Chuyện đồng chuyện ruộng với chủ nhiệm hợp tác xã thời ông Kim Ngọc

Tròn 10 năm tôi mới trở lại Lai Sơn, trong dạ cứ thấp thỏm về cụ Nguyễn Văn Tấn - nguyên chủ nhiệm hợp tác xã. Cái đận 10 năm trước cụ đã 90 tuổi.

Thế rồi mới dừng trước cổng đã thấy cụ đang ngồi trước cửa nhà. Khi nói về chuyện đồng chuyện ruộng thì ông chủ nhiệm hợp tác xã tuổi tròn thế kỷ ấy lại rổn rảng suốt.

Đón Bác về thăm

Chuyện bắt đầu từ ngày 30-3-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Hợp tác xã (HTX) Lai Sơn, xã Cộng Hòa, huyện Tam Dương (thuộc phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) – một điển hình tiên tiến trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp theo chủ trương của Trung ương Đảng.

Tháng 2-1957, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc chủ trương xây dựng 5 HTX nông nghiệp bậc thấp ở một số huyện. Thôn Lai Sơn có phong trào tổ đổi công khá nhất huyện nên được chọn làm nơi thí điểm xây dựng HTX nông nghiệp bậc thấp của tỉnh.

Từ một anh cố nông đi làm thuê cho nhà giàu trong làng, sau thành con rể, Nguyễn Văn Tấn tay cày tay cuốc, được tín nhiệm làm Chủ nhiệm từ ngày đầu xây dựng.

Tư liệu cũ còn lưu lại cho biết từng số liệu cụ thể: Tháng 5-1957, HTX nông nghiệp Lai Sơn được thành lập gồm 29 hộ xã viên, tư liệu sản xuất gồm 165 mẫu ruộng, 25 con trâu, bò và 30 hộ cày bừa. Vụ mùa đầu tiên, HTX giành thắng lợi lớn hơn cả 3 chỉ tiêu: diện tích, năng suất, sản lượng. Mỗi ngày công lao động (10 điểm) được chia 10kg thóc. Xã viên được hưởng 30% hoa lợi ruộng đất và nông cụ do HTX để lại. HTX chỉ giành 5% quỹ phúc lợi và quỹ xã hội. Sản lượng còn lại, HTX chia hết cho xã viên.

Cụ Nguyễn Văn Tấn (2018) (Ảnh: KMS).

Cụ Nguyễn Văn Tấn (2018) (Ảnh: KMS).

Bởi vậy, đời sống xã viên được cải thiện rõ rệt. Uy tín HTX bước đầu được khẳng định và ưu thế của lối làm ăn tập thể bắt đầu vượt trội lối làm ăn cá thể. Từ kết quả ở Lai Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc đã thêm kinh nghiệm chỉ đạo xây dựng HTX nông nghiệp bậc thấp và chuẩn bị bước vào phong trào hợp tác hóa nông nghiệp theo chủ trương của Trung ương Đảng.

Tiếng lành đồn xa. Còn đang ngoài đồng thì ông Chủ nhiệm Nguyễn Văn Tấn được thông báo: Ngày mai (30-3-1958) có đoàn khách quốc tế về thăm xã Cộng Hòa và HTX nông nghiệp Lai Sơn, cùng đi có cán bộ Trung ương Đảng.

Biết tin ấy, Ban chủ nhiệm HTX phấn khởi ra mặt. Nông dân mới qua cải cách ruộng đất, vào tổ đổi công rồi vào HTX chưa được bao lâu, nay lại được đón khách Trung ương và quốc tế về thăm thì vinh dự biết bao. Cụ Tấn nheo nheo đôi mắt kể:

“Ngay từ tối 29-3, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện đã về xã để chỉ đạo chúng tôi chuẩn bị đón khách. Nói là chuẩn bị nhưng không có cờ, hoa, trang trí gì cả. Tôi được chỉ định báo cáo tình hình làm ăn của hợp tác xã. Các đồng chí bên chính quyền lo việc bố trí nơi míttinh, làm công tác bảo vệ. Nhà tôi sẽ là nơi đón đoàn dừng chân làm việc với cán bộ hợp tác xã trước khi đoàn gặp gỡ nhân dân”.

Sáng sớm hôm sau, cuối xuân, tiết trời se lạnh. Khoảng 7 giờ có đoàn xe từ từ tiến về thôn Lai Sơn. Lúc này, cán bộ lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Tam Dương và xã Cộng Hòa đã có mặt đông đủ ở nhà ông Tấn, đều chạy ra đầu làng đón đoàn khách quốc tế và Trung ương Đảng.

Đoàn xe dừng lại, đoàn cán bộ trên xe xuống. Bấy giờ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Ngọc Thu mới nói: “Bác Hồ về thăm Lai Sơn đấy”.

Quá bất ngờ, cảm động và sung sướng, tất cả cùng chạy ùa đến. Cùng đi với Hồ Chủ tịch có đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng – Phó Trưởng ban Công tác nông thôn trung ương.

Sau khi trao đổi ngắn gọn với Bí thư Tỉnh ủy Hồ Ngọc Thu, Bác vào nhà chủ nhiệm HTX Lai Sơn. Căn nhà tre cũ, nhỏ bé, đồ đạc không có gì, gian giữa kê một cái chõng tre. Ông Tấn trải một chiếc chiếu cói gấp đôi, mời Bác ngồi.

Tôi bỗng hỏi vui rằng cái chiếu cói gấp đôi ấy có còn giữ được làm kỷ vật hay không? Lão nông cười khà: “Chiếu thì chẳng còn đâu nhưng còn cái này”.

Nói đoạn cụ đứng lên, trỏ tôi nhìn khung ảnh treo trên tường. Trong đấy, những tấm ảnh kỷ vật hơn 60 năm cụ Tấn vẫn gìn giữ cẩn thận. Cụ Tấn chầm chậm chỉ cho tôi những người xưa trong ảnh, từ các cụ “trí thức lưu dung” về Lai Sơn xuống đồng thực tế gặt lúa. Họ đều là những vị quan tham, quan phán, quan đốc một thời nhưng đã cùng hòa mình với nông dân gánh lúa về sân kho hợp tác. Ảnh Hồ Chủ tịch về thăm Lai Sơn…

Nhìn vào tấm ảnh đã 60 năm, chúng tôi thấy rõ chiếc chiếu cói gấp đôi ấy. Còn ông Tấn và ông Bồi – Bí thư chi bộ, cùng một số người khác ngồi chiếc ghế băng bên tay phải Bác. Những người còn lại đứng quây quần xung quanh.

Đang nghe chủ nhiệm Nguyễn Văn Tấn báo cáo ngắn gọn về tình hình làm ăn của bà con xã viên hợp tác xã, đột ngột Bác hỏi: “Làm ăn trong hợp tác xã khá hơn so với bên ngoài là bao nhiêu?”.

Ông Tấn trả lời: “Thưa Bác, mỗi công khoảng vài ba cân ạ”. Nghe mấy chữ “khoảng vài ba cân”, Bác lắc đầu, tỏ ý không hài lòng vì cách so sánh đơn giản của chủ nhiệm HTX.

Làm việc xong, Bác đi ra sân rồi thăm chuồng lợn, khu vệ sinh của gia đình. Cụ Nguyễn Văn Tấn nhớ lại: “Bác đi nhanh nhẹn như người trong gia đình, không cần ai hướng dẫn. Vài phút sau, Bác vượt qua bức tường thấp nhà tôi sang nhà bên cạnh thăm gia đình ông Đắc, một trung nông nhưng chưa vào hợp tác xã. Bác còn thăm tiếp một gia đình nữa rồi ra chỗ nhân dân đang chờ đón Bác”.

Bàn bạc dân chủ với nhân dân

Thấy cụ Nguyễn Văn Tấn rổn rảng kể chuyện với khách, bà con dâu có vẻ yên tâm. Trước khi vào trông cháu, bà dặn phòng cho tôi: “Chỉ sợ cụ cao tuổi nhớ lẫn chuyện nên ông nhà tôi vẫn dặn là không để cụ gặp nhà báo. Hôm nay cụ lại kể rành rọt thế này”.

Trước đông đảo nhân dân HTX Lai Sơn, Hồ Chủ tịch nói ngắn gọn, đại ý: nông dân phải vào hợp tác xã để làm ăn tập thể, để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cán bộ, đảng viên phải bàn bạc dân chủ với nhân dân để xây dựng hợp tác xã. Ở đây có nhiều đồi phải trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả. Mọi người phải đoàn kết, xây dựng đời sống mới.

Bác còn hỏi mọi người về làm bèo hoa dâu, về chăm sóc lúa, hoa màu… Mọi người nghe Bác như một lão nông giàu kinh nghiệm đang giảng giải về sản xuất nông nghiệp.

“Bác mong tất cả đoàn viên, hội viên phụ nữ phải gương mẫu vào tổ đổi công và hợp tác xã. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện chí công vô tư, chống tham ô, lãng phí để mọi người noi theo. Hợp tác xã Lai Sơn phải cố gắng làm gương cho nông dân toàn xã học tập, xây dựng hợp tác xã. Mọi người đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để hợp tác xã ngày một tốt hơn”. Những điều mong muốn của Hồ Chủ tịch được địa phương ghi chép và gìn giữ, truyền lại cho lớp sau tiếp nối.

Về thăm Lai Sơn, Bác có đem huy hiệu về. Khi được hỏi huy hiệu nên tặng cho những ai? Có người đề nghị Bác thưởng huy hiệu cho đồng chí Tấn – Chủ nhiệm hợp tác xã và đồng chí Đáp – Bí thư Thanh niên.

Cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu

Cụ Tấn rót thêm nước vào chén, đoạn kéo chiếc khăn mặt ngang cổ, giọng vẫn đều đều: “Chú dùng nước đi. Tôi chỉ uống nước vối. Bây giờ già rồi, mồ hôi ra nhiều nên cứ phải có cái khăn đi cùng thế này”.

Trước cụ chủ nhiệm tuổi bách niên, tóc bạc trắng, da dẻ hồng hào, có lẽ những ngăn chuyện cũ trong kho ký ức của cụ hãy còn nhiều, tôi đánh bạo hỏi về ông Bí thư khoán hộ Kim Ngọc. Cụ Tấn lại khoan khoái cười: “Thì tôi làm khoán hộ với ông Kim Ngọc chứ ai”.

Hồ Chủ tịch về thăm Hợp tác xã Lai Sơn (Ảnh tư liệu).

Vậy ra, từ ông chủ nhiệm HTX Lai Sơn điển hình được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, hai năm sau, ông Nguyễn Văn Tấn được nhân dân bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa II (1960). Từ xã, ông lên huyện phụ trách phong trào nông dân. Cả đời ông cứ gắn bó với ruộng đồng cho đến khi nghỉ hưu.

Khi Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc chủ trương khoán ruộng cho nông dân, ông Nguyễn Văn Tấn hào hứng ủng hộ. Đến nay, vị lão nông chủ nhiệm HTX Lai Sơn vẫn nhớ đến những củ khoai được dỡ về to như cái ấm. Nhìn từng củ khoai, ai cũng trầm trồ, xuýt xoa. Nhưng rồi, do những hạn chế của thời đại, lo sợ HTX nông nghiệp bị phá, Trung ương thổi còi, khoán hộ ở Vĩnh Phúc phải dừng. Để rồi gần 20 năm sau Trung ương mới lại đồng ý… khoán!

Cụ Nguyễn Văn Tấn cứ rổn rảng kể chuyện nông thôn. Chả mấy chốc đã đứng bóng trưa.

“Về thăm Lai Sơn chừng hơn một tiếng đồng hồ, Bác nói ít và nói ngắn; Bác nhanh nhẹn, cởi mở và có tình cảm chan hòa đối với chúng tôi như cha với con. Ở bên Bác tôi thấy sự ấm cúng lạ thường, không có gì là ngăn cách, thật gần gũi và thân thương. Chính vì thế, những lời nói của Bác đã ăn sâu vào tâm trí tôi từ ngày ấy.

Đặc biệt, tôi không thể nào quên lời Bác dặn: Làm gì cũng phải dân chủ bàn bạc với dân, với mọi người. Là cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo lại cần phải gương mẫu hơn, thực hiện chí công vô tư, không tham ô, lãng phí. Trong công việc phải cụ thể, tỉ mỉ, không được chung chung, sơ lược…” (Cụ Nguyễn Văn Tấn – Chủ nhiệm HTX nông nghệp Lai Sơn).

Kiều Mai Sơn

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/chuyen-dong-chuyen-ruong-voi-chu-nhiem-hop-tac-xa-thoi-ong-kim-ngoc-539698/