Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường: Góc nhìn từ các chuyên gia, doanh nghiệp

Trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao công nghệ thông tin, truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2019 với chủ đề 'Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường', nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đã có những chia sẻ thiết thực về cơ hội, khó khăn cũng như giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam.

Chuyển đổi số là cơ hội chưa từng có

Tiến sỹ David Bray, Giám đốc điều hành, People- Centered, thành viên cao cấp của viện Trí tuệ Con người và Máy móc (Hoa Kỳ) cho rằng, chúng ta đang đối mặt với sự thay đổi công nghệ chưa từng có. Nếu như năm 2013 thế giới với 7,1 tỷ người, có 7 tỷ thiết bị nối mạng toàn cầu thì dự báo tới 2025 với 8 tỷ người, sẽ có hơn 75 tỷ thiết bị nối mạng. Trong đó có 7 tỷ người (chiếm hơn 85%) dân số thế giới luôn luôn online.

Chúng ta sẽ chứng kiến nhiều thay đổi trong 7 năm tới hơn 20 năm đã qua. Vạn vật kết nối với Internet (IoT) sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số theo cấp số nhân trong tất cả mọi lĩnh vực. Trước sự đổi thay lớn này, các doanh nghiệp cần nắm bắt lấy cơ hội, nhanh chóng chuyển đổi số, để phát triển công nghệ, thúc đẩy sự sáng tạo.

Cuộc cách mạng số đã và đang tạo nên những chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội. Đặc biệt là đóng góp to lớn cho tăng trưởng kinh tế và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Số hóa có thể được ví như công nghiệp hóa về tác động của nó với các lĩnh vực kinh tế xã hội. Nếu công nghiệp hóa đặt sức mạnh của máy móc vào trung tâm nền kinh tế thì số hóa lấy trí tuệ kỹ thuật làm điểm tựa mới. Khi chuyển đổi số, các DN sẽ đạt được 5 lợi ích chính là tỷ suất lợi nhuận tăng, năng suất lao động tăng, doanh thu tăng, giảm chi phí và tăng sự gắn kết với khách hàng.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT. Ảnh: FPT

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT. Ảnh: FPT

Các tập đoàn công nghệ tiên phong đã sẵn sàng

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT khẳng định: “Có thể nói, đến nay, các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ tiên phong tại Việt Nam đã sẵn sàng và đang từng bước cung cấp các giải pháp cho CĐS. Với những nền tảng mang tính toàn diện, đi vào chiều sâu, sự thấu hiểu quy trình - kinh nghiệm CĐS cùng nguồn nhân lực chuyên môn cao, đây sẽ là động lực để Việt Nam có thể bứt phá và bắt kịp tốc độ công nghệ vũ bão của thế giới”.

Ông Nguyễn Văn Khoa cam kết, FPT sẽ tiên phong dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số cho lĩnh vực dịch vụ công và doanh nghiệp. Để thực hiện tầm nhìn này, FPT đặt mục tiêu giảm 30-50% thời gian triển khai dự án chuyển đổi số cho tổ chức/doanh nghiệp bằng nền tảng và sản phẩm số toàn diện của mình; đồng thời đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ chất lượng cao trong tương lai; và chuyển giao phương pháp luận chuyển đổi số mang tên FPT Digital Kaizen được đúc kết dựa trên kinh nghiệm thực tế khi cộng tác cùng các đối tác quốc tế.

Muốn chuyển đổi số thành công, cần lựa chọn “điểm đột phá”

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA cho rằng, để chuyển đổi số thành công tại Việt Nam, mỗi địa phương, mỗi bộ ngành, doanh nghiệp/tổ chức nên bắt đầu từ một lĩnh vực được lựa chọn như một “điểm đột phá” để tập trung nguồn lực với những chính sách cụ thể để tiến hành chuyển đổi số. Khi đã tìm được đường hướng phát triển, với nền tảng vững chắc, bền vững, cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm tư vấn chiến lược, các tổ chức/doanh nghiệp đó có thể đo đếm, đánh giá tính hiệu quả thực sự để điều chỉnh và tìm ra giải pháp phù hợp nhất dựa trên đặc tính cơ sở.

Câu chuyện về quyết tâm xây dựng trung tâm trí tuệ nhân tạo tại Quy Nhơn là một ví dụ cho điều này. Với quyết tâm cao của địa phương và những tư vấn từ các chuyên gia công nghệ có kinh nghiệm về chuyển đổi số, đây sẽ là nơi thu hút nhân tài khu vực miền Trung, đào tạo mới cũng như hội tụ đội ngũ nhân sự tài năng về trí tuệ nhân tạo để cung ứng cho công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam. Các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp khác cũng có thể từ những thông tin, kiến thức thu được từ diễn đàn tìm ra định hướng riêng cho mình.

Chuyển đối số bắt đầu khi hạ tầng mạng được chuyển đổi

Theo ông Park Jong Hyun, Tổng Giám đốc DASAN Zhone Solutions (DZS) Việt Nam, chuyển đổi số hay Cuộc cách mạng 4.0 là xu hướng tất yếu, thay đổi toàn diện cách thức con người sống và làm việc với một tốc độ chóng mặt. Dù các nhân tố như kết nối di động, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, hay vạn vật kết nối đóng vai trò chủ chốt cho sự phát triển của chuyển đổi số, nhưng cuộc cách mạng này chỉ thực sự bắt đầu khi cơ sở hạ tầng mạng được chuyển đổi.

Theo một nghiên cứu của IDC thực hiện năm 2017 với tiêu đề: “Cơ sở hạ tầng mạng của doanh nghiệp bạn đã sẵn sàng cho cuộc cách mạng chuyển đổi số hay chưa?” hầu hết các cơ sở hạ tầng mạng hiện nay chưa đáp ứng được các yêu cầu đòi hỏi của cuộc cách mạng số 4.0 bao gồm: tốc độ, bảo mật dữ liệu, khả năng mở rộng, lưu trữ đám mây và đơn giản hóa.

Ông Park Jong Hyun, Tổng giám đốc DASAN Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số chỉ thực sự bắt đầu khi cơ sở hạ tầng mạng chuyển đổi. Ảnh: ICT News

Khảo sát trên 2.000 DN toàn cầu của Công ty tư vấn McKinsey đưa ra cho thấy, đóng góp của chuyển đổi số vào tăng doanh thu lợi nhuận rất đáng kể. Với nỗ lực chuyển đổi toàn diện, một doanh nghiệp có thể tăng doanh số thêm 11,2% và lợi nhuận 7,3%.

Có thể nói, chuyển đổi số mở ra cơ hội mới, để hội tụ nguồn nhân lực, bao gồm cả việc bỏ qua các cơ sở hạ tầng trung gian của thời đại công nghiệp, tận dụng sự lan tỏa của kiến thức rộng lớn từ Internet, tận dụng thị trường mới, được cung cấp bởi nền tảng kỹ thuật số và khai thác khả năng sản xuất được kích hoạt bởi công nghệ số.

Đặc biệt cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cùng với quản trị tốt sẽ tạo điều kiện để vượt qua vấn đề phối hợp hay thiếu thị trường, thường gặp của các doanh nhân ở những nền kinh tế đang phát triển. Cho phép doanh nghiệp rời khỏi địa phương, đi ra toàn cầu phù hợp với xu hướng tự do hóa thị trường và giảm các rào cản thương mại.

Còn theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo. Công ty nghiên cứu McKensey cũng chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%.

Bảo Lâm

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/chuyen-doi-so-vi-mot-viet-nam-hung-cuong-goc-nhin-tu-cac-chuyen-gia-doanh-nghiep-d162023.html