Chuyển dự án điện than sang điện khí: Sao còn băn khoăn?

Nguồn tài nguyên trong nước có sẵn không dùng, mà đi vay vốn phát triển nhiệt điện than là lãng phí, khó hiểu...

Hà Tĩnh lần thứ 4 gửi văn bản tới Bộ Công thương đề xuất việc chuyển đổi quy hoạch Trung tâm điện lực Vũng Áng 3 từ nhiên liệu than sang sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng LNG và nâng công suất từ 2.400MW lên 4.500MW.

Hà Tĩnh kiến nghị chuyển nhiệt điện than sang nhiệt điện khí. Ảnh minh họa

Hà Tĩnh kiến nghị chuyển nhiệt điện than sang nhiệt điện khí. Ảnh minh họa

Những lý do Hà Tĩnh đưa ra như: Hà Tĩnh đã có hai dự án Nhiệt điện Vũng Áng I (1.200 MW) và Nhiệt điện Formosa (650 MW) đã đi vào vận hành, khai thác với tổng công suất là 1.850 MW. Dự án Nhà máy Nhiệt điện II (1.200 MW) vẫn đang trong giai đoạn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thi công.

Ngoài ra, qua khảo sát về sức chịu tải của môi trường khu vực khu kinh tế Vũng Áng cũng như những hậu quả nặng nề sau sự cố Formosa năm 2016 đã gây áp lực lớn tới môi trường biển và hoạt động xử lý xỉ của khu kinh tế này. Do đó, việc chuyển đổi từ nhiệt điện than sang khí là rất cần thiết.

Đồng tình cao với đề xuất của Hà Tĩnh, chuyên gia năng lượng - TS Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam) cho hay, phát triển nhiệt điện khí đang trở thành một xu hướng và đề xuất của Hà Tĩnh là hợp lý.

Phân tích cụ thể từ Quy hoạch điện 8 đang được xem xét điều chỉnh lại, vị chuyên gia cho biết, nên cân nhắc chấp thuận với đề xuất của Hà Tĩnh để tránh mắc sai lầm.

Cụ thể, ông cho biết, ngay từ việc góp ý lại cho Quy hoạch điện 8, trong đó, các kiến nghị chung của các tổ chức, địa phương khi cho rằng, Quy hoạch điện 8 có nhiều vấn đề phải xem xét lại. Cụ thể là những sai lầm Quy hoạch điện 7 đã mắc phải, cần phải tránh.

Những sai lầm cần phải được khắc phục tại Quy hoạch điện 8 được đề cập tới gồm 2 điểm cơ bản.

Thứ nhất, việc xác định nhu cầu tiêu thụ điện hiện nay đang được dự báo quá lớn, chưa xét trên hoàn cảnh thực tế, do đó, Quy hoạch điện 7 vừa ra đời đã buộc phải sửa đổi lại.

Thứ hai, Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết 55) đặt chiến lược phát triển là phải phù hợp xu thế chung của thế giới.

Thực tế, từ năm 2015 đến nay, xu thế chung của các nước là dùng năng lượng tái tạo để thay thế nhiệt điện than, sử dụng khí LNG và khí hydro. Tuy nhiên, Quy hoạch điện VII là đưa rất nhiều nhiệt điện than vào, chiếm tới 53% song từ năm 2018, khi dòng vốn đổ vào nhiệt điện than giảm, quy hoạch này gần như phá sản.

Để phủ lấp sự thiếu hụt điện, xu hướng đầu tư năng lượng tái tạo lại ồ ạt đầu tư vào. Vì điều này, đã có rất nhiều sự án điện mặt trời được hình thành.

Đến năm 2018, một lần nữa xu hướng thế giới lại thay đổi do trữ lượng khí LNG tăng cao, giá thành giảm, nhiều nước đổ xô mua tích trữ với giá rẻ.

Lo ngại Quy hoạch điện 8 có thể sẽ mắc lại nhưng sai lầm cũ, cụ thể là GDP không đạt mục tiêu thì mục tiêu phát triển điện của Quy hoạch điện 8 rất khó đạt được.

Vì điều này, vị chuyên gia cho rằng cần phải có đánh giá thận trọng dựa trên sự phát triển, tăng trưởng của nền kinh tế, trên cơ sở nền kinh tế phát triển tới đâu để xác định nhu cầu sử dụng điện tới đó, tránh tình trạng đề cao quá nhu cầu, gây thiệt lãng phí, thiệt hại lớn cho đất nước.

Bên cạnh đó, tỉ lệ nhiệt điện than đưa vào Quy hoạch điện 8 vẫn còn khá lớn, giai đoạn 2021-2030, cơ cấu công suất có sự thay đổi theo hướng giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than từ 34% năm 2020 xuống còn 27% vào năm 2030, theo lý giải là không thể giảm thêm được tỉ lệ điện than do các nhà máy điện than đã có hợp đồng cung cấp ổn định.

Tuy nhiên, việc tiếp tục phát triển nhiệt điện than trong bối cảnh phải đi nhập khẩu than, nhưng lại thừa năng lượng tái tạo là bất hợp lý.

Chưa hết, gần đây, Việt Nam đã phát hiện nhiều mỏ khí có trữ lượng lớn ví dụ, mỏ Kèn Bầu có trữ lượng khí ước tính lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay. Theo dự tính, có thể thực hiện khai thác vào trước năm 2030 với trữ lượng khai thác lên tới 14 tỉ m3 khí.

"Nguồn tài nguyên trong nước có sẵn nhưng lại không dùng, mà đi phát triển nhiệt điện than vừa phải vay vốn nước ngoài đầu tư nhà máy, vừa bị phụ thuộc nguồn cung nhập khẩu thì rất khó hiểu.

Việc chỉ đạo rà soát lại Quy hoạch điện 8 chính là để làm rõ mục đích này.

Trở lại đề xuất của Hà Tĩnh, đó là đề xuất rất hợp lý. Hà Tĩnh đề xuất như vậy dựa trên những đánh giá thực tế đó là không phải đi nhập nhiên liệu vẫn có nguồn nhiên liệu để phục vụ phát triển điện trong nước tốt hơn, chủ động hơn. Do đó, các cơ quan chức năng ngoài việc rà soát lại Quy hoạch theo hướng khả thi cũng cần xem xét, cân nhắc thêm những đề xuất của địa phương để cân đối hài hòa giữa chiến lược phát triển của trung ương và phù hợp với điều kiện của địa phương.

Ông lấy ví dụ, ĐBSCL cả vùng có chiến lược phát triển năng lượng tái tạo thì quy hoạch phải điều chỉnh cho phù hợp.

"Với Hà Tĩnh cũng vậy, nếu địa phương có lợi thế thì cần phải tạo điều kiện để cho địa phương tận dụng, phát triển", TS Ngô Đức Lâm góp ý.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/doanh-nghiep/chuyen-du-an-dien-than-sang-dien-khi-sao-con-ban-khoan-3434320/