Chuyển động đáng chú ý ở VIB

Chốt 9 tháng, tổng thu nhập hoạt động của VIB đạt 7.845 tỷ đồng, tăng mạnh 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tiền đề để ngân hàng này đưa ra một quyết định táo bạo giữa dịch Covid-19: ồ ạt tuyển dụng nhân viên.

Chuyển động đáng chú ý ở VIB

Chuyển động đáng chú ý ở VIB

Dịch Covid-19 dường như không cản được đà tăng lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB). Lũy kế 9 tháng năm 2020, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 4.024 tỷ đồng, tăng tới 38% so với cùng kỳ năm ngoái, chắc chắn sẽ là mức tăng trưởng thuộc hàng cao nhất ngành ngân hàng trong bối cảnh chung đầy khó khăn.

Năm ngoái, lợi nhuận của VIB tăng 49%. Hai năm trước đó mỗi năm đều tăng cỡ 100%. Tính bình quân từ năm 2017 đến nay, tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng này lên đến trên 70% mỗi năm.

Tín dụng vẫn tiếp tục là lực đẩy lợi nhuận. Mảng này ghi nhận tăng trưởng thu nhập lãi thuần lên đến 31% so với 9 tháng năm ngoái.

Để đạt được mức tăng trưởng này, VIB đã đẩy tăng trưởng cho vay 9 tháng lên 15,3% (cao hơn rất nhiều mức bình quân chung toàn ngành chỉ khoảng trên 6%). Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán SSI, động lực của VIB đến từ phân khúc cho vay mua nhà với tăng trưởng cho vay lên đến 20%.

Cùng với đó, tăng trưởng cho vay cực cao của năm ngoái (lên đến 37,4%) cũng hỗ trợ cho thu nhập tín dụng năm nay.

Ở chiều chi phí, chi phí huy động của VIB tăng thấp hơn doanh thu tín dụng, nhờ lượng tiền gửi khách hàng chỉ tăng 12,8%, thấp hơn mức tăng 15,3% của dư nợ cho vay. Thêm vào đó, việc tăng mạnh tiền gửi từ tổ chức kinh tế (tăng 26% so với đầu năm và 42% so với một năm trước) cũng giúp giảm chi phí vốn, bởi lãi suất tiền gửi từ tổ chức kinh tế có xu hướng thấp hơn cá nhân.

Không chỉ diễn biến tích cực ở mảng tín dụng, các mảng phi tín dụng cũng ghi nhận tăng trưởng lãi thuần rất cao, tổng cộng lên tới 43%. Bên cạnh việc cải thiện mức lỗ ròng ở mảng ngoái hối, động lực tăng trưởng lãi thuần phi tín dụng của VIB đến từ mảng dịch vụ với mức tăng 28%. Điểm đặc biệt là dịch vụ bảo hiểm có phần chững lại, thay vào đó, lực đẩy đến từ dịch vụ thanh toán khi thu nhập tăng tới 63%.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI, mức tăng lãi thuần thanh toán mạnh mẽ này gắn liền với sự phát triển của dịch vụ thẻ tín dụng trong thời gian gần đây. Dữ liệu cho thấy VIB đã phát hành bình quân tới hơn 10.000 thẻ tín dụng/tháng trong quý II và quý III/2020.

Chốt 9 tháng, tổng thu nhập hoạt động (cả tín dụng và phi tín dụng) của VIB đạt 7.845 tỷ đồng, tăng mạnh 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tiền đề để ngân hàng này đưa ra một quyết định táo bạo giữa dịch Covid-19: ồ ạt tuyển dụng nhân viên.

Thống kê cho thấy 9 tháng năm nay, VIB đã tuyển ròng thêm thêm 1.480 nhân viên, tương đương tăng 21% so với đầu năm.

Đây là nguyên nhân quan trọng khiến chi phí hoạt động của ngân hàng này tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ tổng thu nhập hoạt động tăng mạnh hơn nên kết thúc 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của VIB vẫn đạt mức tăng "khủng" 38%, như đã đề cập ở phần đầu.

Vì sao VIB lại ồ ạt tuyển dụng nhân viên ngay trong dịch Covid-19, trong khi lựa chọn của đa số các ngân hàng khác là tiết giảm chi phí?

VIB đang nổi lên là một ngân hàng "siêu tăng trưởng" với mức tăng lợi nhuận hàng năm thuộc vào hàng đáng mơ ước. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng này hiện đối mặt với không ít áp lực.

Đầu tiên phải kể đến áp lực tăng trưởng cho vay. Thống kê toàn ngành cho thấy VIB là một trong những ngân hàng ghi nhận tăng trưởng dư nợ cho vay cao nhất trong những năm gần đây. Giai đoạn 2015 - 2019, chưa năm nào dư nợ cho vay của VIB tăng dưới 20%. Đỉnh điểm là năm 2019 với tăng trưởng dư nợ cho vay lên đến 34,4%, trong khi toàn ngành chỉ tăng cỡ khoảng 14%. Sở dĩ có chuyện này là bởi năm 2019, VIB được "ưu ái" cấp hạn mức tín dụng cao do hoàn thành sớm các chuẩn Basel II.

Tăng trưởng cho vay cao là động lực chính giúp VIB đạt được tăng trưởng lợi nhuận cao trong những năm qua.

Tuy nhiên, sự "ưu ái" về hạn mức tín dụng chỉ là tạm thời, thêm vào đó, dư nợ ngày càng lớn, hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp cũng sẽ ngày càng giảm. Điều này phần nào sẽ kìm hãm đà tăng lợi nhuận của VIB trong tương lai.

Tăng trưởng dư nợ cho vay của VIB rất cao trong những năm gần đây. Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của VIB

Thứ hai, dư địa nâng biên lợi nhuận cho vay của VIB không còn nhiều do tỷ trọng cho vay trung và dài hạn trong tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này hiện đã quá cao (đạt đỉnh vào năm 2018 với 84,9%, giảm nhẹ xuống 83,4% vào năm 2019 và tiếp tục giảm xuống 80,5% kết thúc 9 tháng năm nay); trong khi đó, tỷ trọng cho vay cá nhân cũng đã ở mức rất cao, lên tới trên 82%.

Thông thường, cho vay kỳ hạn càng dài lãi suất càng cao vì rủi ro cao. Cùng với đó, cho vay cá nhân cũng thường có lãi suất bình quân cao hơn cho vay tổ chức kinh tế.

Thứ ba là áp lực trích lập dự phòng.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI công bố gần đây nhấn mạnh áp lực trích lập dự phòng của VIB vẫn còn trong các quý sắp tới, đặc biệt là ở phân khúc cho vay ô tô.

"Mặc dù chi phí dự phòng bao nợ xấu vẫn ở mức thấp, lợi nhuận hiện tại của danh mục cho vay mua ô tô tương đối thấp ở mức 0,8% đối với cho vay mua ô tô mới, theo tính toán của chúng tôi, vì lợi suất cho vay mua ô tô năm đầu tiên là 9,2% (tăng lên đến 11% sau năm đầu tiên). Tỷ lệ nợ xấu đối với cho vay ô tô đã tăng lên trong 6 tháng đầu năm 2020 và do đó, chúng tôi ước tính chi phí tín dụng sẽ có thể tăng cao hơn trong tương lai khiến lợi nhuận cho vay mua ô tô giảm xuống", chuyên gia của SSI đánh giá.

Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) trong báo cáo phân tích về VIB mới đây cũng nhấn mạnh rằng chi phí dự phòng của VIB vẫn chịu áp lực tăng mặc dù tỷ lệ nợ xấu giảm.

Được biết, chi phí dự phòng của VIB ở mức khá thấp, trong 9 tháng năm nay chỉ chiếm khoảng 14% lợi nhuận thuần. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng ở mức thấp so với các ngân hàng khác, chỉ trên 48%, trong khi ở nhiều ngân hàng, tỷ lệ này từ khoảng 70% trở nên, một số trên 100%, cao nhất là Vietcombank với 251%.

Việc tuyển dụng ồ ạt nhân viên bất chấp dịch Covid-19 phần nào cho thấy VIB đang rất quyết liệt trong việc chuẩn bị nhân lực phục vụ cho việc mở rộng mạnh mẽ thị phần ở cả mảng tín dụng và phi tín dụng, nhằm duy trì tăng trưởng lợi nhuận cao trong các năm tiếp theo bất chấp đà tăng đang chịu không ít áp lực.

Minh Tâm

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/chuyen-dong-dang-chu-y-o-vib-20180504224245491.htm