Chuyến du Xuân của tình hữu nghị

Chuyến đi về miền Quan họ dù ngắn ngủi nhưng hơn 250 đại biểu là các Đại sứ, đại biện, các nhà ngoại giao, đại diện các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế... đã có những kỷ niệm và ấn tượng đẹp về vùng đất Kinh Bắc.

Du Xuân hữu nghị là một trong những chương trình thường niên do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức với mục đích nêu cao tinh thần hiếu khách của Việt Nam với bạn bè thế giới. Trong chuyến du Xuân tổ chức ngày 4/3 vừa qua, Đoàn đã được tham quan một di tích lịch sử của tỉnh Bắc Ninh cùng tham gia chương trình văn nghệ giao lưu hữu nghị. Với tỉnh Bắc Ninh, đây là hoạt động ý nghĩa nhằm mở rộng công tác đối ngoại nhân dân đến các huyện, đồng thời quảng bá rộng rãi các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, làng nghề, nghệ thuật truyền thống đến với bạn bè quốc tế.

Dâng hương Kinh Dương Vương

Trong tâm thức của người Việt, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ được coi là những vị thủy tổ mở nước, là nguồn cội của dân tộc. Vì vậy, Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương từ lâu đã được các triều đại phong kiến coi là chốn linh thiêng bậc nhất, xếp vào loại miếu thờ Đế vương. Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, con dân nước Việt lại hành hương về đây để bái yến tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của những bậc thủy tổ, khai sinh nhà nước chủ quyền đầu tiên của Việt Nam.

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Dương tại huyện Thuận Thành đang lưu giữ những dấu tích xa xưa như: những sắc phong, thần phả, câu đối, đồ thờ… từ các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn. Lựa chọn địa điểm di tích này, Ban Tổ chức cũng muốn cho bạn bè quốc tế hiểu hơn về truyền thống và lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Đại biểu tới dâng hương tại Lăng Kinh Dương Vương. (Ảnh: T.T)

Đại sứ Chile tại Việt Nam Negri Quintana đã chia sẻ với TG&VN niềm vui khi lần đầu ông đến dâng hương tại đây: “Tôi rất ấn tượng với truyền thống tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của Việt Nam. Đại sứ quán Chile không chỉ quan tâm đến phát triển hợp tác kinh tế thương mại, mà còn quan tâm đến mối quan hệ giữa hai dân tộc, giữa nhân dân hai nước. Đó cũng là lý do mà chúng tôi mong muốn được tham gia nhiều hơn các hoạt động tương tự để có thể hiểu hơn về đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam cũng như lịch sử đất nước các bạn".

Với Đại sứ Lào tại Việt Nam Thongsavanh Phomvihane, dù đã hai lần đến thăm Lăng Vua Kinh Dương Vương, nhưng lần này ông vẫn nhiệt tình tham dự chuyến du Xuân cùng với phu nhân: “Tôi nghĩ rằng chuyến đi rất bổ ích không chỉ cho tôi mà còn cho nhiều du khách khác khi có thêm thông tin để tìm hiểu về lịch sử Việt Nam. Không chỉ vì chúng ta có sự tương đồng lớn về văn hóa mà còn vì rất nhiều các dự án hợp tác mà hai nước sẽ thúc đẩy trong thời gian tới”.

Thử làm tranh Đông Hồ

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế giới thiệu tranh Đông Hồ tới các vị khách quốc tế. (Ảnh: T.T)

Rời Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương, đoàn đại biểu tới xã Song Hồ, huyện Thuận Thành. Tại đây, các thành viên trong đoàn đã được nghe nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế giới thiệu về lịch sử dòng tranh dân gian Đông Hồ và hướng dẫn cách làm một trong những loại tranh khắc gỗ độc đáo nhất của Việt Nam. Ai cũng nhận ra sự khác biệt của tranh Đồng Hồ khi được hình thành bằng phương pháp thủ công của người Việt từ vẽ mẫu, chế tác các bản khắc gỗ màu, sau đó sử dụng giấy điệp in lên các bản khắc. Tranh Đông Hồ từng rất phổ biến trong mỗi gia đình Việt, đặc biệt và dịp Tết với khát vọng về một cuộc sống no đủ hạnh phúc.

Các đại biểu quốc tế tìm hiểu tranh Đông Hồ. (Ảnh: T.T)

Các vị khách quốc tế đặc biệt thích thú khi nghe nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế giải thích về các màu sắc tự nhiên, còn được gọi là “màu dân tộc” của tranh Đông Hồ như đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang)... Họ càng khâm phục hơn khi biết gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế là một trong hai gia đình duy nhất trong làng còn giữ nghề làm tranh Đông Hồ. Trải qua 20 thế hệ giữ nghề truyền thống, hiện tất cả các con cháu của ông vẫn kiên trì, miệt mài để dòng tranh dân gian này không bị mai một…

Rất nhiều đại biểu giống như Đại sứ Angola Joao Manuel Bernado lần đầu tiên có cơ hội đến thăm làng tranh Đông Hồ, tận mắt chiêm ngưỡng những bức tranh bằng giấy được làm thủ công trên bàn tay tài hoa của các nghệ nhân. Họ đều khâm phục sự cần mẫn, tỉ mỉ của các nghệ nhân trong việc gìn giữ và hy vọng dòng tranh độc đáo này của Việt Nam sớm được UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiều người còn được con, cháu của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế nhiệt tình hướng dẫn và thực hành những thao tác cơ bản trong các công đoạn làm tranh.

Đại sứ Cuba Herminio López Díaz chia sẻ tại chuyến du Xuân. (Ảnh: K.L)

Tại xưởng làm tranh, Đại sứ Cuba Herminio López Díaz say sưa theo dõi và ngắm nhìn một nghệ nhân ngồi khắc tranh. Theo ông, những bản tranh khắc gỗ cho thấy các nghệ nhân Việt Nam có trình độ rất cao, thực sự là những nghệ nhân lành nghề với sự khổ luyện và tận tâm. “Những bức tranh Đông Hồ không chỉ đẹp và công phu mà nó cho thấy một tinh thần lạc quan với nhiều ước mơ của người dân Việt Nam vào cuộc sống”, Đại sứ chia sẻ.

Nghe Phó Chủ tịch tỉnh hát trao duyên

Tạm biệt làng tranh Đông Hồ, các đại biểu tiếp tục có buổi giao lưu hữu nghị quốc tế tại Thành phố Bắc Ninh. Phát biểu tại đây, ông Bùi Khắc Sơn - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam nhấn mạnh hoạt động du xuân hữu nghị là dịp để tăng cường sự hiểu biết, tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, đồng thời tạo điều kiện cho cac tổ chức nước ngoài tìm hiểu, trao dổi các cơ hội hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.

Tiết mục hát Quan họ của các liền chị Bắc Ninh. (Ảnh: Đ.L)

Thay mặt các đại biểu, Đại sứ Cuba Herminio López Díaz cho biết, đây là một chuyến đi tuyệt vời đối với cá nhân ông cũng như các thành viên khác trong ngoại giao đoàn tại Việt Nam. Ông Hermini López Diaz cảm ơn đến Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, UBND tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức chương trình Du xuân ý nghĩa này, góp phần tăng cường sự hiểu biết về văn hóa và lịch sử Việt Nam cũng như tận mắt chứng kiến sự phát triển kinh tế - xã hội năng động của tỉnh Bắc Ninh.

Chuyến du Xuân hữu nghị đã khép lại bằng những lời ca Quan họ thắm tình của các liền anh, liền chị Bắc Ninh. Ngạc nhiên hơn là các đại biểu đã được nghe Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Phong hát trao duyên để bày tỏ lòng mến khách.

An Lê

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/chuyen-du-xuan-cua-tinh-huu-nghi-45363.html