Chuyện động trời về vị bác sĩ chữa hiếm muộn được hé lộ sau hơn 30 năm

Không từ ngữ nào có thể diễn tả được niềm vui của Pauline Chambless khi cô bế con gái mình, Jessica lần đầu tiên vào năm 1987.

Sau 14 năm, rốt cuộc cô cũng đã thỏa ước nguyện được làm mẹ sau nhiều lần sảy thai. Tất cả là nhờ bác sĩ phụ sản của cô, Kim McMorries và một người hiến tinh trùng vô danh. Nhưng thời điểm đó, cô chưa biết rằng cả hai đều là một.

Hiện tại, Jessica đã 33 tuổi và đang quản lý một cơ sở chăm sóc sắc đẹp. ‘Mẹ hoàn toàn thành thật và điều đó khiến tôi cảm thấy đặc biệt. Mẹ cũng chia sẻ mọi thứ bà biết về người cha ruột, rằng ông từng là một sinh viên y khoa cao lớn, có mái tóc đỏ, yêu âm nhạc. Tôi thường tự hỏi liệu một ngày nào đó tôi có thể gặp ông ấy hay không’, Jessica nói.

 Jessica Stavena (trái) và mẹ cô, bà Pauline Chambless.

Jessica Stavena (trái) và mẹ cô, bà Pauline Chambless.

Jessica cũng thường tự hỏi về gia đình của cha ruột, liệu cô có anh chị em họ gì không. Cô cũng có một vài vấn đề sức khỏe và muốn biết về tiểu sử y tế của mình. Cuối cùng, cô quyết định làm xét nghiệm DNA.

Khi kết quả được đưa ra vào ngày 23/2, ‘tim tôi đã đập rất mạnh’, Jessica nói. ‘Đó là một người có họ Stavenna’, cô nhớ lại. Ngay sau đó, cô gọi cho mẹ mình, hiện 67 tuổi, để báo tin và cả hai vừa tiếp tục trò chuyện vừa tìm kiếm.

Jessica nhấp chuột vào để xem có ai là người thân của mình. ‘Đột nhiên, tôi thấy có anh chị em cùng cha khác mẹ: 2 chị gái và 1 anh trai. Tôi ngây ngất’, cô nhớ lại.

Cô tìm kiếm trên Facebook và gửi yêu cầu kết bạn. Vài phút sau, có một tin nhắn từ người chị cùng cha khác mẹ của cô, Eve Wiley: ‘Xin chào’. Jessica hỏi lại: ‘Bạn có biết gì về chuyện tôi được sinh ra không?’. Eve đáp: ‘Có phải bác sĩ McMorries là bác sĩ của mẹ bạn?’.

Jessica xác nhận và sau đó đọc to câu trả lời của Wiley: ‘Tôi ghét phải xác nhận điều này nhưng ông ấy cũng là cha của chúng tôi’.

Pauline và Jessica thốt lên: ‘Cái gì cơ?’. Họ bị sốc nặng và cả hai im lặng trong vài phút.

Jessica khi còn nhỏ

‘Tôi đã đặt niềm tin vào ông ấy’, Pauline nhớ lại khi lần đầu tiên bà đặt chân vào văn phòng của Tiến sĩ McMorries ở Nacogdoches, Texas vào năm 1984 sau nhiều năm tìm cách có thai.

‘Ông ấy là bác sĩ phụ sản ở địa phương và không ai có thể chê trách ông ấy điều gì. Ông rất lịch sự và đáng yêu’.

McMorries đã hỏi vợ chồng Pauline những yếu tố mà họ muốn về người hiến tặng, như: màu tóc, chiều cao, quốc tịch.

Trong 2 năm rưỡi, Pauline đã trải qua nhiều vòng thụ tinh nhân tạo ở văn phòng của bác sĩ McMorries. Một vài lần cô có thai nhưng đều bị sảy khi thai nhi được khoảng 6 tuần tuổi.

Pauline rất buồn nhưng dù sao cô cũng đặt niềm tin vào vị bác sĩ mà mình đang điều trị. Cuối cùng, vào năm 1986, cô thụ thai thành công và không bị sảy. ‘Ngay sau khi tôi chuyển dạ, ông ấy đến và ở lại trong khoảng 1 giờ cho tới khi Jessica được sinh ra’, Pauline nhớ lại.

‘Sinh con khi chồng bên cạnh, và vị bác sĩ giúp chúng tôi thụ thai lại chính là cha ruột vẫn là điều khó chấp nhận với tôi’, Pauline nói. ‘Không bệnh nhân nào lại mong đợi điều này cả. Tôi không bao giờ đồng ý cho bác sĩ của mình hiến tinh trùng’.

Giáo sư luật học ở Đại học Indiana, Lyneé Madeira cho rằng, họ là nạn nhân của ‘lừa đảo sinh sản’. Đó là một hành động bất hợp pháp khi một bác sĩ cố tình sử dụng tinh trùng của mình để thụ tinh cho bệnh nhân nữ mà không có sự đồng ý của cô.

Wiley, người chị gái cùng cha khác mẹ với Jessica cũng trải qua những khó khăn này vào năm 2018 khi cô biết sự thật. Mẹ cô cũng đã phải vật lộn với việc vô sinh trong nhiều năm và tới gặp bác sĩ McMorries để được giúp đỡ. Cô đã tin rằng, cha ruột mình là một người hiến tinh trùng ở California cho đến khi xét nghiệm DNA cho thấy đó là McMorries.

Wiley đã đối mặt với vị bác sĩ và ông thừa nhận rằng đã trộn lẫn tinh trùng của mình với những người hiến tặng để tăng khả năng thụ thai của mẹ cô. Trong các báo cáo khác, ông tuyên bố rằng đã xin phép mẹ của Wiley nhưng bà phủ nhận.

Ở Texas, nếu một cơ sở cung cấp dịch vụ y tế sử dụng tinh trùng người, trứng hoặc phôi từ một người hiến tặng trái phép, thì đó được coi là một vụ tấn công tình dục – nhưng luật này chỉ được thông qua vào năm 2019. Và vì vậy, một số người tin rằng hành động của McMorries không phạm pháp vào thời điểm những đứa trẻ được thụ thai.

Tuy nhiên, Giáo sư Madeira không đồng ý với quan điểm này. ‘Luôn là bất hợp pháp khi lừa dối bệnh nhân một cách có chủ ý về những hỗ trợ y tế mà họ có thể nhận được’, bà nói. ‘Thành thực mà nói, không có bệnh nhân nào mong chờ bác sĩ của họ là người hiến tinh trùng’.

Mặc dù Madeira đã đệ đơn khiếu nại McMorries với Hội đồng Y khoa Texas, nhưng hội đồng đã không có hành động chống lại vị bác sĩ - người vẫn đang hành nghề y tại phòng khám của ông ở Nacogdoches. Bản thân McMorries từ chối bình luận về vụ việc này.

‘Con bé đã rất mong chờ để biết bố ruột nó là ai. Nhưng bây giờ, nó đang rất đau khổ’, Pauline nói trong nước mắt. Trong khi đó, Jessica cũng chia sẻ: ‘Mẹ đã không đồng ý với điều này. Khi nhìn ảnh ông ấy, tôi tự hỏi rằng, sao ông ấy có thể làm chuyện này được cơ chứ’.

Cô cũng tỏ ra lo lắng về các thế hệ tương lai: ‘3 anh chị em cùng cha chúng tôi sống trong một thị trấn, và 2 trong số họ có con học cùng trường. Làm sao để ngăn chặn được việc chúng yêu nhau hay có quan hệ tình dục. Đó là loạn luân’.

Eve Wiley khi còn nhỏ

Tổng cộng, Jessica đã phát hiện ra 7 anh chị em cùng cha khác mẹ với cô. Nhưng cả Jessica và Pauline đều không muốn liên lạc với McMorries.

Đối với Pauline, điều quan trọng nhất là bà vẫn có một cô con gái tuyệt vời, người mà bà sẽ không đánh đổi vì bất cứ điều gì. Nhưng bà vẫn cố gắng để nhớ lại thời điểm trong phòng sinh. ‘Bây giờ nhìn lại và ngẫm nghĩ, tôi cho rằng ông ấy hẳn đã biết đó là con gái mình. Nhưng lúc đó, tôi chỉ nghĩ, thật may mắn khi gặp được một bác sĩ như McMorries’.

Đăng Dương (Theo NY Post)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/cau-chuyen-dong-troi-ve-vi-bac-si-chua-hiem-muon-duoc-he-lo-hon-30-nam-sau-642624.html