'Người giả, eo giả' ngập tràn trên phim Trung Quốc

Đóng thế cảnh nguy hiểm hoặc cảnh nóng vốn không xa lạ trong phim Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện các nhà làm phim còn sử dụng nhiều loại hình thay thế khác như tay, eo, vòng ba.

 Theo Sohu, mới đây bộ phim Yến vân đài do Đường Yên, Xa Thi Mạn đóng chính lộ phần kỹ xảo yếu kém. Trong đó, cảnh đánh nhau của Đường Yên bị chụp cận mặt nghệ sĩ đóng thế là nam, ngay cả con ngựa cô cưỡi cũng giả. Tuy nhiên, lý do của nữ diễn viên là thời điểm đó cô đang mang bầu, cần đảm bảo sức khỏe.

Theo Sohu, mới đây bộ phim Yến vân đài do Đường Yên, Xa Thi Mạn đóng chính lộ phần kỹ xảo yếu kém. Trong đó, cảnh đánh nhau của Đường Yên bị chụp cận mặt nghệ sĩ đóng thế là nam, ngay cả con ngựa cô cưỡi cũng giả. Tuy nhiên, lý do của nữ diễn viên là thời điểm đó cô đang mang bầu, cần đảm bảo sức khỏe.

Thực tế, việc đóng thế không lạ trong quá trình sản xuất phim ảnh. Với mục đích đảm bảo an toàn cho nghệ sĩ nổi tiếng, hoàn thành tiến độ quay và chất lượng phim, đóng thế được chia làm 4 loại chính: Văn thế, võ thế, lõa thế và quang thế.

Trong đó, "văn thế" sử dụng trong các cảnh cần năng khiếu như thư pháp, hội họa, múa, nấu ăn... Với các loại hình cần độ chuyên nghiệp cao, diễn viên không có những kỹ năng này, vì vậy đoàn phim mời các chuyên gia tới, quay phần mặt và tay. "Võ thế" sử dụng trong các cảnh hành động, nguy hiểm. "Lõa thế" là dùng diễn viên đóng thế cảnh nóng, cảnh cởi bỏ trang phục. "Quang thế" là khi đoàn phim cần nghệ sĩ đứng vào vị trí, điều chỉnh góc quay, ánh sáng, thường dùng nhân viên bất kỳ trợ giúp diễn viên chuyên nghiệp.

Ví dụ, cảnh Hồ Hạnh Nhi tinh thông thư pháp trong Năm ấy hoa nở trăng vừa tròn là giả. Hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp Nghi Tu trong Chân Hoàn truyện do Thái Thiếu Phân đóng. Cô vốn nói tiếng phổ thông không rõ, cảnh luyện thư pháp đều phải quay khéo léo. Ngay cả cảnh Châu Nhuận Phát và Củng Lợi viết chữ bằng bút lông trong Hoàng Kim Giáp cũng chỉ thoáng qua vì hai nghệ sĩ không tinh thông môn nghệ thuật này.

Đóng thế cảnh nóng nổi tiếng có thể kể đến một sinh viên theo học trường nghệ thuật diễn thay Châu Tấn vai hồ ly tinh Tiểu Duy trong Họa bì. Thiệu Tiểu San thay Chương Tử Di khỏa thân, khoe tấm lưng ong trong phim Dạ yến. Nghệ sĩ trẻ Châu Hiển Hân thay Củng Lợi diễn cảnh ân ái nóng bỏng với tài tử Lương Gia Huy trong bộ phim Xe lửa Châu Ngư (Châu Ngư hỏa xa). Hay Chu Linh Ức thay thế Lưu Gia Linh trong cảnh bị Khương Tử Văn động chạm vòng một trong phim Nhượng tử phi đạn.

Những loại thay thế này không ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp của nghệ sĩ vì đều là trường hợp cần thiết, bắt buộc. Tuy nhiên, theo Sina, ngày nay các nghệ sĩ trẻ lợi dụng việc đóng thế quá mức dẫn đến sự bất mãn, khó chịu khi khán giả thưởng thức phim.

Theo Sohu, để tiết kiệm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian quay, đoàn phim thường phân chia vài tổ cùng quay một lúc. Các diễn viên chính phải chạy từ tổ A sang tổ B, tới tổ C một cách gấp gáp. Do đó, trong một số cảnh xa, cảnh tĩnh, đoàn phim cũng dùng diễn viên đóng thế. Nhiều nghệ sĩ vì đảm bảo danh tiếng cho mình, luôn cố gắng sử dụng ít diễn viên thay thế hết mức. Trong ảnh là Triệu Lệ Dĩnh và diễn viên đóng thế của cô.

Thậm chí, như Châu Tấn trong phim Hậu cung Như Ý truyện, cô sẵn sàng đóng cảnh tát thật và yêu cầu nữ diễn viên trẻ Hà Hoằng San vai Bạch Cơ Nhị thẳng tay tát mình. Do đó, Châu Tấn luôn nhận được lời khen ngợi của khán giả.

Ngược lại, Angelababy là người sử dụng rất nhiều kiểu diễn thế mình. Trong phim Cô phương bất tự thưởng, khi nữ diễn viên bị roi quật, người chịu là diễn viên đóng thế, do đó, cảnh chỉ lấy phần lưng. Tuy nhiên, diễn xuất của Angelababy không tốt, cô không thể hiện được sự đau đớn của nhân vật nên cảnh quay bị lộ việc tráo đổi diễn viên.

Một ví dụ khác là nam diễn viên Trần Hiểu trong Năm ấy hoa nở trăng vừa tròn có cảnh bị thương ở mông do bị đánh. Theo Sohu, tài tử không muốn đóng bán khỏa thân nên yêu cầu người diễn thay. Khán giả so sánh tinh thần hy sinh vì nghề của anh với nam diễn viên Trương Phong Nghị trong Bá Vương Biệt Cơ. Cảnh bị đánh của Trương Phong Nghị là toàn cảnh, không dùng diễn viên đóng thế và đánh thật.

Ngoài ra, có trường hợp đặc biệt như Quan Hiểu Đồng, khi quay tác phẩm Cửu châu: Thiên Không thành, cô mới chỉ 18, 19 tuổi. Do đó, lúc thực hiện cảnh hôn, nam diễn viên Trương Nhược Quân đã yêu cầu đổi bạn diễn vì cảm thấy Quan Hiểu Đồng còn nhỏ tuổi, anh không thể diễn cảnh thân mật cùng cô.

Hai tài tử Đặng Luân và Hoàng Hiên lại có đôi tay múp míp, không phù hợp với vẻ điển trai của họ. Do đó, trong các cảnh quay cận bàn tay, các diễn viên thường tìm người "thay tay". Trong vài lần phỏng vấn, Đặng Luân và Hoàng Hiên từng phiền lòng vì đôi bàn tay đặc biệt của mình.

Việc bị chỉ trích nhiều nhất là diễn viên "đếm số" thay lời thoại. Trong phim Trần Thiên Thiên trong lời đồn, nữ diễn viên Chu Tử Hinh đóng vai quận chúa Trần Sở Sở có câu thoại: "Huyền Hỏa Thành mang đá đen chế thành thuốc nổ", nhưng cô đọc thành "1, 2, 3, 4, 5". Bởi sau đó, bộ phim có giai đoạn lồng tiếng nên nữ diễn viên không chuyên tâm học kịch bản, chỉ tìm cách đối phó với cảnh quay.

Vấn đề lồng tiếng cũng bị Sina đánh giá là một vấn nạn trong giới giải trí Hoa ngữ. Các nghệ sĩ trẻ có đài từ hạn chế nhưng không chịu luyện tập vì dựa vào nghệ sĩ lồng tiếng. Tuy nhiên, sử dụng lồng tiếng nhiều khiến các nhân vật trong các tác phẩm khác nhau nhưng lại cùng giọng nói. Triệu Lệ Dĩnh và Dương Mịch rơi vào trường hợp này.

Theo Sohu, ngày nay, việc dùng ngựa giả, người giả, eo giả, chân giả rất phổ biến trong việc làm phim. Tuy nhiên, đồ giả luôn bị người xem nhanh chóng phát hiện. Đa số khán giả cảm thấy khó chịu vì bị lừa. Các nghệ sĩ gạo cội cho rằng lớp diễn viên trẻ lười biếng và không chịu được khổ. Sohu bình luận nghề diễn viên cực khổ nhưng cũng nhiều ưu đãi, nghệ sĩ mới cần trau dồi bản thân để đảm bảo chất lượng tác phẩm thay vì dùng tiểu xảo qua mắt khán giả.

An Chi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-gia-eo-gia-ngap-tran-tren-phim-trung-quoc-post1153138.html