Chuyển đổi số y tế để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn

Chuyển đổi số để người dân thuận lợi hơn khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dễ dàng tương tác với ngành y tế để phản ảnh và được hướng dẫn.

Ngày 17-12, Sở Y tế TP.HCM và Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM phối hợp tổ chức hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm một số mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: TTBC

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: TTBC

Tại hội thảo, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số. Ông cho biết ngành y tế TP đang ra sức nỗ lực hiện thực hóa thông điệp “Chuyển đổi số để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn”. Cụ thể:

Chuyển đổi số để người dân thuận lợi hơn khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dễ dàng tương tác với ngành y tế để phản ảnh và được hướng dẫn. Cạnh đó người dân dễ dàng quản lý sức khỏe, kết nối và liên thông các dữ liệu sức khỏe với các cơ sở khám chữa bệnh. Đặc biệt, mỗi người dân đều được lập hồ sơ sức khỏe điện tử.

Chuyển đổi số để thầy thuốc dễ dàng tiếp cận các kiến thức khoa học mới, kỹ thuật mới, giảm thiểu nguy cơ sai sót ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn người bệnh và giảm bớt các thủ tục hành chính, giấy tờ trong BV. BS tuyến dưới có thể kết nối dễ dàng với BS tuyến trên để hội chẩn, tư vấn.

Chuyển đổi số để nhà quản lý y tế triển khai hiệu quả công tác điều phối, giám sát, cảnh báo, dự báo đối với các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân. Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính của ngành y tế và triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, triển khai các hoạt động hướng đến phục vụ người bệnh, nhân viên y tế ngày một tốt hơn.

Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm một số mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ông Thượng nhắc lại đại dịch COVID-19 vừa qua, về góc độ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác phòng, chống dịch đã để lại những sản phẩm sáng tạo và hiệu quả. Điển hình, sản phẩm “Hệ thống quản lý người bệnh COVID-19” của Sở Y tế đã giúp TP giải quyết triệt để tình trạng ứ đọng người bệnh chưa từng có tại các trạm y tế trên địa bàn TP.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít những khó khăn và thách thức khi triển khai hoạt động chuyển đổi số. “Nguồn nhân lực và hạ tầng CNTT tại các đơn vị còn thiếu và yếu do chưa được đầu tư đồng bộ, đúng mức theo kỳ vọng phát triển công nghệ số. Các quy định, quy trình nội bộ chưa kịp thay đổi cho phù hợp với môi trường làm việc trên nền tảng số. Tư duy chuyển đổi số dù có nâng cao hơn nhưng năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế” - PGS.TS Thượng nhìn nhận.

Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm, trong năm 2023, toàn ngành y tế sẽ hưởng ứng và tham gia chương trình Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội do UBND TP phát động.

“Năm 2023 là năm mà toàn ngành sẽ quyết tâm khởi động hai hoạt động trọng tâm mang ý nghĩa rất quan trọng không thể thiếu đó là xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân TP và xây dựng kho dữ liệu dùng chung của ngành y tế”- Ông Thượng nói.

Cuối cùng, giám đốc Sở Y tế đề nghị mỗi cơ sở y tế phải tăng cường học tập, chia sẻ kinh nghiệm, không nằm ngoài mục tiêu góp phần hình thành nền y tế thông minh, hiện đại, chất lượng. Ông mong rằng 2023 sẽ là một năm phát triển vượt bậc về y tế số, chuyển đổi số.

6 hoạt động chính trong lộ trình chuyển đổi số của n gành y tế

Xây dựng các nền tảng quản lý dịch bệnh; Quản lý sức khỏe người dân bằng hồ sơ sức khỏe điện tử; Quản lý người bệnh bằng bệnh án điện tử; Xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế; Điều phối mạng lưới cấp cứu ngoại viện bằng hệ thống điều phối cấp cứu thông minh; Tăng cường ứng dụng các giải pháp AI trong khám chữa bệnh nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-doi-so-y-te-de-nguoi-dan-duoc-cham-soc-suc-khoe-tot-hon-post712654.html