Chuyện ghi ở Trại giam Thủ Đức, đơn vị hai lần Anh hùng

Là trại có quy mô lớn nhất trong hệ thống trại giam của Việt Nam, 45 năm qua, tập thể Ban giám thị, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Trại giam Thủ Đức (Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Bộ Công an) luôn đoàn kết, thống nhất, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Minh chứng cho những nỗ lực này là đơn vị đã vinh dự hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, 3 cá nhân là lãnh đạo đơn vị trong các giai đoạn cũng được danh hiệu cao quý này…

Vượt lên trên mọi khó khăn, khắc nghiệt…

Những ngày này, Trại giam Thủ Đức như đang được khoác lên mình tấm áo mới. Doanh trại tại khu vực trung tâm cũng như các phân trại đều được sơn sửa lại sạch đẹp hơn, các con đường được trang hoàng tươi mới hơn với cây hoa, băng rôn, cờ phướn đầy màu sắc… “Tất cả CBCS đều phấn khởi, háo hức chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm 45 năm ngày thành lập đơn vị”, hướng dẫn chúng tôi tham quan khu trung tâm của trại, Trung tá Ngô Quang Trường, Đội trưởng Đội Tham mưu Trại giam Thủ Đức, chia sẻ.

Cán bộ, chiến sỹ Trại giam Thủ Đức tích cực hưởng ứng “Tết trồng cây”.

Cán bộ, chiến sỹ Trại giam Thủ Đức tích cực hưởng ứng “Tết trồng cây”.

Để có được cơ ngơi như hiện nay, Ban Giám thị cũng như toàn thể CBCS qua các thời kỳ đã không ngừng nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, nhất là sự khắc nghiệt của thời tiết, thổ nhưỡng nơi đây… Đại tá Lê Bá Thụy, Giám thị Trại cho biết: Trại giam Thủ Đức được thành lập vào tháng 4/1976 (ký hiệu Z30D). Hiện trại có 8 Phân trại, 8 đội nghiệp vụ; đóng quân trên địa bàn xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, giáp ranh với 9 xã, thị trấn thuộc ba tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu.

“Đây là vùng đất khô cằn, sỏi đá, có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu rất khắc nghiệt, mùa khô thường nắng nóng, hạn hán kéo dài tới 7 tháng, thiếu nước sinh hoạt. Để khắc phục tồn tại liên quan đến nước sạch sinh hoạt cũng như phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi, tăng gia sản xuất, trại đã cho đào, nạo vét nhiều ao hồ để trữ nước, đồng thời làm hệ thống dẫn nguồn nước suối từ trên rừng về các phân trại, cho qua các hệ thống lọc…”, Đại tá Lê Bá Thụy cho biết thêm.

Tình hình ANTT trên địa bàn đứng chân cũng khá phức tạp. Các đối tượng hình sự, số phạm nhân (PN) hết án ra trại, số đối tượng nghiện ma túy, liên quan đến ma túy cư trú trên địa bàn chưa được giải quyết dứt điểm...

Trong khi đó, đối tượng đưa vào trại ngày càng có tính chất nguy hiểm, phức tạp, nhiều tiền án, tiền sự, số PN phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng chiếm tỷ lệ cao, gần 40%; PN phạm các tội về ma túy chiếm 44%; PN tái phạm, tái phạm nguy hiểm chiếm tỷ lệ trên 30%; PN nhiễm HIV/AIDS chiếm hơn 5%...; có hơn 200 PN là người nước ngoài, quốc tịch nước ngoài gồm nhiều quốc tịch đang thụ án nơi đây.

“Đặc điểm tình hình, khó khăn phức tạp như vậy nhưng chúng tôi đã không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống của một đơn vị hai lần Anh hùng”, Đại tá Lê Bá Thụy cho biết.

Trong những năm qua, với chủ trương “Công tác cán bộ là nền tảng, công tác quản lý PN là trọng yếu, công tác giáo dục là quan trọng, công tác sản xuất là động lực”, xây dựng Trại giam Thủ Đức “Văn minh, thân thiện, nghĩa tình”, đơn vị luôn làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho CBCS, nhất là về ý thức trách nhiệm, tu dưỡng, rèn luyện bản thân; thực hiện nghiêm túc mọi chế độ chính sách liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cũng như chăm lo chu đáo đời sống từng CBCS,…

Tất cả vì sự hướng thiện của phạm nhân

Trong công tác quản lý, cải tạo PN, những năm qua, trại cơ bản ổn định và an toàn. Các phân trại, đội nghiệp vụ chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kết hợp giáo dục, thuyết phục, cảm hóa, thực hiện nghiêm túc việc phân loại và giam giữ PN...

Bên cạnh đó, trại thực hiện nghiêm mọi chế độ chính sách của Nhà nước đối với người phạm tội như: Ăn, mặc, ở, khám chữa bệnh, vui chơi giải trí, lao động, học tập, thăm gặp thân nhân, nhận gửi thư, quà, gọi điện thoại cho thân nhân, xét đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, đặc xá, tạm đình chỉ, xét tha tù trước thời hạn có điều kiện...

Từ năm 2015 đến nay, trại đã xét đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho 27.821 lượt PN, đề nghị đặc xá cho 1.030 PN, tạm đình chỉ cho 7 PN, đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện cho 95 PN, đảm bảo chặt chẽ đúng quy định của pháp luật.

Hằng tháng, quý, Giám thị đều xuống các phân trại trực tiếp đối thoại với PN, để nắm bắt mọi tâm tư nguyện vọng của PN, kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quá trình chấp hành án... Sự quan tâm đó đã có những tác động tích cực đến tư tưởng của PN, tỷ lệ PN vi phạm nội quy trại từ đó giảm rõ rệt (năm 2015 là 2,3%, đến năm 2020 chỉ còn 0,66%...).

Chúng tôi tiếp xúc với nữ PN tên Q.T.T.M (SN 1989, thường trú quận 8 TP Hồ Chí Minh). Chị M., đang chấp hành bản án 11 năm tù giam vì tội Mua bán trái phép chất ma túy. “Tôi sinh con trong trại được các cán bộ hết sức giúp đỡ, lo chi trả tất cả mọi thứ. Đến giờ, tôi vẫn được ưu tiên nhiều thứ so với các PN bình thường khác. Con tôi nay được 28 tháng tuổi, cháu được hưởng chế độ của Nhà nước về ăn uống, sữa, tã…, có nhà trẻ riêng để vừa học vừa chơi…”, chị M cho hay.

PN Nguyễn Mạnh T (SN 1984, ngụ Hà Nội), đang chấp hành án 20 năm cũng vì tội Mua bán trái phép chất ma túy ở Phân trại 7, cho biết từ ngày bắt đầu vào trại đến nay đã 7 năm, anh luôn được Ban Giám thị, Hội đồng cán bộ cũng như cán bộ quản giáo luôn quan tâm, động viên và giúp cho yên tâm cải tạo…

Xác định giáo dục là quan trọng trong công tác quản lý giam giữ, giáo dục PN, Ban Giám thị trại đã phát động nhiều phong trào thi đua trong PN. Tiêu biểu là việc phát động xây dựng Quỹ “Tấm lòng vàng” với hàng trăm triệu đồng để giúp đỡ những PN có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau bệnh tật, không có người thăm nuôi; biểu dương, khen thưởng kịp thời những PN có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chấp hành án phạt tù…

Trong công tác tổ chức lao động, dạy và truyền nghề cho PN, nghiên cứu chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với đất đai thổ nhưỡng và khí hậu trong vùng, các mô hình ao cá (gần 100ha), vườn cây gỗ quý (100ha), vườn cây gia vị (trên 5ha), vườn cây ăn trái (gần 5ha)... đã đem lại hiệu quả cao cho trại. Từ 2015 đến nay, trại đã tổ chức dạy và cấp chứng chỉ nghề cho 1.925 PN thuộc các nghề như: Xây dựng, điện dân dụng, may công nghiệp, mộc dân dụng, chăm sóc và khai thác mủ cao su, thanh long, đan mỹ nghệ...; tổ chức lao động sản xuất, truyền nghề cho 24.116 PN.

Thông qua việc tổ chức dạy và truyền nghề, hầu hết PN đã ý thức tự giác trong lao động, tích cực học hỏi nâng cao tay nghề, yên tâm tư tưởng học tập, cải tạo để được hưởng lượng khoan hồng của Đảng và Nhà nước, sớm được trở về với gia đình, cộng đồng và xã hội, không tái phạm tội.

“Công tác giáo dục và cải tạo PN là nhiệm vụ hết sức quan trọng và đó là một quá trình lâu dài, bền bỉ. Nhưng tất cả các hoạt động giáo dục đều có chung mục đích thượng tôn pháp luật, hướng đến một môi trường cải tạo lành mạnh, bình đẳng, ý thức, trách nhiệm, giúp PN yên tâm cải tạo, tất cả vì sự tiến bộ, hướng thiện của PN và trang bị những kỹ năng tốt nhất để sau khi chấp hành xong án phạt tù, PN tái hòa nhập cộng đồng, là những công dân có ích cho gia đình và xã hội”, Giám thị Lê Bá Thụy nhấn mạnh.

Với những thành tích nổi bật đạt được trong những năm qua, trong đợt kỷ niệm 45 năm ngày thành lập, Trại giam Thủ Đức được Nhà nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất; cá nhân Giám thị Lê Bá Thụy được tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì; nhiều CBCS được tặng bằng khen, giấy khen…

Phú Lữ

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cong-an/chuyen-ghi-o-trai-giam-thu-duc-don-vi-hai-lan-anh-hung-635042/