi Đông Jerusalem có thể bị xem là "tội ác chiến tranh".

Trục xuất người Palestine

Câu chuyện của Sheikh Jarrah chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh trục xuất người Palestine.

Sau cuộc chiến tranh tháng 6/1967, Israel đã áp dụng luật pháp Israel cho Đông Jerusalem và cấp cho người Palestine tình trạng "thường trú". Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng này là không rõ ràng bởi nó chỉ phù hợp với công dân nước ngoài muốn cư trú tại Israel, trong khi người Palestine là người bản địa.

Việc Israel sáp nhập Đông Jerusalem phần lớn không được cộng đồng quốc tế công nhận. Các dự án định cư của Israel tại khu vực này cũng bị coi là không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Hàng chục người Palestine đã bị bắt ở Đông Jerusalem trong những ngày gần đây. Ảnh: Al Jazeera.

Người Palestine ở Đông Jerusalem không có quyền công dân Israel cũng như không được chính quyền Palestine cấp hộ chiếu Palestine. Họ thường chỉ có thể nhận được giấy tờ du lịch tạm thời của Jordan và Israel.

Bằng cách áp dụng tình trạng cư trú mập mờ cho người Palestine ở Đông Jerusalem, Israel đã thành công trong việc trục xuất hơn 14.200 người Palestine kể từ năm 1967.

Trong một tuyên bố ngày 10/5, Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh cho biết "các hoạt động của Israel trên lãnh thổ Palestine là hình thức phân biệt chủng tộc".

Theo Zakariah Odeh, Giám đốc Liên minh Dân sự vì Quyền của người Palestine ở Jerusalem, các hành động tịch thu đất đai và di dời nằm trong chính sách "cân bằng nhân khẩu học" của chính phủ Israel. Theo chương trình này, Israel sẽ giới hạn tỷ lệ dân cư là 70-30, nghĩa là giới hạn dân số của Palestine trong thành phố ở dưới mức 30%.

Bên cạnh đó, chính quyền Israel cũng xây dựng các khu định cư Do Thái nhằm ngăn cách người Palestine tiếp cận với thành phố. Và vào năm 1990, Ariel Sharon, bộ trưởng xây dựng nhà ở của Israel vào thời điểm đó, đã đề ra kế hoạch xây dựng các khu định cư ngay giữa các khu phố Palestine ở Jerusalem nhằm bao vây, phân mảnh cư dân Palestine.

"Kết quả là khoảng 140.000 người Palestine phải sống bên ngoài hàng rào ngăn cách với Jerusalem", ông Odeh cho biết. Một số khu phố Palestine khác ở Đông Jerusalem cũng đang phải đối mặt với mối đe dọa bị trục xuất.

Tòa tháp ở Dải Gaza bị đánh sập trong cuộc không kích của Israel Hơn 40 người tử vong trong cuộc chạm trán mới nhất giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Tuấn Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-o-jerusalem-post1214177.html