Chuyển động Tài chính: Chữa bệnh giả vờ

'Việc định giá đất phải bảo đảm phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường' là nguyên tắc được các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ ràng. Song, thực tế chưa được như vậy. Điều đó được các đại biểu Quốc hội liên tục phản ánh trên nghị trường, xuất phát từ các kiến nghị cử tri.

Đất nền tăng giá chóng mặt cục bộ một số nơi. Ảnh: ST

Đất nền tăng giá chóng mặt cục bộ một số nơi. Ảnh: ST

Tại các nước phát triển, quy định giá đất theo định giá hàng loạt không được thấp hơn 80% của giá đất thị trường. Đây là một yêu cầu quan trọng để tạo dựng một hệ thống tài chính đất đai thực, trước hết tránh thất thu nguồn thu từ đất cho ngân sách nhà nước.

Tại Việt Nam, pháp luật đất đai quy định giá đất theo bảng giá đất không được chênh lệch quá 20% so với giá đất trên thị trường. Như vậy, Việt Nam cũng bảo đảm tiêu chí về độ chênh lệch giá đất 20% giữa giá đất theo định giá hàng loạt và định giá cụ thể phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Trên thực tế, quy định về bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định đang thấp hơn rất nhiều so với giá đất thị trường tại tất cả các địa phương. “Bằng mắt thường” có thể thấy, ở các thành phố lớn, giá đất trên bảng giá chỉ bằng khoảng 20-40% giá đất thị trường. Việc Chính phủ quy định dựa trên việc nhân hệ số với giá đất trên bảng giá đất cùng với thực tế bảng giá đất quá thấp so với giá đất thị trường đang tạo nên một hệ thống tài chính đất đai “giả vờ” ở Việt Nam. Nếu tiếp tục sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, không chỉ thất thu ngân sách mà còn tạo thuận lợi cho tham nhũng cũng như tăng thêm bất đồng trong xã hội khi Nhà nước thu hồi đất.

Song có một điều lạ là vừa qua, khi TPHCM đưa ra chủ trương tăng bảng giá đất lên khoảng từ 20-30% thì lại có nhiều ý kiến không đồng thuận với lý do làm tăng thuế, phí về đất đai. Lạ ở chỗ, bảng giá đất tăng, phù hợp với giá đất trên thị trường thì nhiều đối tượng được hưởng lợi nhưng người trực tiếp sử dụng, thuê, mua số đất đó sẽ phải nộp tăng số thuế, phí lên. Đó là tất yếu. Nhưng vì số thuế, phí ít ỏi mà phản đối việc nâng giá thì quả là “thiển cận”.

Chỉ có một hệ thống tài chính đất đai thực mới tạo được hiệu quả cao. Cũng hiểu rằng, Chính phủ và chính quyền địa phương có nhiều khó khăn trong việc xác định khung giá đất và bảng giá đất, giá đất cụ thể do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Nhưng, trước tiên, các đơn vị có trách nhiệm cần theo sát diễn biến của thị trường để điều chỉnh khung giá đất kịp thời, chấm dứt tình trạng có khu vực đã áp mức giá tối đa nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường; cũng cần hoàn thiện các phương pháp tính giá đất và các vấn đề liên quan đến xác định giá đất để các địa phương xác định bảng giá đất, giá đất cụ thể phù hợp thị trường, bảo đảm lợi ích cho người dân và không gây thất thoát ngân sách. Cùng với đó là khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất thị trường và tăng cường giám sát việc định giá đất.

Những việc đó sẽ không đơn giản nhưng nếu thực sự chú tâm, căn bệnh "giả vờ" chắc hẳn cũng sẽ khỏi thôi.

Đông Mai

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/chuyen-dong-tai-chinh-chua-benh-gia-vo-110677.html