Chuyển đổi số y tế, người dân có thể tự chẩn đoán bệnh của mình

Theo Bộ Y tế, khi thực hiện chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, cho phép người dân có thể quản lý, tra cứu thông tin sức khỏe của mình.

Sáng 29/12, tại phiên khai mạc Chuyển đổi số Y tế quốc gia, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tại Việt Nam hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ tới tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến chính trị, quốc phòng, an ninh và môi trường.

Đảng, Nhà rất quan tâm và ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chiến lược nhằm chủ động, phát huy tốt vai trò của công nghệ thông tin và tận dụng những cơ hội do kỷ nguyên kỹ thuật số mang lại.

Phiên khai mạc Chuyển đổi số Y tế quốc gia diễn ra sáng 29/12.

Phiên khai mạc Chuyển đổi số Y tế quốc gia diễn ra sáng 29/12.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, đây là năm ngành y tế đã xuất sắc vượt qua những thách thức lớn chưa từng có do dịch bệnh COVID-19. Việt Nam đã khẳng định được các thành quả chống dịch với dấu ấn sâu sắc đối với cộng đồng quốc tế, củng cố lòng tin đối với Đảng, Nhà nước và của nhân dân. Thành công này có sự góp sức không nhỏ của việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số y tế.

Đặc biệt, mới đây Bộ Y tế cũng khai trương Cổng công khai y tế để giúp người dân và doanh nghiệp tra cứu và giám sát toàn bộ thông tin về giá thuốc, giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế. 100% cơ sở y tế hiện nay trên cả nước triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy, dùng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng robot trong điều trị, phẫu thuật hay áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Thời điểm dịch COVID-19, Bộ Y tế cũng triển khai hệ thống Teleheath – khám chữa bệnh từ xa với 1.300 bệnh viện tham gia. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đưa nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở kết nối dữ liệu gần 12.000 trạm y tế trên toàn quốc vào hoạt động.

Theo ông Tuyên, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025, 100% cơ sở y tế thanh toán không dùng tiền mặt; 100% thực hiện khám chữa bệnh từ xa, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; 100% người dân được định danh y tế; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử và 15% trên tổng số bệnh viện (210 bệnh viện) chuyển đổi số thành công.

"Thông qua chuyển đổi số, người dân có thể tự kiểm tra chẩn đoán bệnh ban đầu của mình thông qua ứng dụng và các trợ lý ảo. Thậm chí, mọi người còn tự theo dõi, phát hiện tình trạng sức khỏe của mình dựa vào các thiết bị gắn trên người (bao gồm thiết bị di động)”, ông Tuyên nêu rõ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết, khi chuyển đổi số toàn diện ngành y tế, mỗi người sẽ có có một bác sĩ riêng với hồ sơ sức khỏe riêng được cập nhật liên tục. Trên cơ sở đó các bác sĩ sẽ tư vấn, chăm sóc cho từng người như bác sĩ riêng./.

Minh Khánh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chuyen-doi-so-y-te-nguoi-dan-co-the-tu-chan-doan-benh-cua-minh-827377.vov