Chuyển động tích cực

Tổng thống Afghanistan A.Ghani và đối thủ A.Abdullah vừa ký thỏa thuận chia sẻ quyền lực, qua đó chấm dứt mâu thuẫn gay gắt kéo dài nhiều tháng qua. Đây được coi là chuyển động tích cực góp phần đưa Afghanistan thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị và thúc đẩy những nỗ lực để mang lại hòa bình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trên con đường hướng tới một nền hòa bình lâu dài.

Tổng thống Afghanistan A.Ghani và đối thủ A.Abdullah vừa ký thỏa thuận chia sẻ quyền lực, qua đó chấm dứt mâu thuẫn gay gắt kéo dài nhiều tháng qua. Đây được coi là chuyển động tích cực góp phần đưa Afghanistan thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị và thúc đẩy những nỗ lực để mang lại hòa bình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trên con đường hướng tới một nền hòa bình lâu dài.

Trên mạng xã hội Twitter, người phát ngôn tổng thống S.Sediqqi viết: “Thỏa thuận chính trị giữa Tổng thống A.Ghani và ông A.Abdullah vừa được ký kết. Tiến sĩ A.Abdullah sẽ lãnh đạo Hội đồng tối cao hòa giải dân tộc và các thành viên thuộc đội ngũ của ông giữ các vị trí trong nội các”. Thỏa thuận cũng chỉ định ông A.Abdullah dẫn đầu phái đoàn đàm phán hòa bình với phiến quân Taliban, vốn đã ký thỏa thuận quan trọng với Mỹ nhằm mở đường cho việc rút các lực lượng nước ngoài khỏi Afghanistan. Trong khi đó, người phát ngôn của ông A.Abdullah, F.Khawzoon cho biết, thỏa thuận bảo đảm phe ủng hộ ông A.Abdullah sẽ nắm giữ 50% số thành viên nội các cũng như vị trí thống đốc các tỉnh.

Bước đột phá trên diễn ra trong bối cảnh Afghanistan đang đương đầu với hàng loạt cuộc khủng hoảng, trong đó có tình trạng lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 và xu hướng gia tăng bạo lực.

Afghanistan cũng rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc trong nhiều tháng qua. Ông A.Ghani giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 9-2019, song tiến trình công bố bị trì hoãn năm tháng do phải kiểm phiếu lại. Đến khi kết quả bầu cử được chính thức công bố hồi tháng 2 vừa qua với chiến thắng thuộc về đương kim tổng thống, đối thủ của ông A.Ghani là ông A.Abdullah - quan chức điều hành cấp cao chính quyền Afghanistan - vẫn tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử và thành lập chính phủ của riêng mình.

Bế tắc chính trị lên đỉnh điểm khi trong ngày 9-3 vừa qua, ông A.Abdullah tổ chức lễ tuyên thệ tại thủ đô Kabul cùng thời điểm với lễ nhậm chức của Tổng thống A.Ghani, sau khi các cuộc đàm phán giữa hai bên do Đặc phái viên Mỹ Z.Khalilzad làm trung gian thất bại. Đây được xem là một “thảm họa” về chính trị của Afghanistan, kéo theo những hệ lụy về an ninh và đoàn kết dân tộc.

Cộng đồng quốc tế kỳ vọng thỏa thuận chia sẻ quyền lực mà Tổng thống A.Ghani và ông A.Abdullah vừa đạt được sẽ giúp quốc gia Nam Á thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị. Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pompeo đã hoan nghênh thỏa thuận về chia sẻ quyền lực giữa các đối thủ chính trị tại Afghanistan, đồng thời thúc giục một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt bạo lực. Ông M.Pompeo nhắc lại ưu tiên của Mỹ vẫn là một thỏa thuận chính trị nhằm chấm dứt cuộc xung đột và hoan nghênh những cam kết của hai nhà lãnh đạo để hành động ngay lập tức hỗ trợ việc tham gia nhanh chóng vào các cuộc đàm phán nội bộ.

Theo thỏa thuận, ông A.Abdullah sẽ dẫn đầu các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai với Taliban. Tuy nhiên, cơ hội hòa bình vẫn chưa được bảo đảm chắc chắn khi các cuộc giao tranh đẫm máu vẫn đang tiếp diễn.

Gần đây, Taliban tăng cường các cuộc tiến công nhằm vào lực lượng an ninh cũng như dân thường Afghanistan. Ngày 16-5 vừa qua, lực lượng này đã sát hại ít nhất 11 binh sĩ chính phủ trong các vụ tiến công tại tỉnh miền đông Paktia và tỉnh miền trung Ghor. Trước đó, các vụ tiến công xảy ra tại một bệnh viện phụ sản ở thủ đô Kabul và một đám tang tại tỉnh miền đông Nangarhar làm hàng chục người chết. Sáng 18-5, ít nhất bảy người chết và 40 người bị thương trong vụ đánh bom xe nhằm vào một doanh trại của Tổng cục An ninh quốc gia (NDS) tại tỉnh miền đông Ghazni. Tổng thống Afghanistan A.Ghani cho rằng, Taliban là thủ phạm của các vụ tiến công, đồng thời chỉ thị lực lượng an ninh nối lại các chiến dịch truy quét phiến quân.

Bạo lực leo thang cho thấy, Afghanistan vẫn đối mặt nhiều thách thức trên con đường hướng tới một nền hòa bình lâu dài, ngay cả sau khi Mỹ và Taliban đạt được thỏa thuận hòa bình ngày 29-2 vừa qua. Theo thỏa thuận, Mỹ và lực lượng nước ngoài cam kết rút quân khỏi Afghanistan trước tháng 7-2021, qua đó chấm dứt cuộc chiến dài nhất mà Mỹ từng tham gia, đổi lại Taliban đưa ra một số bảo đảm an ninh và tiến hành đàm phán với đại diện Chính phủ Afghanistan. Tuy nhiên, xung đột lại leo thang từ tháng 3 vừa qua khi Chính phủ Afghanistan và Taliban bất đồng một số vấn đề gây cản trở khởi động hòa đàm. Hy vọng rằng với việc các đối thủ chính trị ở Afghanistan vừa đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực, các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai giữa Chính phủ Afghanistan với Taliban sẽ sớm được khởi động, nhằm đạt được một giải pháp chính trị để chấm dứt bạo lực.

ĐỨC TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/44523602-chuyen-dong-tich-cuc.html