Chuyện ghi ở bon Bu P'răng 2

Bon Bu P'răng 2 là khu tái định cư trong dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới dành cho xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Nói là vùng đất mới, song việc đưa gần 100 hộ gia đình người dân tộc thiểu số Mơ Nông ra đây lập nghiệp được xem như 'chuyến đò' đưa bà con trở về bến cũ - mảnh đất mà các bậc tiền nhân của họ đã từng sinh sống. Về nơi ở mới việc bảo đảm cơ sở hạ tầng, tạo nguồn sinh kế, ổn định đời sống sản xuất cho bà con luôn là ưu tiên hàng đầu của các cấp, các ngành...

Trưởng bon Bùi Minh Hải trao đổi công tác với cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Bu P’răng bên vườn mắc ca đang chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch. Ảnh: Thái Kim Nga

Trưởng bon Bùi Minh Hải trao đổi công tác với cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Bu P’răng bên vườn mắc ca đang chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch. Ảnh: Thái Kim Nga

“Bức thông điệp” từ cây mít tổ

Ấn tượng sâu đậm nhất của chúng tôi khi lên thăm vùng đất mới mà cũ này đó là “bức thông điệp” không lời từ cây mít cổ thụ sừng sững đứng ở đầu bon Bu P’răng 2. Nhìn từ ngoài cổng, cây mít không quá lớn, nhưng khi vào bên trong mới thấy rõ nét cổ thụ qua gốc cây đã bị khô rục, có đường kính hơn 1 mét.

Với những “dữ liệu” nêu trên, có thể khẳng định, cây mít này đã được các bậc tiền nhân của người Mơ Nông ở bon Bu P’răng 2 trồng cách đây hàng trăm năm. Nghe đâu “cụ” mít trước đây từng bị lâm tặc đột nhập vào cưa trộm mất phần thân to nhất. Điều này đã gây nên sự tức giận trong cộng đồng người Mơ Nông ở bon Bu P’răng 2, để cuối cùng tên lâm tặc kia phải trả giá bằng mấy năm ngồi “bóc lịch” trong trại giam.

Trưởng bon Bùi Minh Hải (có vợ là Thị Huynh, người Mơ Nông, ở bon Bu P’răng 2) chia sẻ với chúng tôi: “Mỗi lần đứng dưới tán cây mít tổ, bà con lại nhớ về nguồn cội của mình. Từ hàng thế kỷ trước, ông bà tổ tiên của người Mơ Nông đã ở đây, gây dựng cuộc sống. Cây mít tổ đã trải qua bao biến cố thăng trầm, thậm chí còn bị kẻ xấu triệt hạ nhưng vẫn trường tồn cho đến ngày hôm nay...”.

Cây mít tổ sừng sững đứng đó hàng trăm năm qua với “bức thông điệp” về tình yêu quê hương đất nước, sự thiêng liêng chủ quyền biên giới quốc gia, nhắc nhở con cháu Mơ Nông ở bon Bu P’răng 2 hôm nay về tinh thần vượt khó, quyết tâm chiến thắng đói nghèo.

Công thức “3Đ - 2N” và nguồn sinh kế từ “ông hoàng” của các loại hạt

Có thể nói, việc ổn định đời sống sinh hoạt, sản xuất cho 88 hộ gia đình với gần 300 nhân khẩu người dân tộc thiểu số Mơ Nông trong những ngày đầu trở về định cư ở bon Bu P’răng 2 là thử thách rất lớn đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể đứng chân trên địa bàn. Nói một cách ví von, “chuyến đò” đưa bà con trở về bến cũ phải được chuẩn bị đầy đủ hành trang để bà con nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống mới.

Hành trang ở đây là một hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng bài bản, trong đó đáng kể nhất là công thức “3Đ - 2N” (đất sản xuất, đường giao thông, điện sinh hoạt - nhà ở và nước sạch sinh hoạt). Công thức này có thể nói là khá hoàn hảo khi ngay từ ngày đầu “cập bến” tất cả các gia đình trong bon đều được chính quyền địa phương bố trí đủ đất sản xuất (gần 2 ha/hộ), còn đường giao thông, điện lưới quốc gia, nước sạch sinh hoạt được đưa về tận trước cổng nhà. Nên nhớ, nếu tính trên tỷ lệ đầu tư, con số này không hề nhỏ, bởi bon Bu P’răng 2 cách trung tâm xã Quảng Trực ngót nghét 10 cây số. Nhà ở trong bon cũng ngày càng được kiên cố hóa trên tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Việc tạo ra nguồn sinh kế cũng được quan tâm đầu tư đúng mức với định hướng phát triển diện tích trồng cây mắc ca, loại cây được mệnh danh là “ông hoàng” của các loại hạt. Với quyết tâm của cả bộ máy chính quyền cơ sở, sự nỗ lực, chung tay góp sức của các ngành đoàn thể, trong đó có lực lượng BĐBP Đắk Nông - đơn vị nhận đỡ đầu bon Bu P’răng 2, cây mắc ca nhanh chóng tạo được “chỗ đứng” nơi miền biên cực Nam Tây Nguyên.

Trưởng bon Bùi Minh Hải cho biết: “Toàn bộ số diện tích mắc ca bà con trong bon đang thu hoạch đều được trồng từ nguồn giống cấp phát hỗ trợ của Nhà nước. Nhà nào cũng có mắc ca, nhiều thì mỗi vụ thu được từ 2-3 tấn hạt khô, ít cũng được vài ba tạ (giá bán hiện tại khoảng 120 nghìn đồng/kg). Đến lúc này đã có thể khẳng định, việc ưu tiên phát triển diện tích trồng cây mắc ca ở bon Bu P’răng 2 là hoàn toàn đúng đắn, bởi nó rất phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng ở đây...”.

Cây mít tổ ở bon Bu P’răng 2. Ảnh: Thái Kim Nga

Cũng theo lời Trưởng bon Bùi Minh Hải, cây mắc ca ở đây cho ra trái tới 2 vụ trong năm, với năng suất tương đương nhau (các nơi khác chỉ 1 vụ). Sở dĩ, bon Bu P’răng 2 có được lợi thế này là nhờ nền nhiệt độ vào ban đêm ở đây chỉ giao động từ 18 đến 22 độ C, rất phù hợp với nhịp sinh trưởng và phát triển của cây mắc ca. Sau khi thu hoạch, cây cứ thế đơm hoa kết trái mà không cần phải tưới tắm hay đầu tư gì nhiều, rất phù hợp với điều kiện và khả năng canh tác hiện tại của người Mơ Nông ở bon Bu P’răng 2.

Và câu chuyện của người đồng hành

Để có được cuộc sống ổn định và phát triển như ngày hôm nay, bên cạnh sự quan tâm chăm lo sâu sắc của Đảng và Nhà nước, bon Bu P’răng 2 còn nhận được sự đồng hành sẻ chia của những người lính Biên phòng.

Trực tiếp đỡ đầu bon Bu P’răng 2 trong xây dựng, kiến tạo cuộc sống mới, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Nông đã chỉ đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu Bu P’răng bám sát địa bàn, tập trung giúp dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân. Dấu ấn người lính Biên phòng in đậm trên từng đường làng ngõ xóm, vừa tuyên truyền vận động, chuyển tải những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, vừa trực tiếp lao động giúp bà con thu hoạch mùa màng, bảo đảm vệ sinh cộng đồng, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai...

Song song với việc “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào” với bà con, các chương trình nhà ở cho người nghèo, trợ giúp cây con giống cho hộ gia đình khó khăn, đồng hành với phụ nữ biên cương được triển khai thường xuyên đã kết chặt tình quân dân, tạo nên sức mạnh trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới ngày càng ổn định và phát triển.

Thượng tá Bùi Văn Mừng, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Bu P’răng cho biết: “Ngay tại bon Bu P’răng 2, chúng tôi bố trí đội công tác địa bàn để đồng hành và giúp đỡ bà con vào bất cứ thời điểm nào. Cùng với đó, đơn vị cử 2 đảng viên tham gia sinh hoạt tại chi bộ bon, phân công 12 đảng viên phụ trách 31 hộ gia đình khó khăn. Có thể khẳng định, dấu ấn của BĐBP ở bon Bu P’răng 2 là rất rõ nét. Bên cạnh trực tiếp bám trụ tại bon, chúng tôi còn làm tốt vai trò cầu nối, kịp thời tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và lãnh đạo chính quyền địa phương đưa ra những chủ trương, giải pháp chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống của nhân dân...”.

Mặc dù vẫn còn một số khó khăn về cơ sở y tế, giáo dục tại chỗ, nhưng với những gì đang có, chắc chắn bon Bu P’răng 2 sẽ từng bước tháo gỡ những “nút thắt” để trở thành khu dân cư ổn định và phát triển trên biên giới n

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chuyen-ghi-o-bon-bu-prang-2-post440342.html